Ngày 7/1/1979, đất nước Campuchia được giải phóng. Với những người lính tình nguyện Việt Nam đã sống, chiến đấu dũng cảm bảo vệ quê hương và giải cứu đất nước Chùa Tháp khỏi nạn diệt chủng tàn bạo nhất thế kỷ 20, đó là những “năm tháng ăn cơm nhà đi lo việc quốc tế” không thể nào quên.
Trong những ngày đi tìm tư liệu về cuộc chiến và những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia nghĩa vụ quốc tế tại đất nước Chùa Tháp, tôi đã được gặp ông Đinh Trọng Vinh, cựu chiến binh Sư đoàn Bộ binh 9, Quân đoàn 4 – Binh đoàn Cửu Long anh hùng. Năm nay đã 62 tuổi, ông sống cuộc đời bình dị trong một căn nhà nhỏ ven tỉnh lộ 477, Nho Quan, Ninh Bình, hàng ngày vui thú với ruộng vườn.
Tham gia quân ngũ từ năm 1972 đến đầu năm 1987 ra quân, ông Vinh đã đi qua cả hai cuộc chiến. Những ngày chiến dịch Hồ Chí Minh thần tốc cho đến những trận đánh trong chiến tranh biên giới Tây Nam đều có mặt ông. Đối với ông Vinh, cuộc chiến đấu chống lại bọn Pol Pot có lẽ còn khốc liệt hơn nhiều so với chiến tranh chống Mỹ cứu nước.
Trực tiếp cầm súng chiến đấu và chiến thắng, ông được chứng kiến tận mắt sự tàn bạo hơn cầm thú của chế độ diệt chủng Khmer Đỏ.
Thời gian ấy, thế giới gần như mù tịt với tội ác diệt chủng của bọn Pol Pot cho đến khi quân đội ta vén màn bí mật. Một sự thật kinh hoàng hé lộ khi có hơn 2 triệu người dân Campuchia đã bị chính quân của Pol Pot giết hại dã man.
Bất cứ bộ đội quân tình nguyện Việt Nam nào chiến đấu chống lại tập đoàn ác thú này cũng đều tận mắt chứng kiến những tội ác kinh hoàng như vậy. Những hố chôn người, những đống thi thể thối rữa, những cánh đồng chết phủ trắng đầu lâu... vẫn còn ám ảnh họ.
Với những người lính, cuộc chiến đấu bắt đầu từ những năm 1976, 1977 khi Khmer Đỏ tiến hành gây hấn, đánh sang Việt Nam tàn sát hàng nghìn người dân vô tội. Ông Vinh đã cùng những đồng đội của mình trực tiếp cầm súng bảo vệ quê hương.
Thời kỳ năm 1977, 1978 mới là ác liệt nhất trong cuộc đối đầu với Pol Pot. “Giai đoạn 1977-1978, quân dân ta thương vong nhiều vì lúc đó Nhà nước mình đang yêu cầu một giải pháp chính trị, cho nên quân đội chỉ được chốt giữ ở biên giới để phòng giữ chứ không được tiến công địch. Nhưng ta cứ chốt ở đâu thì địch bu bám đến đánh phá chỗ đó, thậm chí chúng còn luồn sang đất ta để đánh từ sau lưng các đơn vị chốt giữ biên giới”, ông Vinh cho biết.
Năm 1975, đất nước hoàn toàn giải phóng, bản thân ông Vinh cũng như những đồng đội của mình cứ tưởng chiến tranh đã qua đi, ông sẽ được trở về quê hương lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống mới.
Tập đoàn Pol Pot đã quay ngoắt, tỏ ra có thái độ thù địch với chúng ta. Chúng tuy chưa gây chiến chính thức nhưng cũng đã có những hành động dọa dẫm hoặc đánh lén nhỏ lẻ suốt một giải đất biên giới Tây Nam.
|
Chứng tích tội ác của Khmer đỏ.
|
Bộ đội đã sơ tán dân. Đã có cả chục vạn cư dân sát biên giới được sơ tán vào trong, nhưng đi được thời gian, thấy tình hình yên ổn, người dân lại tìm về. Lúc đó, ông Vinh đang thuộc biên chế của Tiểu đoàn 3, Sư đoàn 9. Để tiến hành phòng thủ, đơn vị của ông được điều lên đóng quân tại Thị xã Tây Ninh vào tháng 3/1977.
