Con đường đến với đỉnh cao quyền lực
Dười thời Xôviết, nhiều phụ nữ đã được giữ những chức vụ cao, nhưng phần lớn không có thực quyền. Yekaterina Furtseva là một ngoại lệ, bà từng giữ những chức vụ quan trọng trong các cơ quan lãnh đạo cao nhất của Liên Xô: Bí thư thứ nhất Thành ủy Moskva (1954-1957), Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị (1956-1957), Ủy viên Bộ Chính trị (1957-1961), Bí thư Trung ương Đảng (1956 - 1960), Phó Chủ tịch Xô viết Tối cao (1950-1962) và Bộ trưởng Bộ Văn hóa (1960-1974). Vậy vì sao lại chính là bà? Con đường nào đã đưa người thợ dệt đến với đỉnh cao quyền lực? Do ngẫu nhiên hay do cảm tình của các nhà lãnh đạo dành cho người phụ nữ xinh đẹp?...
|
Bà Yekaterina Furtseva, tháng 6-1970. |
Nhiều người khi đó cho rằng, được như vậy là do bà có quan hệ tình cảm với Tổng bí thư Nikita Khrushchev. Khi đến thăm Liên Xô vào thời kỳ đó, các nhà lãnh đạo Tập đoàn truyền thông BBC cũng quan tâm tìm hiểu vấn đề này.
Tuy nhiên, đến nay có thể thấy rõ, bà Y. Furtseva không có quan hệ tình cảm với Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô. Ông N. Khrushchev coi trọng cuộc sống gia đình và quan tâm tới sự tiến bộ của phụ nữ, trong đó có việc đề bạt họ. Nhưng, ông cũng không khoan dung với bất cứ hành vi sai phạm nào và yêu cầu của ông đối với phụ nữ cũng như với nam giới. Vào thời kỳ ấy, tình yêu công sở không quyết định sự thăng tiến của phụ nữ. Lúc đó, những người phụ nữ được lựa chọn vào bộ máy lãnh đạo của đảng, dường như, không chỉ vì họ hấp dẫn và đáng yêu.
Y. Furtseva sinh ngày 24-11-1910 tại thành phố Vyshny Volochok, tỉnh Tver của Nga. Năm 1928, bà xin vào làm việc tại một nhà máy dệt, trở thành Bí thư tỉnh đoàn Kursk vào năm 1930, tốt nghiệp Viện Công nghệ Hóa tinh vi Moskva mang tên M.V. Lomonosov vào năm 1941 và tham gia phòng thủ Moskva năm 1942. Sau đó, bà được chuyển về công tác tại Quận ủy Frunze, Moskva.
|
Bà Y. Furtseva tại một cuộc triển lãm ảnh, năm 1972. |
Người đầu tiên đưa bà đến với công tác đảng là Peter Boguslavsky - Bí thư thứ nhất Quận ủy Frunze. Dường như, P. Boguslavsky không chỉ đánh giá cao năng lực công tác của bà, mà còn cả phẩm chất của một phụ nữ thông minh, xinh đẹp và tràn đầy nhiệt huyết. Bà được giữ chức Bí thư thứ hai Quận Ủy Frunze vào năm 1945. Bà Y. Furtseva luôn sát cánh bên ông P. Boguslavsky. Tuy nhiên, thật khó khẳng định có hay không mối quan hệ tình cảm giữa hai con người này.
Những cuộc tình, hành vi suồng sã của lãnh đạo trong các cơ quan đảng thường bị xử lý nghiêm khắc, nếu bị phát hiện. Con đường công danh của Bí thư thứ nhất Thành ủy Moskva Ivan Rumyantsev, người tiền nhiệm của bà bị phá hỏng không phải vì năng lực hạn chế hay đấu đá nội bộ, mà vì chuyện tình ngoài luồng. Cuộc gặp thân mật của ông với người tình bị phát hiện mặc dù ông luôn cẩn trọng. I. Rumyantsev bị cách chức, bị đưa xuống làm Phó giám đốc Nhà máy Hàng không số 43.
"Chân tôi có đẹp không?"
Bà Y. Furtseva đã phải tự khai mở con đường công danh của mình trong bộ máy lãnh đạo chủ yếu là nam giới . Bà phải học và làm quen với việc chỉ huy cánh mày râu, không rụt rè trong một tập thể toàn nam giới, không ngượng ngùng với những câu tiếu lâm hiện đại và cũng phải biết uống rượu kha khá...
Tuy nhiên, bà cũng hiểu rằng, người phụ nữ có nhiều cách gây ảnh hưởng với tập thể nam giới. Y. Furtseva là một phụ nữ duyên dáng, thân thiện, xử sự tự nhiên, kiên quyết, không độc đoán, nhưng tự tin. Bà luôn chú ý đến vẻ bề ngoài của mình, chăm tập thể dục, học chơi tennis, uống cà phê không đường, đến phòng tắm hơi thường xuyên...
"Là người đứng đắn, bà Y. Furtseva ăn mặc trang nhã, chải tóc rất đẹp. Chiếc váy giản dị, mái tóc vàng óng luôn được uốn làn sóng và búi cao sau gáy càng giúp tôn lên vóc dáng cân đối của bà, - Nami Mikoyan, vợ của một trong những cấp phó của bà nhớ lại. - Cạnh văn phòng của Y. Furtseva còn có một căn phòng nhỏ, ở đó đặt một tủ đựng quần áo và những thứ cần thiết cho các sự kiện được tổ chức vào buổi tối".
|
Bà Y. Furtseva (giữa) và các diễn viên người Ý tại liên hoan phim quốc tế Moskva, năm 1961. |
Các cán bộ nữ ở Bộ Văn hóa không phải không ghen tị, họ thì thầm rằng, bà Y. Furtseva đã phẫu thuật thẩm mỹ và ngay sau ca phẫu thuật, bà bay đến Sochi nghỉ ngơi, tắm nắng. Khi trở lại cơ quan, không ai có thể phát hiện được những thay đổi của bà.
