Ảnh hưởng của Nho giáo, coi trọng phụ quyền khiến người Việt suy tôn nam giới, không coi trọng nữ giới, đề cao quan niệm "cậu ấm nối dõi". Biểu hiện của tư tưởng “trọng nam khinh nữ” tồn tại trong suốt hàng mấy trăm năm như người nào sinh con gái thì phải ngồi mâm dưới, nếu đẻ nhiều con mà chỉ có con gái thì coi như tuyệt tự, chỉ con trai mới được truyền nối dõi tổ nghề...
“Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”
PGS.TS Ngô Văn Giá, trường Đại học Văn hóa cho biết, tư tưởng “trọng nam khinh nữ” tồn tại khá nặng nề trong thời kỳ phong kiến. Ban đầu nó xuất phát từ ý thức rất tốt, là người nam phải gánh vác các công việc lớn trong gia đình, là trụ cột của gia đình nên vai trò của người nam phải được đặt lên hàng cao hơn so với nữ. Hơn nữa, quan điểm coi sinh con trai mới là con, đẻ nhiều con gái coi như tuyệt tự là vì nhằm xác định rõ ràng huyết thống, tránh tình trạng hôn nhân cận huyết làm hủy hoại nòi giống. Thời nhà Trần chúng ta rơi vào tình trạng hôn nhân cận huyết quá nhiều dẫn đến nhiều trẻ sinh ra bị quái thai, dị tật, mãi đến thời nhà Lê mới khắc phục được tình trạng này. Về sau này, do ảnh hưởng của Nho giáo, coi trọng phụ quyền nên tư tưởng “trọng nam khinh nữ” càng trở nên nặng nề.
GS.TS Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng dân gian Việt Nam cũng cùng chung nhận định rằng, tư tưởng “trọng nam khinh nữ” xuất phát từ ảnh hưởng của Nho giáo. “Trọng nam khinh nữ” nghĩa là coi trọng người nam, coi nhẹ nữ giới chứ không phải là “khinh thường” nữ giới. Từ thế kỷ XV khi nhà Lê chọn Nho giáo là tôn giáo duy nhất cho đến thời Nguyễn, Nho giáo ở Việt Nam “làm mưa làm gió”. Quan niệm “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” (có 1 con trai cũng là có con, có 10 con gái coi như không có con nào) ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống. Phụ nữ phải “tam tòng tứ đức”, ấy thế nhưng đàn ông thì lại “năm thê bảy thiếp”. Rồi khi cha mẹ chết đi, chỉ con trai mới được quyền thừa kế. Trong mỗi gia đình, trưởng nam có vai trò vô cùng quan trọng. Chỉ trưởng nam mới được quyền thờ cúng cha mẹ, tổ tiên. Các con thứ làm gì cũng phải hỏi ý kiến trưởng nam.
GS.TS Ngô Đức Thịnh chỉ rõ: “Coi trọng nam giới là tư tưởng nặng nề ăn sâu bám rễ lâu đời trong đời sống. Bất hiếu là tội nặng nhất của người quân tử, trong đó không đẻ được con trai để nối dõi tông đường là tội bất hiếu nặng nhất. Con gái đi lấy chồng là coi như mất họ, nên vai trò của con gái trong họ hàng dòng tộc không được coi trọng nhiều”.
|
Ảnh minh họa. |
Phụ quyền phát triển ở quốc gia chăn nuôi
Theo GS.TS Ngô Đức Thịnh, các dân tộc khác nhau do hoàn cảnh kinh tế khác nhau dẫn đến quan niệm về phụ quyền cũng khác nhau. Đa phần ở những dân tộc có nguồn gốc chăn nuôi, săn bắt, chiến tranh trận mạc... thì quan niệm phụ quyền càng nặng nề do vai trò của người đàn ông quyết định phần lớn diễn biến đời sống, thậm chí là sự tồn vong của cộng đồng ấy nằm trong tay người đàn ông. Còn với đất nước nông nghiệp như Việt Nam, vai trò của người phụ nữ ít nhiều cũng được thể hiện nên tư tưởng “trọng nam khinh nữ” dù có nặng nề cũng chưa ghê gớm bằng nhiều quốc gia khác. Ở Việt Nam, các dân tộc như người Dao, người Mông, quan niệm phụ quyền nặng hơn hẳn các dân tộc khác. Ngày xưa trong bộ luật Hồng đức có quy định người phụ nữ được quyền thừa kế, được quyền lấy chồng khác nếu chồng đi biệt xứ không tin tức gì... chứng tỏ rằng người phụ nữ đã được coi trọng hơn.
