Quyền năng kỳ lạ của vị đạo sư cứu người chết sống lại

Google News

(Kiến Thức) - Cuối thế kỷ 19, Lahiri Mahasaya là vị đạo sư nổi danh nhất nhì ở Ấn Độ và ông được thiên hạ truyền tụng là sở hữu nhiều quyền năng kỳ lạ.
 

Tái hiện được điều người khác đang nghĩ
Theo lời kể của Kali Kumar Roy (là học trò của Lahiri) thì thời Roy còn trẻ, ông là một người làm thuê kiếm sống. Ông chủ của Roy là người không có đức tin. Ông ta thường tức giận khi biết Roy đến nghe ngài Lahiri thuyết pháp. Ông ta còn dọa đuổi việc nếu Roy tiếp tục đi.
Ngoài mặt tuy dọa nạt người làm nhưng trong bụng ông chủ này lại thấy tò mò không biết vì sao ngài Lahiri lại có sức hút với quá nhiều người như thế. Bởi vậy một hôm ông ta đã bí mật đi theo Roy để tìm đến chỗ ngài Lahiri đang thuyết pháp.
Lúc đó người ngồi nghe pháp rất đông nhưng Lahiri biết ngay sự có mặt của ông chủ Roy. Ngài nhìn quanh khắp cử tọa một hồi rồi hỏi: “Các vị có muốn xem một bức tranh chăng?”. Tất cả đều lặng yên tán đồng. Ngài Lahiri nói: “Nếu vậy, xin các vị hãy nhắm mắt lại và đặt hai tay lên đỉnh đầu, tôi sẽ giúp các vị được nhìn thấy một bức tranh”.
Các cử tọa đều làm theo và ai nấy đều thấy hiện ra trước mắt mình là một người đàn bà mặc áo lụa thêu chỉ vàng rất đẹp. Sau đó ngài Lahiri lại tiếp tục thuyết pháp như bình thường. Mọi người đều thấy đó là một phép lạ nhưng không ai hiểu vì sao ngài lại thị hiện phép màu này.
Quyen nang ky la cua vi dao su cuu nguoi chet song lai
 Ảnh chân dung đạo sư Lahiri Mahasaya.
Cuối cùng, khi cử tọa đã ra về, Roy mới ngạc nhiên nhận ra ông chủ của mình vẫn còn ngồi lại, dáng vẻ vô cùng lúng túng. Ông chủ này từ từ đứng dậy và tiến đến trước mặt ngài Lahiri và quỳ xuống rất thành kính. Sau đó ông mới nói: “Bạch thầy, quả thật thầy đã thấu suốt lòng con. Con không còn có ý dám khinh mạn thầy nữa”.
Thì ra người phụ nữ mà mọi người nhìn thấy là cô đào mà ông chủ nọ đang theo đuổi và đã tốn rất nhiều tiền của. Vì thế chỉ mỗi mình ông là nhận ra và hiểu được vì sao ngài Lahiri lại hiển hiện hình ảnh cô ta trong buổi ấy.
Uống thuốc độc mà không chết
Một lần khác, có một người ngang ngược và không có đức tin tuyên bố với bạn bè rằng anh ta sẽ có cách chỉ rõ cho họ thấy thầy Lahiri chỉ là một tên đại bịp. Nói rồi anh ta dùng một cái bình rất đẹp đổ nước vôi vào bên trong và mang đến trước ngài Lahiri giả vờ kính cẩn thưa: “Bạch tôn sư, con xin cúng dường ngài một bình sữa tươi”.
Ngài Lahiri thản nhiên bưng bình lên uống cạn. Chẳng ai ngờ sau khi ngài uống cạn bình thì tên ngỗ nghịch kia đột nhiên kêu thét lên đau đớn và nằm lăn ra đất ôm bụng quằn quại như thể chính mình vừa uống nước vôi chứ không phải ngài Lahiri.
