Những hiều lầm ngớ ngẩn về thời tiền sử

Google News

(Kiến Thức) - Người tiền sử có bộ não nhỏ nên kém thông minh hay gầy gò, ốm yếu do thức ăn ít dinh dưỡng… là những hiểu lầm ngớ ngẩn về thời tiền sử.

Người tiền sử có bộ óc nhỏ, kém thông minh
Hầu hết mọi người đều lầm tưởng, người tiền sử chỉ tiến hóa hơn các loài linh trưởng một chút và có bộ não nhỏ nên không có những suy nghĩ phức tạp. Chính vì vậy, người tiền sử sớm bị đào thải trong quá trình tiến hóa. Tuy nhiên, nếu như những đứa trẻ tiền sử được sống trong môi trường có đủ điều kiện vật chất và tinh thần như chúng ta ngày nay thì sẽ có thể phát triển không thua kém gì so với người hiện đại.
Một số nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng, bộ não của con người ngày nay giống hệt người tiền sử sống cách đây 100.000 năm. Một số nhà khoa học còn cho rằng, con người đột ngột xuất hiện cách đây khoảng 40.000 – 50.000 năm trong một giai đoạn khá ngắn được gọi là quá trình tiến hóa của con người. Trong thời gian đó, người tiền sử săn bắt và chinh phục được nhiều động vật to lớn như gấu túi to, kangaroo khổng lồ, tê giác, voi… Điều này cho thấy người tiền sử khá thông minh mới có thể hạ gục được những quái thú to lớn như vậy.
Não của người tiền sử khá nhỏ nhưng không vì thế mà kém thông minh.
Ngoài ra, sọ của người Neanderthal cho thấy thùy trán của họ rất phát triển. Nó có liên quan đến việc bảo vệ vùng tư duy cao cấp. Hốc mắt của người Neanderthal cũng to hơn người Homo sapiens nhiều lần. Điều này cho thấy họ có suy nghĩ và khả năng phán đoán vô cùng nhanh nhạy và tốt. Tuy nhiên, người Neanderthal sinh sống ở vùng đất lạnh giá, cỏ cây không phát triển nên có thể là nguyên nhân khiến họ dần bị xóa sổ khỏi thế giới.
Thêm vào đó, con người hiện đại không đột nhiên mà có những khả năng về ngôn ngữ và các chức năng đặc biệt khác. Chúng được hình thành trong suốt một thời gian dài.
Gần đây, một số người đưa ra giả thuyết, con người hiện đại thực ra là những người tiền sử thích nghi dần với những thay đổi của môi trường sống. Do đó, con người ngày càng phát triển những kỹ năng cần thiết để thích nghi với điều kiện sống luôn thay đổi. Thậm chí, người tiền sử còn có phần vượt trội về mặt thể chất so với người hiện đại.
Cụ thể, theo kết quả nghiên cứu của giáo sư khảo cổ học McAllister, người tiền sử bình thường có thể chạy bằng đôi chân trần trên địa hình gồ ghề với tốc độ 37 km/h và những người xuất sắc hơn có khả năng đạt vận tốc 45km/h. Vận tốc này nhanh hơn rất nhiều so với người hiện đại. Thậm chí, phụ nữ thời tiền sử cũng sở hữu vóc dáng và cân nặng lớn hơn nam giới thời hiện đại.
Người tiền sử luôn bị đói khát, cơ thể thiếu chất dinh dưỡng
Hầu hết mọi người đều tin rằng, người tiền sử có cuộc sống khá khó khăn khi chỉ săn bắt, hái lượm những thức ăn có sẵn trong thiên nhiên để sinh tồn. Vào thời kỳ đó, con người vẫn chưa biết trồng trọt, chăn nuôi mà chỉ sống dựa vào thiên nhiên nên nguồn thức ăn không đa dạng, thiếu chất dinh dưỡng và thường xuyên đau yếu.
Tuy nhiên, thực tế hoàn toàn không phải thế. Thức ăn mà người tiền sử săn bắt hái lượm được khá đầy đủ chất dinh dưỡng. Họ dễ dàng tìm thấy nhiều loại hoa quả có hàm lượng chất dinh dưỡng cao. Cũng trong thời kỳ này, thảm thực vật vô cùng phong phú và cho trái thơm suốt 4 mùa. Thêm vào đó, người tiền sử sở hữu cơ thể khá to lớn và thường đi săn bắn thú rừng thành từng nhóm nên có thể bắt được những con vật to lớn, đủ ăn trong một thời gian dài.
Quá trình săn bắt, hái lượm khá đơn giản và không mất nhiều công sức nên người tiền sử phát triển cơ thể khá tốt với thân hình to lớn. Trong khi đó, những người dân làm nông nghiệp lại có vóc dáng nhỏ bé, gầy gò.
Chưa tìm được hết “mắt xích còn thiếu” trong quá trình tiến hóa từ vượn thành người
Người Homo habilis là một trong những "mắt xích còn thiếu" của quá trình tiến hóa từ vượn thành người.
Các nhà khoa học vẫn chưa giải mã được hết những bí ẩn liên quan đến quá trình tiến hóa của loài người. Quá trình tiến hóa là tiến trình phức tạp, diễn ra trong thời gian dài nên nó có nhiều giai đoạn trung gian và trải qua nhiều hình thái khác nhau. Người ta vẫn chưa tìm được lời giải chính xác về một loài linh trưởng nằm giữa quá trình tiến hóa giữa khỉ và người. Từ lâu, nó đã trở thành chủ đề tranh luận của giới khoa học. Trong đó, có người đưa ra giả thuyết khá điên rồ rằng, quái vật chân to Bigfoot hay Người tuyết Yeti chính là “mắt xích còn thiếu” trên. Bởi lẽ, những sinh vật bí ẩn này có hình dáng và một số đặc điểm khá giống con người.
Hình ảnh phác họa người vượn Australopithecus.
Thực tế, các nhà khoa học đã tìm thấy một mắt xích trung gian là một giống nằm giữa người vượn Australopithecus và người Homo habilis vào năm 2010. Đầu năm 2013, các nhà khoa học cũng phát hiện thêm một nhánh khác. Kể từ đó, con người tìm được rất nhiều hóa thạch của các giống loài có những đặc điểm tương tự như loài vượn tay dài, chân ngắn, không còn đuôi, hộp sọ lớn…. Con người ngày càng tìm được nhiều giống loài trung gian có liên quan đến quá trình tiến hóa từ vượn thành người và đều gọi chúng là "mắt xích còn thiếu".
Nhật Anh (tổng hợp)