Cũng theo phân tích của GS.TS Ngô Đức Thịnh, do ảnh hưởng của Nho giáo nên người quân tử sống trong xã hội xưa luôn đặt chữ hiếu lên hàng đầu. Dù có phải xông pha lửa đạn, đối mặt với cái chết thì vẫn phải giữ trọn chữ hiếu. Trong tác phẩm Thủy Hử, nhân vật Tống Giang sau khi gia nhập đội quân 108 anh hùng Lương Sơn Bạc thì hay tin mẹ mất. Nếu Tống Giang về chịu tang mẹ sẽ bị đội quân triều đình bắt, thậm chí là giết. Nhưng người quân tử không thể bất hiếu, nên Tống Giang vẫn quyết định về. Chữ hiếu khi đó gồm có tiểu hiếu (có hiếu với gia đình), trung hiếu (có hiếu với vua) và đại hiếu (có hiếu với đất nước). Theo logic đó, không sinh được con trai để nối dõi tông đường là tội bất hiếu lớn nhất, nên dù bằng cách nào, như thế nào, người ta nhất thiết vẫn phải sinh được con trai. Tư tưởng phụ quyền trở nên nặng nề và thành một áp lực đè nén người phụ nữ.
|
Ảnh minh họa. |
Dần thay đổi nhận thức
Theo PGS.TS Ngô Văn Giá, ngày nay, tàn dư của tư tưởng này vẫn còn là bởi sức trì kéo của truyền thống quá mạnh. Dù chúng ta đã có nhiều nỗ lực để thay đổi nhưng thành quả đạt được cũng chưa thực sự nhiều, tư tưởng “trọng nam khinh nữ” vẫn còn ăn sâu vào đời sống, nếp nghĩ của con người cho đến tận ngày hôm nay.
Còn GS.TS Ngô Đức Thịnh ngậm ngùi, ngày nay đã có những thay đổi, thành quả của cuộc đấu tranh bình đẳng giới đã có những bước chuyển nhất định, người phụ nữ có điều kiện tốt hơn để thực hiện quyền của mình. Trong quan niệm thờ cúng nói chung, không chỉ trưởng nam mà các con dù trai hay gái đều có quyền thờ cúng cha mẹ tổ tiên. Tuy nhiên, quan niệm về sinh con trai hay con gái thì vẫn rất nặng nề, có những nơi mà sức ép sinh con trai hay con gái làm tan vỡ gia đình. Rõ ràng tư tưởng này đã ăn sâu bám rễ, dù có những người tân tiến, suy nghĩ tích cực hơn, thông thoáng hơn thì vẫn tồn tại những luồng quan niệm đối lập. Tư tưởng này không dễ gì phai mờ được, vì nó liên quan nhiều đến các vấn đề của đời sống như thừa kế, tài sản, nối dõi...
|
Ảnh minh họa. |
“Nhiều người cho rằng, nếu cho con gái thừa kế thì hóa ra tài sản của mình lại bị chuyển cho nhà khác, trong khi đó cả đời lao động, mô hôi nước mắt đánh đổi mới có chút tài sản. Tôi được biết có người được cho là đại gia, vì vợ không sinh được con trai nên bằng mọi cách để “kiếm” con trai bên ngoài để có người thừa kế, hương hỏa. Ngày nay, khi sản xuất càng nhiều, tích lũy càng lớn thì nhu cầu đẻ con trai để thừa kế lại càng lớn. Điều này nó ngăn trở sự thay đổi trong nhận thức về phân biệt nam nữ”, GS.TS Ngô Đức Thịnh phân tích.
Xem ra, để thay đổi được quan niệm, cách nghĩ của nhiều người về sinh con trai, con gái, cần đến nhiều kênh thông tin khác nhau, trong đó tự nhận thức, phông văn hóa của mỗi người quyết định khá lớn.
Theo Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa Gia đình (Bộ Y tế), những năm qua tỷ số chênh lệch giới tính khi sinh của Việt Nam liên tục tăng. Đặc biệt, hiện nay tỷ số này đã ở mức nghiêm trọng: 112,3 bé trai/100 bé gái. Cá biệt, một số tỉnh, thành phố thuộc Đồng bằng sông Hồng có tỷ số giới tính khi sinh từ 120 - 130 bé trai/100 bé gái. Lo ngại hơn, tình trạng này lại đến từ những nơi có đời sống kinh tế phát triển, gia đình khá giả, trình độ học vấn cao... Xã hội hiện đại không chấp nhận những suy nghĩ trọng nam khinh nữ như thời phong kiến. Mọi quan niệm cổ xưa, sai trái khi đưa ra sẽ bị phản bác. Ở bất cứ thời đại nào, con cái là vốn quý của bố mẹ.
Tô Hội