Người đẹp bí ẩn khiến Đức quốc xã lung lay

Google News

(Kiến Thức) - Christine Granville là điệp viên được Thủ tướng Anh Churchill yêu thích nhất. Với tài năng đặc biệt của mình, cô đã làm suy yếu chính quyền Đức quốc xã.

Granville là điệp viên gan dạ đã xông vào vùng lãnh thổ của Pháp đang bị Đức quốc xã chiếm đóng để đấu tranh, mở đường giải phóng quốc gia này. Mới đây, Bảo tàng Chiến tranh Hoàng gia Anh mới công bố một số hình ảnh trong kho lưu trữ về nữ điệp viên xuất sắc này. Thông qua các bức hình, công chúng sẽ có cái nhìn toàn diện hơn về nữ điệp viên xinh đẹp tài ba Granville.
Từng giành vương miện trong một cuộc thi sắc đẹp tại Ba Lan, Granville hoàn toàn không giống với hầu hết các hoa hậu kiều diễm, liễu yếu đào tơ khác. Sau khi Ba Lan rơi vào tay quân Đức, cô di cư sang Anh và bắt đầu tham gia vào các hoạt động bí mật dưới nhiều thân phận khác nhau. Sau đó, cô phục vụ tại Cục Hành động đặc biệt (SOE) của Anh.
Nhờ diện mạo xinh đẹp, đặc biệt là tinh thần quả cảm, trí tuệ vượt trội, Granville đã thu thập được vô số tin tình báo giá trị, trong đó có cả thông tin dự báo về việc quân Đức sẽ xâm lược Liên Xô. Chính vì vậy, cô nhanh chóng trở thành một trong những nữ điệp viên nổi tiếng nhất trong Chiến tranh thế giới II và được Thủ tướng Anh Churchill yêu thích nhất trong số các điệp viên thời ấy.
Hình ảnh chưa từng công bố về nữ điệp viên xinh đẹp Granville.
Sau khi kết thúc chiến tranh, Granville nhận được rất nhiều huân huy chương nhờ những điệp vụ xuất sắc của mình. Cô rất tự hào vì những chiến tích đã đạt được.
Tuy nhiên, những hình ảnh trong bộ ảnh mới được công bố lại cho thấy góc khuất trong công việc và cuộc đời của nữ điệp viên. Cuộc sống hàng ngày của Granville luôn trong vòng nguy hiểm vì cái chết rình rập.
Một bức ảnh chụp Granville ngồi cạnh hai thanh chống bằng gỗ - tất cả những gì còn lại của một cây cầu bị quân Đồng minh cho nổ tung khi tiến vào giải phóng nước Pháp. Trong ảnh, cô nở nụ cười ngọt ngào.
Nhiệm vụ của Granville trong thời chiến không phải là phá hủy và nó cũng chưa bao giờ xuất hiện trong ý nghĩ của cô. Granville luôn mang theo một con dao bên người và giấu ở đùi để sẵn sàng hành động.
Nữ điệp viên xuất sắc làm việc cho Cục Hành động đặc biệt (SOE) sinh ở Krystyna Skarbek, Ba Lan. Cô đã tham gia hoạt động tình báo kể từ năm 1939 - sau khi quê hương của cô bị chính quyền Đức quốc xã chiếm đóng.
Trong thời gian đó, Granville theo học khóa huấn luyện gọi là “'Section D”. Sau đó, cô gia nhập Cục Hành động đặc biệt (SOE) – cơ quan chuyên thực hiện các điệp vụ thu thập tin tình báo, trinh sát và phá hoại trong lãnh thổ bị chiếm đóng. 
Một trong số những vũ khí mà cựu nữ hoàng sắc đẹp Granville luôn mang theo bên mình để thực hiện các điệp vụ.
Những điệp vụ đầu tiên của Granville là ở khu vực giữa Hungary và những địa điểm tại Ba Lan bị phát xít Đức chiếm đóng. Tại đây, cô đã chứng minh được sự gan dạ, quả cảm của mình khi làm nhiệm vụ chuyển tin vô cùng thông minh. Cô thường di chuyển bằng cách trượt tuyết vào ban đêm trong cái giá rét -30 độ C để tránh các cuộc tuần tra biên giới của kẻ kịch.
