Khi Jan - Erik Olsson, 32 tuổi, tay lăm lăm khẩu súng xông vào nhà băng Kreditbanken ở thủ đô Stockholm (Thụy Điển) và bắt giữ 4 người làm con tin ngày 23/8/1973, ông ta không thể ngờ rằng hành động này đã tạo ra một hội chứng tâm lý đặc biệt đến 40 năm sau vẫn được nhắc đến.
“Hội chứng Stockholm” bắt nguồn từ vụ án trên là thuật ngữ mô tả trạng thái tâm lý kỳ lạ, trong đó người bị bắt cóc sau một thời gian đã chuyển từ sợ hãi và căm ghét thành thông cảm và quý mến chính đã kẻ bắt cóc mình. Hãng tin AFP đã trích dẫn những hồi tưởng của Olsson, nay là một ông lão 72 tuổi, kể rằng: “Đã có lúc các con tin còn che chắn để cảnh sát không thể bắn tôi”.
|
Cảnh sát và các tay súng bắn tỉa tại địa điểm đối diện nhà băng Kreditbanken. Ảnh: AFP/TTXVN.
|
Vụ bắt cóc con tin trong 5 ngày tại nhà băng Kreditbanken đã trở thành hiện tượng và lần đầu tiên một vụ án như vậy được truyền hình trực tiếp tại Thụy Điển. Ban đầu, Olsson hoàn toàn khiến các con tin khiếp sợ và nhận thấy tính mạng của họ đang bị đe dọa. Olsson kể lại: “Bạn có thể thấy rõ nỗi sợ hãi trong mắt họ. Tôi chỉ muốn dọa họ thôi, chưa bao giờ tôi muốn có bạo lực”. Bốn con tin và cũng là nhân viên nhà băng gồm Birgitta Lundblad, Elisabeth Oldgren, Kristin Ehnmark và Sven Safstrom.
|
Bức ảnh các con tin được chụp từ camera bí mật của cảnh sát. Ảnh: AFP/TTXVN.
|
Vụ án còn trở nên rắc rối hơn khi cảnh sát chấp thuận yêu sách của Olsson là đưa một trong những tên tội phạm khét tiếng của Thụy Điển thời điểm đó, tên cướp nhà băng Clark Olofsson, từ trong tù tới nhà băng Kreditbanken.
Sau một vài ngày bị giam giữ, nỗi sợ của các con tin đã biến chuyển thành một cảm xúc phức tạp. Con tin Kristin Enmark chia sẻ: “Tôi không còn quá sợ Clark và Olsson, mà là sợ chính cảnh sát”. Sven Safstrom, một con tin khác, thậm chí còn cảm thấy biết ơn khi Olsson “thổ lộ” hắn dự định bắn anh để cảnh sát biết hắn nghiêm túc thế nào nhưng đảm bảo sẽ chỉ làm Enmark bị thương. Ehnmark đã có cuộc gọi từ nhà băng tới Thủ tướng Thụy Điển lúc đó là Olof Palme để cầu xin được cho phép rời nhà băng cùng kẻ bắt cóc. Ehnmark sau này tâm sự: “Tôi hoàn toàn tin tưởng Clark và Olsson. Tôi không hề tuyệt vọng. Họ chưa làm gì ảnh hưởng tới chúng tôi, ngược lại, đôi khi họ rất tốt. Cái tôi sợ là cảnh sát sẽ bất ngờ tấn công và khiến chúng tôi thiệt mạng”.
Sau 5 ngày cố thủ, Olsson và Olofsson đã đầu hàng và tất cả các con tin đã được giải cứu nhưng đó chưa phải là hồi kết của câu chuyện. Thuật ngữ “hội chứng Stockholm”, được nhà tội phạm học - tâm lý học người Thụy Điển Nils Bejerot đưa ra, còn được biết đến từ nhiều hồ sơ các vụ bắt cóc sau này.
Điển hình như vụ án năm 1974 (1 năm sau vụ bắt cóc con tin ở Stockholm), Patty Hearst, cháu gái và người thừa kế của nhà xuất bản báo chí lừng danh người Mỹ William Randolph Hearst, đã bị một nhóm kẻ lạ mặt bắt cóc tại California. Dần dà Patty đã nảy sinh sự đồng cảm với những kẻ bắt cóc và thậm chí còn cùng tham gia các vụ cướp với chúng. Sau này Patty bị bắt và chịu án tù, trong khi luật sư của Patty khẳng định rằng cô gái 19 tuổi này đã bị “tẩy não” và mắc phải “hội chứng Stockholm”.
Sau một số vụ án khác, thuật ngữ “hội chứng Stockholm” đã trở nên khá phổ biến, nhưng nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này vẫn tương đối mơ hồ. Chuyên gia tâm lý học Frank Ochberg đã bỏ công nghiên cứu về hội chứng này và nhận xét: Đầu tiên, nỗi sợ hãi bất ngờ đến với các con tin, họ đinh ninh rằng mình sẽ chết. Sau đó, họ lại trải nghiệm trạng thái giống như một đứa trẻ - không thể tự ăn, nói hoặc đi vệ sinh mà không có sự cho phép. Vì vậy, những hành động nhỏ của kẻ bắt cóc con tin như cho ăn, uống đã dẫn đến sự biết ơn ban đầu. Các con tin dần rơi vào trạng thái tự phủ nhận thực tế rằng chính những kẻ bắt cóc đã đẩy họ vào tình huống như vậy, và trong tâm trí họ lại cho rằng đó là những kẻ “tối cao” có quyền quyết định việc họ được sống hay phải chết”.
Nhà báo Mỹ Daniel Lang năm 1974 đã phỏng vấn tất cả những người có liên quan đến vụ án nhà băng Kreditbanken và các con tin đều cho biết, họ được Olsson đối xử rất tốt, thậm chí có thời điểm họ còn cảm thấy họ nợ những kẻ bắt cóc cả cuộc sống của mình. Con tin Elisabeth Oldgren được Olsson cho phép đi lại với điều kiện có dây quấn chặt quanh cổ nhưng lại có suy nghĩ rằng Olsson đã rất tốt khi cho phép cô được di chuyển quanh sàn nhà băng.
Lang còn có một phát hiện rất thú vị là “hội chứng Stockholm”, không chỉ đề cập tới cảm xúc trái ngược của con tin mà còn cho thấy sự thay đổi trong cảm xúc của những kẻ bắt cóc.
|
Jan - Erik Olsson (giữa) khi bị bắt. Ảnh: AFP/TTXVN.
|
Olsson cho hay, ngay từ khi vụ bắt cóc bắt đầu, ông ta nghĩ rằng mình có thể dễ dàng tiêu diệt các con tin nhưng điều đó đã dần thay đổi. “Họ đã làm mọi thứ như tôi bảo họ, không một ai trong số họ tấn công tôi”. Olsson nghĩ rằng qua những ngày bắt cóc đó, hai bên đã không còn gì để làm ngoài việc tìm hiểu thêm về nhau.
Mặc dù đã trở thành một bài học trong các khóa học thương thuyết giải cứu con tin nhưng thời gian gần đây, “hội chứng Stockholm” hiếm khi xảy ra. McGowan, đứng đầu Đội Thương thuyết Giải cứu con tin ra đời hồi tháng 4/1973 tại Mỹ, cho biết: “Hội chứng Stockholm là một tình huống đặc biệt. Nó diễn ra vào thời điểm những vụ bắt cóc con tin xảy ra nhiều hơn”.
Theo Báo Tin tức