Quyền pháp đặc dị hơn 4.000 năm của Thổ gia

Google News

(Kiến Thức) - Võ thuật Thổ gia hết sức chú trọng tính hệ thống, hoàn chỉnh trong phương pháp luyện công. 

Dân tộc Thổ là một dân tộc ít người sống tại vùng núi cao, đèo sâu Đại Sơn giáp giới ba tỉnh Tương, Ngạc, Xuyên (tức Hồ Nam, Giang Tây, Tứ Xuyên). Cuộc sống gian khổ đã hình thành cho dân tộc Thổ tính khí quật cường và năng lực mạnh mẽ chinh phục tự nhiên. Võ thuật dân tộc Thổ cũng từ đó nối đời phồn thịnh, phát triển và lưu truyền.
Các võ sư Thổ gia biểu diễn công phu.  
Võ thuật dân tộc Thổ hình thành từ cách đây hơn 4.000 năm. Cuối đời Tây Hán (năm 206 trước Công nguyên - năm 25 sau Công nguyên), thủ lĩnh người "di Ngũ Khê" (tiền thân của dân tộc Thổ theo cách gọi thời đó) là Điền Cường thống lĩnh dân chúng giúp đỡ cuộc khởi nghĩa của Lục Lâm, Xích Mi chống lại nhà Tây Hán. Võ uy Tướng quân nhà Hán là Lưu Thừa, Phục ba Tướng quân Mã Viện và Tương Kế lĩnh quân đi trấn áp nhưng đều thất bại. Các đời Đường, Tống, Nguyên, Minh sau này, người Thổ vẫn khởi nghĩa không ngừng, cuối cùng triều đình phải lập bia giảng hòa. Ở Vương Thôn, Vĩnh Thuận đến giờ vẫn còn lưu lại "cột đồng Khê Châu" nhắc nhở sự kiện này.
 Võ sư Thổ gia biểu diễn công phu dùng búa đập vỡ chồng gạch đội trên đầu. Nguồn: Zhangjajie. 
Năm Gia Tĩnh (đời Minh Thế tôn Châu Hậu Thông, làm vua từ năm 1522 - 1567), giặc lùn - cách gọi miệt thị cướp biển người Nhật - làm loạn, cướp phá chém giết tràn lan suốt một dải ven biển, các Thổ ty người Thổ ở Vĩnh Thuận, Bảo Tĩnh... đã dẫn dân binh đánh dẹp. Năm Gia Tĩnh 34, Thổ binh Vĩnh Thuận, Bảo Tĩnh phối hợp với quân Quảng Tây ba mặt giáp công, chém chết hơn 1.900 giặc cướp lùn, được khen là "chiến công bậc nhất miền Đông Nam".
Năm Đạo Quang thứ 21 (đời vua Thanh Tuyên Tôn Mân Ninh, làm vua từ năm 1821 – năm 1851), dân binh Thổ ở Bảo Tĩnh lại kề vai với quân Thanh chống quân Anh ở Quảng Châu trong Chiến tranh Nha phiến, giết chết hơn 200 lính Anh. Qua những cuộc đấu tranh trường kỳ như vậy, luôn chống bạo ngược bảo vệ thân mình và dân tộc, võ công của dân tộc Thổ (Thổ gia) không ngừng lớn mạnh và phát triển, hoàn thiện.
Quyền thuật Thổ gia phần lớn mang tính cận chiến, áp sát đánh gần, động tác mau lẹ, cương kình có lực. Đó là vì người Thổ sinh sống tại những vùng núi hiểm yếu, luôn phải tập luyện ở những đường hẹp, dốc dựng đứng, ngọn non hiểm trở để tạo nên bản lĩnh chiến đấu, giành thế chủ động trước kẻ địch trong không gian chật hẹp, cheo leo.
Võ thuật Thổ gia hết sức chú trọng tính hệ thống, hoàn chỉnh trong phương pháp luyện công, tức là luyện tấn pháp, khinh công, thuật hít thở thổ nạp (khí công), luyện cả bài múa và tán thủ (giao đấu). Trong đó như quyền đầu công, trảo công, kháng đả công, sáp công (sáp là cắm vào), chưởng công, thiết đầu công (húc đầu), thoái công (cước pháp)... đều là những phương pháp luyện công độc đáo, đóng góp rất nhiều tinh hoa võ thuật cho nền võ học cổ truyền Trung Hoa.