Không chỉ gan dạ, táo bạo, nữ điệp viên Granville còn vô cùng thông minh và đầy bản lĩnh khi đối mặt với kẻ thù và thoát thân thành công. Cụ thể, có lần cô đã đánh lừa thành công một sĩ quan Gestapo khi mang theo những gói hàng chứa truyền đơn tuyên truyền từ Anh vào lãnh thổ Ban Lan. Cô nói với viên sĩ quan này rằng, đó là những gói trà mua ở chợ đen về chữa bệnh cho mẹ. Sau đó, cô nở nụ cười "chết người" khiến viên sĩ quan cho cô mang gói hàng qua chốt kiểm tra một cách dễ dàng.
Lại có lần, cô và sĩ quan quân đội Ba Lan Andrzej Kowerski bị lực lượng cảnh sát mật của Đức quốc xã Gestapo bắt và tra tấn. Granville và cộng sự có thể phải chết nếu như đối phương chứng minh được hai người là điệp viên của phía bên kia. Nhờ tài trí của mình, Granville đã tìm ra cách thoát nạn trong gang tấc bằng cách cắn chảy máu lưỡi. Sau đó, cô giả vờ ho ra máu và thuyết phục nhân viên Gestapo rằng, cô và cộng sự mắc bệnh lao phổi. Các sĩ quan Gestapo đã vô cùng sợ hãi và cuối cùng quyết định thả nữ điệp viên tài ba cùng sĩ quan Kowerski. Họ lo sẽ bị lây nhiễm căn bệnh nguy hiểm trên.
 Những huân, huy chương mà Granville được trao tặng trong thời gian làm điệp viên.
Do tinh thông tiếng Pháp, nữ điệp viên Granville được cử đến khu vực miền Nam nước Pháp để phối hợp với các lực lượng tiến bộ trong nước đứng lên chống lại kẻ thù xâm lược. Sau đó, cô được thăng cấp vì lập được nhiều thành tích khi làm việc ở SOE. Cô trở thành người phụ trách liên lạc giữa Anh với các đồng nghiệp trong khu vực.
Sở hữu vẻ ngoài xinh đẹp và vô cùng thông minh, Granville có sức hấp dẫn lạ kỳ đối với phái mạnh. Trong số những người theo đuổi, cô đã yêu đồng nghiệp Francis Cammaerts khi cả hai kề vai sát cánh tác chiến chống lại chế độ cầm quyền của Đức quốc xã. Trong một báo cáo mật có liên quan đến nữ điệp viên tài ba này có chi tiết cô đã tìm mọi cách để cứu người yêu khỏi ngục tù của kẻ địch.
Cụ thể, Cammaerts đã bị bắt cùng với hai đồng nghiệp tại một trạm kiểm soát. Khi nghe hung tin, Granville đã “khẩn cầu” các thành viên thuộc lực lượng kháng chiến địa phương lên kế hoạch cướp ngục để cứu Cammaerts.
Cô đã thuyết phục được quan chức địa phương và đích thân tham gia kế hoạch giải cứu người yêu. May mắn là kế hoạch của cô thành công trót lọt.
Thi hài Granville được chôn cất tại nghĩa trang Công giáo La Mã St Mary's ở Kensal Green, London, Anh.
Nữ điệp viên tài ba này đã qua đời tại một khách sạn ở West London năm 1952. Sự ra đi của cô nhanh chóng trở thành sự kiện mang tầm cỡ thế giới. Khi đó, Granville bị chính người yêu sát hại bằng một nhát dao chí mạng. Kẻ giết cô chính là George Muldowney. Sau khi bị bắt về quy án, cơ quan chức năng đã treo cổ Muldowney vì tội ác đã gây ra.
Một năm sau đó, cha đẻ của loạt tiểu thuyết trinh thám James Bond là Ian Flemming đã không cưỡng lại được sức cuốn hút của nữ điệp viên Granville nên lấy cô làm nguồn cảm hứng cho nhân vật nữ điệp viên hai mang Vesper Lynd trong tác phẩm đầu tay về James Bond mang tên "Sòng bạc Hoàng gia" (Casino Royal).
Tâm Anh (theo DM)