Quá đau đớn và kinh hãi, ông ta bò đến trước mặt ngài Lahiri để thú tội và xin tha thứ. Ngài Lahiri lúc đó mới nói: “Con nên biết, khi làm hại bất cứ một sinh linh nào cũng là làm hại đến chính mình”. Sau đó ngài đặt tay lên trán kẻ tội đồ và cơn đau của ông ta liền biến mất. Từ đó về sau, kẻ kia đã từ bỏ tất cả để theo làm một đệ tử sùng tín luôn ở bên ngài Lahiri.
Cứu người chết sống lại
Một người học trò khác của đạo sư Lahiri là Yukteswar lại có một trải nghiệm vô cùng đặc biệt với vị sư phụ của mình. Hồi đó Yukteswar có một người bạn rất thân trong đạo viện tên là Rama. Người này bất ngờ bị bệnh nặng, đã mời đủ các bác sĩ giỏi nhưng bệnh tình vẫn không chuyển.
Khi ấy Yukteswar liền tìm đến thầy Lahiri để cầu xin cứu lấy tính mạng của Rama. Ngài Lahiri nói: “Các bác sĩ đang tận tình cứu chữa. Con cứ yên tâm, Rama rồi sẽ khỏi bệnh”. Nhưng khi Yukteswar trở lại giường bệnh của Rama thì một trong hai vị bác sĩ thất vọng nói: “Vị tu sĩ này chỉ còn sống được khoảng vài giờ nữa thôi”. Quá hốt hoảng, Yukteswar lại đến chỗ sư phụ. Ngài Lahiri vẫn nói: “Rama rồi sẽ khỏi bệnh”.
Nhưng khi Yukteswar quay lại phòng của Rama thì bác sĩ đã bỏ về. Họ để lại một mảnh giấy ghi mấy dòng vắn tắt: “Chúng tôi đã cố gắng hết sức. Nhưng rất tiếc là trường hợp này không thể nào cứu chữa được nữa”. Khi ấy Rama đang hấp hối và trút hơi thở cuối cùng.
Quá đau đớn, Yukteswar lại đến chỗ sư phụ để báo tin. Ngài Lahiri vẫn lặng thinh một lát sau mới bảo: “Yukteswar, con hãy giữ bình tĩnh. Mọi việc rồi sẽ qua đi”. Yukteswar òa lên khóc vì sự đau đớn đã kiềm chế quá lâu.
Để yên cho đệ tử khóc một hồi rồi ngài Lahiri mới lên tiếng: “Yukteswar, ta rất buồn mà thấy con đã không có đủ đức tin”. Ngừng một lát ngài Lahiri nói tiếp: “Chẳng phải là ta đã bảo với con, Rama sẽ khỏi bệnh hay sao?”. Nói đoạn ngài chỉ vào một cái đèn dầu phộng đang đặt trên mặt bàn: “Giờ thì con hãy lấy dầu trong đèn này, nhỏ vào miệng Rama đúng 7 giọt”.
Yukteswar quá ngạc nhiên kêu lên: “Bạch thầy, nhưng Rama đã chết lâu rồi”. Vị sư phụ nhìn đệ tử và nói: “Ta thấy là con vẫn còn chưa có đủ đức tin”. Ngay phút đó Yukteswar ngộ ra ẩn ý của thầy và quỳ xuống sám hối rồi chạy đến chỗ Rama làm đúng theo lời dặn.
Quả nhiên Rama từ từ mở mắt ra sau mấy cái co giật. Trong khi bạn mình chưa hết ngạc nhiên thì Rama đã từ từ ngồi dậy và nói: “Yukteswar, tôi phải đi đến chỗ sư phụ ngay bây giờ”.
Khi hai người đến chỗ ngài Lahiri, vị sư phụ nói: “Sri Yukteswar! Lẽ ra Rama đã không phải chết. Nhưng cái chết của bạn con là một bài học về đức tin cho con đó”.
