Họ là sinh viên, thanh niên đến từ nhiều miền đất nước, kể cả một số “người Việt Nam mới” là hàng binh Nhật. Cùng với dân quân thủ đô, họ quyết tử để sát cánh bảo vệ ngọn cờ của một nước Việt Nam vừa tuyên bố độc lập.
|
Những ngày vệ quốc 1946. Ảnh tư liệu. |
Hà Nội, nắng hanh hao trong tiết giao mùa tháng 8. Những cựu chiến binh tóc bạc phơ trở lại thăm chiến địa xưa. Nơi ấy có VN học xá - “tổng hành dinh” của phong trào sinh viên cách mạng. Cuộc chiến 60 ngày đêm bảo vệ thủ đô Hà Nội nổ ra, học xá này lại tiếp tục trở thành điểm đến của nhiều thanh niên đáp lời sông núi.
“Tôi vẫn nhớ mãi ngọn cờ do các anh Lưu Hữu Phước, Mai Văn Bộ... treo ở VN học xá. Họ còn dựng vở kịch Bình Ngô đại cáo trong lúc cả dân tộc chuẩn bị nổi dậy. Thanh niên, học sinh cầm cờ diễu quanh sân diễn. Khí thế hừng hực hào hùng” - bác sĩ Bửu Triều, cựu sinh viên ngành y tham gia chiến đấu bảo vệ Hà Nội, nhớ lại...
“Trụ sở” sinh viên thời loạn
Ông Bửu Triều kể Đông Dương học xá (được chính quyền cách mạng đổi thành VN học xá) là nơi Pháp xây dựng cho sinh viên tá túc ở Hà Nội. Nó gồm bốn khối nhà lớn tọa lạc trên bãi đất trống mà lúc ấy còn vườn tược như cánh đồng quay mặt ra phố Bạch Mai. Xây dựng từ năm 1938, học xá nhanh chóng trở thành nơi tìm đến của nhiều sinh viên miền Nam ra Hà Nội học, kể cả sinh viên các nước Campuchia, Lào.
|
Ông Trần Văn Dõi. Ảnh tư liệu gia đình. |
Sang năm 1945-1946, tình hình Hà Nội và cả nước nóng như chảo lửa. Chính quyền cách mạng đối mặt với sự trở lại của quân đội Pháp. Trước đây, VN học xá chỉ dành cho sinh viên ăn ở, học tập. Ở thời điểm lịch sử này, nó đã trở thành điểm đến của nhiều lớp thanh niên yêu nước khác.
Có người đến với chủ ý, có người tình cờ, nhưng tất cả đều sẵn sàng cầm súng vì Tổ quốc. Trong đó có một thanh niên đặc biệt từ tỉnh Tây Ninh là Trần Văn Dõi (đổi tên thành Lưu Vĩnh Châu khi tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ) - con trai đầu của ông Trần Văn Hương, tổng thống VN cộng hòa sau này.
Tháng 8/1946, Trần Văn Dõi từ Tây Ninh tới Sài Gòn để chuẩn bị tìm cách ra Hà Nội. Ông cùng nhóm đồng đội đi với mục đích tìm vũ khí về chiến đấu chống Pháp ở quê hương. Không người nào trong họ có thể ngờ kế hoạch đi một vài tháng đã dài suốt 29 năm cho đến ngày đất nước thống nhất 30-4-1975.
Trước chuyến ngược ra Bắc này, ông Dõi đã gia nhập lực lượng thanh niên tiền phong từ năm 1945, được huấn luyện quân chính ở Trảng Bom, Đồng Nai và nhiều lần trực tiếp giao chiến với quân Pháp. Gia đình trung lưu, người cha Trần Văn Hương từ thầy giáo lên làm đốc học, rồi một thời gian nhận nhiệm vụ chủ tịch Ủy ban Kháng chiến tỉnh Tây Ninh. Ông Dõi thi rớt Trường Pétrus Ký, Sài Gòn, quay về học ở Trường Collège de Cần Thơ...
“Mình báo cho ba biết mình sẽ đi xa. Ông cụ hơi ngạc nhiên, không cản, nhưng muốn mình chậm lại để chờ ông cụ ngẫm chừng thời cuộc. Lúc này phái đoàn VN đang đàm phán với Pháp ở Fontainebleau. Ông cho biết quyết định không trở lại làm việc với Pháp hoặc bất cứ chính quyền tay sai nào, nhưng đi với chính phủ cộng sản thì còn phải suy nghĩ thêm. Ông có vẻ ê ẩm với cách làm việc của những người trong Ủy ban Kháng chiến ở tỉnh Tây Ninh... Mình nói cho ông cụ biết mình ra đi là để tránh xa cái gia đình quá ngột ngạt hiện nay, kế đó là vì nhiệm vụ của người thanh niên trước vận nước. Đây là lần đầu tiên mình có phản ứng mạnh và nói thẳng nói thật với ông cụ”. Đây là một đoạn trong nhật ký của người thanh niên tiền phong Trần Văn Dõi.
