Nguyệt thực đỏ hay còn gọi là mặt trăng máu là hiện tượng tự nhiên xảy ra do ánh sáng nảy ra từ bề mặt Mặt trăng bị khúc xạ khi xuyên qua khí quyển trái đất và biến Mặt trăng thành màu đỏ rực. Tuy nhiên, từ trước đến nay nó bị phủ lên mình một tấm màn kỳ bí với nhiều sắc thái mờ ảo bởi các tín ngưỡng khác nhau trên khắp các vùng miền.
|
Người dân Trung Quốc cổ đại cho rằng nguyệt thực xảy ra khi một con rồng hoặc một con gấu ăn mất Mặt trăng. |
Theo các ghi chép cổ, người Babylon là dân tộc đầu tiên đã quan sát được hiện tượng nguyệt thực vào ngày 2/2/746 TCN. Sau đó, Anaxagoras là người đầu tiên giải thích hiện tượng này là do Trái đất che khuất ánh sáng từ mặt trời chiếu lên bề mặt Mặt trăng.
Tuy vậy, tại châu Á, người dân Trung Quốc cổ đại và một số dân tộc khác lại có chung quan điểm rằng nguyệt thực xảy ra khi một con rồng hoặc một con gấu ăn mất Mặt trăng.
Theo MASK, ở Trung Quốc, trường hợp quan sát nguyệt thực sớm nhất ghi nhận được là vào khoảng năm 1000 TCN. Hình ảnh Mặt trăng bị nhuốm màu đỏ như máu và dần dần biến mất khỏi bầu trời khiến họ tin rằng đó là điềm không lành, báo hiệu nạn đói và dịch bệnh. Để đuổi con quỷ dữ đói khát đã ăn mất Mặt trăng, người Trung Quốc cho rằng cần phải tạo ra thật nhiều tiếng động lớn khiến nó sợ hãi. Khi nguyệt thực bắt đầu, họ tụ tập lại, cố gắng gõ trống và gào thét to hết mức có thể.
|
Hầm trú nguyệt thực của người Nhật Bản. |
Người dân Nhật Bản, láng giềng của Trung Hoa cổ xưa, cũng gắn hình ảnh nguyệt thực với điềm dữ. Họ cho rằng ánh trăng khi đang xảy ra nguyệt thực nếu chiếu vào người có thể gây nhiễm độc. Vì vậy, một số hầm trú ẩn đã được xây dựng nhằm mục đích tránh ánh sáng Mặt trăng. Một số khác lại cho rằng nguyệt thực đồng nghĩa với việc sắp có động đất xảy ra.
Ở Ấn Độ, nguyệt thực lại được xem là điềm báo chiến tranh hay sự hủy diệt. Trong ngày xảy ra hiện tượng hiếm có này, họ không ăn thức ăn được nấu chín, không đụng tới vật sắc nhọn để tránh tai họa có thể xảy đến với mình. Những người phụ nữ mang thai không được phép nhìn vào Mặt trăng khi diễn ra nguyệt thực, hoặc thậm chí không được ra khỏi nhà. Người dân Ấn Độ tin rằng, điều đó sẽ khiến đứa trẻ sinh ra bị dị tật. Cách tốt nhất là ở trong nhà, tĩnh tâm để sức mạnh của Đấng tối cao giúp họ có thêm niềm tin xóa bỏ sức mạnh đen tối của Mặt trăng đang bị nuốt chửng.
|
Phụ nữ Ấn Độ có thai phải ở trong nhà để tránh ánh sáng độc của nguyệt thực. |
Còn đối với một số người theo Thiên chúa giáo, họ cho rằng đó là sự trừng phạt của Chúa, là cách người thể hiện sự phẫn nộ đối với loài người. Thường thì hình ảnh nguyệt thực được gắn liền với hình ảnh cái chết của Chúa trên cây thánh giá. Ngoài ra, nó còn liên quan đến Ngày phán xét và sự tận diệt của Trái đất, theo Kiến thức.
Một trong những cuốn sách quen thuộc của Kito giáo - cuốn "Khải Huyền" thì ghi lại rằng: “Khi Chiên Con mở ấn thứ sáu, tôi thấy một trận động đất khủng khiếp xảy ra, Mặt trời trở nên tối đen như một bao tải làm bằng lông đen, cả Mặt trăng trở nên đỏ như máu”.
Vào khoảng 17h45-19h30 ngày 8/10, những người yêu thiên văn học sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng hiện tượng “trăng máu” bằng mắt thường tại Việt Nam.
Thời gian diễn ra nguyệt thực từ 15h15 đến 20h34 (giờ Việt Nam), pha toàn phần (Mặt trăng đi hoàn toàn vào vùng bóng tối của Trái đất) diễn ra từ 17h25 đến 18h24, đạt cực đại lúc 17h54.
Theo đó, trong suốt thời gian diễn ra hiện tượng, Mặt trăng sẽ chuyển sang màu đỏ nhạt rồi dần dần sang đỏ sẫm giống màu máu nên còn gọi là hiện tượng trăng máu.
Tại Việt Nam ngày 8/10, Mặt trăng mọc lúc 17h25, thời điểm quan sát lý tưởng nhất là 17h45-19h30. Hiện tượng này có thể quan sát bằng mắt thường nhưng phải chọn nơi thoáng đãng, ít ánh sáng đèn, nhìn về hướng trời đông.
Theo Giao thông vận tải