Rùng mình xác ướp Ai Cập còn nguyên não

Google News

(Kiến Thức) - Thông qua chụp CT, các nhà nghiên cứu phát hiện một xác ướp Ai Cập cổ đại còn nguyên não nhưng không còn tim. 

Xác ướp trên là của một người phụ nữ sống vào khoảng 1.700 năm trước. Vào thời điểm đó, Ai Cập bị người La Mã cai trị và Kitô giáo rất phổ biến tại đây. Cho đến nay, người ta vẫn chưa xác định được danh tính của cô. Các chuyên gia ước tính, người phụ nữ này chết khi tầm 30 – 50 tuổi. Giống như nhiều người dân Ai Cập thời đó, người phụ nữ này gặp nhiều vấn đề về răng miệng vô cùng khủng khiếp đến mức người này bị hỏng khá nhiều răng.
Việc ướp xác đã suy giảm đáng kể khi người La Mã cai trị vùng đất này. Tuy nhiên, người phụ nữ này và gia đình của cô dường như vẫn có niềm tin mạnh mẽ vào văn hóa truyền thống của tổ tiên Ai Cập khi họ thực hiện một số nghi lễ, phong tục có từ thời xưa: ướp xác sau khi chết.
Xác ướp một phụ nữ 1.700 năm tuổi được phát hiện còn não nhưng không có tim.
Để loại bỏ nội tạng của người phụ nữ này, những người thợ ướp xác đã rạch một khe hở ở vùng giữa hậu môn và bộ phận sinh dục để loại bỏ ruột, dạ dày, gan và thậm chí cả tim. Tuy nhiên, não của xác ướp này được giữ nguyên vẹn, không bị lấy ra như những xác ướp Ai Cập cổ đại khác. Người ta đã bôi các loại thuốc và địa y lên đầu và bụng của cô ta. Sau đó, họ quấn cơ thể cô lại bằng vải lanh và đặt trong quan tài. Theo những tài liệu ghi chép có từ thế kỷ 19, nơi an nghỉ cuối cùng của xác ướp được cho là ở khu vực gần Luxor.
Sau khi đã hoàn thành các công đoạn ướp xác, những người thợ đã dùng vải lanh và nhựa thông để lấp kín chỗ rạch ở vùng giữa hậu môn và bộ phận sinh dục của người phụ nữ này.
Hiện xác ướp và chiếc quan tài được lưu giữ tại Bảo tàng Redpath thuộc ĐH McGill ở Montreal. Một số nhà khoa học hoài nghi liệu chiếc quan tài trên ngay từ đầu được làm ra để dành cho người phụ nữ này hay không. Bởi lẽ, một số người buôn bán sống ở thế kỷ 19 thỉnh thoảng sẽ đặt một xác ướp vào trong chiếc quan tài lấy từ một ngôi mộ khác để kiếm được nhiều tiền hơn. Ngoài ra, người ta cũng thường xuyên tái sử dụng quan tài trong thời cổ đại.
Tâm Anh (theo LS)