Khi còn trẻ, Y. Furtseva luôn kích thích trí tưởng tượng của cánh đàn ông và để lại ấn tượng khó quên trong mắt họ, các trợ lý nam giới thường thực hiện chỉ thị của bà với sự nhiệt tình cao nhất. "Y. Furtseva có điểm yếu là không thích đàn ông chỉ xem bà là một quan chức, - nhà viết kịch Viktor Rozov kể lại - Bằng linh cảm của người phụ nữ, bà biết rõ, với ai thì bà là lãnh đạo, với người nào thì bà là một phụ nữ. Cá nhân tôi, tôi thích nét tính cách này của bà ấy".
Còn theo lời kể của nhà văn Andrey Yakhontov, một lần, bà Y. Furtseva mời nghệ sĩ solo của Nhà hát Bolshoi Zurab Andzhaparidze tới văn phòng và hỏi thẳng: "Anh đang yêu Galina phải không? Nên chấm dứt đi. Chồng cô ấy là một người dữ tợn, có trời mới biết anh ấy sẽ làm gì, chúng tôi muốn bảo vệ anh ấy. Nếu anh thấy cần phải có một mối tình công sở, nên tìm người khác thay cho Galina". Khi Z. Andzhaparidze tỏ thái độ không nghe lời và thách thức, bà Y. Furtseva đã cho anh ta một cái tát. Bà muốn chứng minh rằng, mình có thể làm được những việc mà người đàn ông vẫn làm. Tuy nhiên, bà cũng khéo léo thể hiện sự mạnh mẽ nhưng vẫn giữ được nét nữ tính.
Bà Y. Furtseva luôn muốn khẳng định ưu thế tự nhiên của người phụ nữ. "Y. Furtseva không chỉ là một bộ trưởng - nhà nghiên cứu nghệ thuật Anatoly Smelyansky viết - Trước hết, bà ấy là một phụ nữ, bà cũng tự cho mình được làm những việc khác thường như có thể chếnh choáng hơi men một chút, rụt rè nhấc váy lên trên đầu gối và hỏi: Chân tôi có đẹp không?".
Không chịu được đòn kép
Ngày 4-5-1960, bà Y. Furtseva được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Văn hóa, sau khi thôi giữ chức Bí thư Trung ương Đảng. Còn tại Đại hội Đảng lần thứ XXII, bà đã không còn được bầu vào Bộ chính trị. Sau đó, đường liên lạc điện thoại công ở nhà riêng của bà bị cắt, bà được yêu cầu trả lại ngôi biệt thự để bố trí cho một ủy viên Bộ chính trị mới… Đây có lẽ là đòn khủng khiếp đối với bà. Khi đó, có thông tin cho rằng, bà đã cố tự tử. Người bạn gái đến thăm và phát hiện bà bị chảy máu trong phòng tắm và bà được cứu sống...
Bố của bà Y. Furtseva được gọi vào quân đội khi cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ và đã hy sinh ngay trong trận đánh đầu tiên. Bà không nhớ mặt cha bởi khi đó mới được 4 tuổi. Tuy nhiên, sự mất mát ấy đã để lại dấu ấn trong cả cuộc đời của bà. Thế giới tình cảm của bà phụ thuộc nhiều vào người thân, các bạn gái và những người đàn ông yêu bà, Y. Furtseva sợ bị bỏ rơi, bị từ chối, bị ruồng bỏ. Người phụ nữ vui tính, lịch thiệp, cá tính mạnh mẽ đã không thể chịu đựng được khi bị chối bỏ.
Là người có ý chí sắt đá, nhưng bà cũng rất dễ bị tổn thương. Bà lớn lên không có cha, còn những người đàn ông mà bà yêu thương lại bỏ bà giữa chừng. Người chồng đầu tiên của bà là phi công Peter Bitkov. Họ cưới nhau vào năm 1935 và đã có với nhau cô con gái Svetlana vào năm 1942 sau nhiều năm mong đợi. Peter Bitkov đã bỏ bà để chạy theo một phụ nữ khác.
Bà đã lại yêu Nikolai Firyubin, một cán bộ làm công tác đảng có tiếng. Mối tình này được nhiều người ở Moskva biết đến, lễ cưới của họ được tổ chức vào năm 1956. Tuy nhiên, vào năm 1974, N. Firyubin lại bỏ rơi bà.
Theo lời người bạn gái Lyudmila Zykina, Y. Furtseva thường nói, không ai hiểu bà và rằng, bà rất cô đơn, chẳng ai cần bà. Khi N. Firyubin được tâng bốc vì là chồng của Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Trung ương Đảng và Bộ trưởng Bộ Văn hóa, quan hệ của vợ chồng họ rất tốt đẹp. Cùng với thời gian, tình cảm vợ chồng bà dần thay đổi khi N. Firyubin trở thành Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, còn sự nghiệp của bà đi xuống.
Đến tận bây giờ, những gì đã xảy ra với bà vào chiều ngày 24-10-1974 vẫn chưa thật rõ ràng. Theo các bạn của bà, vào ngày hôm đó, bà biết tin mình sẽ nghỉ hưu và chồng bà có người phụ nữ khác. Bà đã không chịu được đòn kép ấy. Khi đó, khắp Moskva lan truyền tin đồn, bà lại tự tử. Tuy nhiên, theo thông báo chính thức, bà Y. Furtseva đã qua đời do bị suy tim cấp.
Theo Hoàng Tuất/ANTG