Ngày 27/8/1946, ông bắt đầu tìm đường ra Bắc sau cả năm hành quân suốt miền Đông, miền Tây Nam bộ và giao chiến liên miên với quân Pháp. Nho, người đồng đội sát cánh với ông trong chuyến đi này, là một chỉ huy phong trào kháng chiến ở huyện Tam Bình, Vĩnh Long.
|
Một trang nhật ký của ông Dõi. |
Tìm đường “Bắc tiến”
Người mang bí danh Nho cho biết sẽ cùng ông Dõi và một nhóm thanh niên tiền phong miền Nam tìm cách trốn ra Bắc để nhận vũ khí mang về. Một tổ chức bí mật sẽ lo giấy tờ và ngoài kia đảm nhiệm phương tiện chở về. Ngày lên đường còn bí mật. Họ tạm thời náu mình ở Tân An để tìm đường đi. Đầu tháng 9 cùng năm 1946, nhóm “Bắc tiến” này di chuyển lên Sài Gòn.
Họ tạm lánh tại một ngôi nhà nhỏ gần nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi để tránh tai mắt của mật thám Pháp. Vì cả nhóm đều đã công khai chiến đấu với quân Pháp dưới các tỉnh nên những ngày ở Sài Gòn rất khó khăn với họ. Ông Dõi kể lại trong nhật ký hằng ngày phải vào sở thú hoặc nghĩa trang để tránh bị Pháp bố ráp tại nhà...
“Ngày 21/9/1946. Anh Nho đem giấy tờ về. Lợi dụng có một số đồng bào người Bắc được Pháp cho trở về bằng tàu Pháp, tụi mình sẽ trà trộn vào mà ra Bắc. Nghe đâu đoàn người hồi cư này sẽ được tàu đưa ra cap Saint-Jacques (Vũng Tàu), rồi đưa lên chiếc tàu Pasteur chở phái đoàn của ông Phạm Văn Đồng đi thương thuyết ở Pháp về. Như vậy chắc đỡ gặp rắc rối với mấy tay mật thám Pháp”.
Trong nhật ký của mình, ông Dõi tự sự cảm giác buồn man mác khi phải rời xa miền Nam để ra đất Bắc. Thật sự lúc ấy ông mới chỉ rõ ràng dứt khoát ghét quân Pháp chứ chưa hiểu rõ về Việt Minh. Còn người cha Trần Văn Hương vẫn đang suy ngẫm, dùng dằng trước bước ngoặt lịch sử này.
Một chiếc tàu nhỏ chở số người Bắc từ Sài Gòn ra Vũng Tàu khoảng 14 giờ ngày 1/10/1946. Nó cặp vào chiếc Pasteur, tàu viễn dương loại lớn của Pháp, đang đậu cách bờ vài kilômet. Ông Dõi kể lần đầu tiên nhìn thấy chiếc Pasteur dài hơn 100m, lừng lững như tòa nhà năm tầng, là niềm kiêu hãnh của đội tàu thực hiện hải trình Tây - Đông của Pháp thuở ấy.
Tuy nhiên, điều làm ông và những người miền Nam “Bắc tiến” xúc động hơn cả là những hình ảnh bất ngờ trên tàu: treo cờ đỏ sao vàng của nước VN dân chủ cộng hòa ngang với cờ Pháp. Có nhân viên người Việt phục vụ người Việt rất chu đáo, tận tình. Đây là con tàu chở phái đoàn Chính phủ VN và ông Phạm Văn Đồng đi đàm phán ở Pháp về nước.
Đến Vũng Tàu, chiếc Pasteur tạm dừng lại để đón thêm một số người Bắc hồi hương. Đặc biệt, trên tàu còn chở thêm lính thợ ONS VN tham chiến chống Đức quốc xã ở chiến trường châu Âu hồi hương.
Chiếc Pasteur xình xịch chạy theo hải trình ven bờ. Không chỉ nhóm ông Dõi mà những người Việt xa quê khác đều lên boong tàu, vọng nhìn núi sông quê hương một dải mờ xa...
“Hóa ra là tàu không chỉ chở phái đoàn Chính phủ VN, mà còn chở 2.000 lính thợ ONS nghe nước nhà giành được độc lập đã tự nguyện về phục vụ đất nước. Toàn tàu đâu đâu cũng thấy người Việt, cờ đỏ sao vàng cứ y như là tàu của chính phủ ta”. Trong nhật ký tỉ mỉ của mình, ông Dõi kể khoảng 15 giờ cùng ngày, chiếc Pasteur nhổ neo đi hướng mũi ra miền Bắc. Từ hồi nhỏ, ông Dõi đã đi học xa nhà. Rồi ngọn lửa chiến tranh bùng lại năm 1945, ông lại đi kháng chiến ở các tỉnh Tây Ninh, Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Vĩnh Long, Đồng Tháp... Nhưng đây là lần đầu tiên ông đi xa đến như vậy. Đứng trên boong tàu nhìn lại quê hương dần mờ xa, nhóm thanh niên tiền phong miền Nam hi vọng sau khi nhận được vũ khí sẽ trở về ngay. Họ đâu có ngờ thời cuộc đất nước đã đưa đẩy cuộc đời mình rẽ sang một bước ngoặt hoàn toàn mới.
----------------------
Ra Hà Nội, những chàng trai miền Nam tìm đến VN học xá. Họ chờ ngày nhận vũ khí để về quê, nhưng lại trở thành quyết tử quân bảo vệ thủ đô.
Kỳ tới: Quyết tử quân miền Nam ở Hà Nội
Theo Quốc Việt/Tuổi Trẻ