Bất ngờ, vào lúc 0h15 phút ngày 25/9/1977, đúng vào dịp toàn dân Việt Nam chuẩn bị Tết trung thu, tập đoàn Pol Pot mở cuộc tiến công xâm lược Việt Nam trên toàn tuyến biên giới Tây Nam nước ta. Chỉ riêng Tây Ninh, chúng đã tấn công trên một đoạn biên giới dài hơn 200km, sâu vào nội địa tỉnh nhà 10km, trong phạm vi 7 xã thuộc 3 huyện Tân Biên, Châu Thành và Bến Cầu.
Chúng đốt phá nhà cửa, trường học, cướp của, tàn sát đồng bào ta rất dã man. Trong đó, xã Tân Lập, huyện Tân Biên là nơi chúng tập trung đánh phá nặng nề và ác liệt nhất.
Chúng tổ chức thành 9 mũi lén lút bao vây tấn công nhiều điểm thuộc 5 ấp: Tân Khai, Tân Chánh, Tân Thạnh, Bảy Bàu và Chằng Riệc của xã Tân Lập. Chúng chia một lực lượng để bao vây, khống chế các đồn biên phòng, các chốt và vị trí quân sự của ta. Đại bộ phận còn lại tràn vào làng tàn sát đồng bào.
Nhận được tin, Sư đoàn 9 cấp tốc hành quân về Tân Lập. Chỉ trong vòng 2 ngày, chúng ta nhanh chóng đánh bật quân Khmer Đỏ ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Tuy nhiên, tất cả những gì còn lại, chỉ là những đống hoang tàn đổ nát.
Đinh Trọng Vinh cùng các đồng đội đã tìm thấy một số ít dân chúng sống sót, gồng gánh chạy loạn, họ bàng hoàng kể lại, tựa như chưa bao giờ chứng kiến những tội ác man rợ đến như vậy.
Bọn ác thú sử dụng các loại vũ khí từ đao, búa, chỉa đến các loại súng, lựu đạn… để tàn sát người dân. Hành động của chúng vô cùng man rợ như: chặt đầu, chặt tay chân, chặt người ra nhiều khúc, mổ bụng, moi gan, xé xác trẻ em ném vào lửa, đập đầu hãm hiếp phụ nữ, mổ bụng phụ nữ có thai, cắt cổ lấy máu, rạch miệng, ném xác người xuống giếng, chôn sống, tàn sát tập thể nhiều gia đình.
592 người dân vô tội ở Tân Lập đã bị chúng sát hại, những thi thể la liệt, chất chồng khắp nơi. Những đám cháy bốc lên mùi thịt người khét lẹt.
Đôi chân của ông Vinh như muốn khụy xuống khi bước vào trường tiểu học Tân Lập. Hiện trường vụ thảm sát đẫm máu vẫn còn nguyên: Xác những cô giáo trẻ, các em học sinh bị lính Khmer Đỏ sát hại nằm ngổn ngang trên sân trường. Chúng không bắn mà dùng sạc lai (một loại dao phát cỏ) và búa đập đầu, cắt cổ. Có những thi thể bị xẻ làm đôi. Các cô giáo trẻ bị chúng xé nát quần áo, hãm hiếp, dùng dao xẻo vú, thọc tầm vông, cán búa hoặc nhét đất đá vào cửa mình cho đến chết.
Quá căm phẫn với những gì đang hiện hữu, ông Vinh như nghe thấy văng vẳng tiếng gào thét đau đớn của những nạn nhân. Họ chết mà không kịp nói lời cuối cùng với bạn bè, người thân.
Họ đã đau đớn đến thế nào khi bị cuốc bổ, dao đâm hay kiếm chém trước khi trút hơi thở cuối cùng? Họ đã xót xa đến thế nào khi tận mắt nhìn thấy những người thân yêu của mình, con cái, vợ, chồng mình bị hành quyết trước khi đến lượt chính mình?
Tiếng khóc đau thương của những người còn sống sót, nỗi căm hờn và uất ức của họ tưởng thấu tới tận trời xanh.
Theo VTC