Quyen nang ky la cua vi dao su cuu nguoi chet song lai-Hinh-2
 Những quyền năng của Lahiri đến với ông sau khi ông gặp sư phụ Babaji và khôi phục lại được những kinh nghiệm tâm linh đã đạt được trong tiền kiếp và sau đó ông đã được sư phụ giao phó sứ mệnh truyền bá rộng rãi pháp môn thiền định. Ảnh chỉ có tính minh họa.
Khi Yukteswar kể lại câu chuyện này, có người đã hỏi phải chăng Rama sống lại nhờ 7 giọt dầu phộng. Nhưng Yukteswar giải thích: “Không phải là dầu phộng, mà thật ra là có thể dùng bất cứ món gì. Vấn đề là thầy Lahiri Mahasaya muốn tạo ra một điểm tựa cho kẻ còn kém đức tin mà thôi. Nếu không thế, chỉ cần một lời nói hoặc ý nghĩ của thầy là mọi việc sẽ diễn ra, chứ không phải phụ thuộc vào dầu phộng hay một món thuốc men nào khác cả!”.
Lahiri là ai?
Ngài Lahiri Mahasaya ra đời ngày 30/8/1828 tại làng Ghurni, huyện Nadia, gần Krishnagar, thuộc tỉnh Bengale. Ngài là con út trong một gia đình thuộc dòng tộc Bà La Môn, lúc nhỏ được đặt tên là Shyama Charan Lahiri. Thuở nhỏ gia đình Lahiri sống ở huyện Nadia và từ năm 3 tuổi ngài đã biết ngồi thiền.
Lúc ngài 5 tuổi, một trận lụt lớn xảy ra cuốn trôi làng mạc quê ngài về sông Hằng. Bởi vậy cha ngài bèn đưa gia đình rời Nadia về định cư ở Benares. Cha Lahiri có kiến thức rất bao quát và thông thạo cả những tri thức thời hiện đại vừa mới du nhập vào Ấn Độ. Ông giáo dục con cái theo đạo lý và đặc biệt chú ý hạnh bố thí.
Lahiri rất thông minh nên được cha cho theo học hầu hết các môn triết lý cổ và cả kinh Phệ đà theo truyền thống Bà La Môn. Năm 1846, Lahiri kết hôn với Kashi Moni theo sắp xếp giữa hai gia đình. Hai người sống rất hạnh phúc và có 2 con trai tên là Tincuri và Ducuri.
Năm 1851 Lahiri nhận làm kế toán cho bộ phận quản trị hành chính của quân đội Anh. Do điều kiện công việc ông đã thuyên chuyển đi nhiều nơi. Năm 33 tuổi, Lahiri gặp được đạo sư Babaji (vị đạo sư huyền thoại với khả năng giữ thân thể trẻ mãi không già) ở gần Ranikhet trên dãy Hy Mã Lạp Sơn.
Từ đó, ngài Lahiri được sư phụ giúp hồi tưởng lại tiền kiếp và nhớ lại các kinh nghiệm tâm linh đã từng đạt được. Theo lời sư phụ, về sau ngài mở rộng truyền bá pháp môn thiền định cho quần chúng. Nhờ kinh nghiệm thực chứng, ngài đã tiếp nhận và dìu dắt hàng ngàn môn đệ khiến pháp môn thiền định được truyền rộng rãi khắp nơi cho đến khi ngài viên tịch năm 1895.
Về gia đình riêng, sau khi Lahiri gặp lại sư phụ Babaji, ngài đã rũ sạch bụi trần, không còn tham ái dục vọng cũng như vật chất. Theo lời kể của bà Kashi Moni, sau khi sinh đứa con thứ hai, quan hệ vợ chồng của hai người đã chấm dứt. Từ đó về sau ngài Lahiri là một bậc tôn sư hướng dẫn cho bà Kashi Moni tu học chứ không còn là một người chồng theo nghĩa thông thường nữa.
Bài viết có tham khảo tư liệu từ Wikipedia và sách "Tự truyện của một Yogi" (tác giả Yogananda).
Nam Khánh