 Trai gái dân tộc Thổ trong ngày hội. Nguồn: Tujiazu.org.cn. 
Trong võ thuật Thổ gia, tương đối đặc biệt và độc đáo là "Bối ngưu công", "Chàng thụ công", "Đồn phong công"...
Tương truyền, một chú bé chăn nghé, sớm tối vác nghé qua khe, vượt đèo để chăn thả. Lâu ngày nghé lớn thành trâu đực nặng ngàn cân (khoảng 600kg) nhưng chú mục đồng vẫn vác qua khe, vượt qua đèo như mọi ngày, do vậy hình thành nên môn "Bối ngưu công" (công phu vác trâu).
Môn "Chàng thụ công" cũng theo tương truyền, có một ông già gác núi hàng ngày đi thăm rừng, khi mệt ngồi dựa cây mà nghỉ ngơi, đi tiếp mệt nữa lại dựa cây ngủ tiếp. Lâu ngày chỗ lưng dựa thành chai mà chẳng thấy đau. Bình thường cây to bằng miệng đấu khi bị dựa cứ rung lên rào rào, đó gọi là "Chàng thụ công" (công phu thúc cây).
Đồn phong công do Lão quyền sư danh tiếng Hàn Đỉnh Thần truyền lại. Công phu này phải chọn gốc cây to hay cột to, cái cột to, đứng tấn cung bộ trái dùng mông thúc mạnh vào cột, sau đó lắc chuyển sang cung bộ phải lại dùng mông thúc cột, ngày luyện vài lần, mỗi lần mấy trăm vòng, khi thành công dùng mông đánh bật đối thủ lúc giao đấu.
Loại quyền hiếm có nữa là Kê quyền (quyền gà). Người Thổ có thói quen nuôi dưỡng và chọi gà rất lâu đời. Lão quyền sư Trương Hải Toàn đã đem các tư thế đánh của gà trống nhào nặn với quyền pháp Thiếu Lâm hình thành môn quyền pháp độc đáo "Kê hình quyền", với bí quyết "có hình như không hình, giả giả thật thật, hình trong giấu kim" vô cùng hiệu dụng.
Quyền này chủ yếu dùng đầu giã, vai hất, thúc khuỷu, chộp bắt, nhào lộn... Yêu cầu thân thẳng không xiêu đổ, trọng tâm ở chân sau, hai đầu gối khép vào, hai bàn chân cách nhau rộng hơn vai... gọi là Hư bộ. Bộ pháp thì di chuyển theo đường cong (hồ hành bộ), đi thấp (ải tử bộ), đi nhón (điểm bộ), đi thọc (kích bộ). Đòn chân có đá bật (đàn thoái), đá trước, đá bên, đá móc, vọt nhảy... Thủ pháp dùng móc tay (câu thủ) là chính, có hình tựa mỏ gà, ngoài ra có điểm huyệt, ngăn, lắc..., ra đòn đột ngột, khí trầm tâm ổn, thường nhại tiếng gà tác để trợ sức, rất độc đáo, riêng biệt.
Vũ khí trong võ thuật Thổ gia cũng rất hiếm có và độc đáo, chủ yếu xuất phát từ công cụ sản xuất và sinh hoạt hằng ngày, một vật mà có nhiều tác dụng, chủ yếu có ống điếu (yên đại cán), soa sừng dê (dương giác soa), gậy bát giác (bát giác quải), soa tay áo (nội tụ soa), kim treo chân (điếu cước châm)... Trong khi giao đấu, các vũ khí này kiêm luôn chức năng của nhiều loại khí giới khiến đối thủ khó lòng phòng bị.
Minh Ngọc (tổng hợp)