Sự thật về “dấu rồng” ở Hà Nam

Google News

(Kiến Thức) - Nền sân đình vừa lát bê tông, sau một đêm thấy xuất hiện hai "dấu rồng" lạ lùng. Vậy, sự thật của "dấu rồng" ấy là gì?

Lần theo những tin đồn xung quanh câu chuyện "dấu rồng" xuất hiện ở Hà Nam, chúng tôi đã tìm đến thôn Yên Nội thuộc xã Tiên Ngoại (Duy Tiên). Một làng yên ả bị khuấy động bởi những chuyện lạ lùng từ sau Tết Nguyên đán.
Hai "dấu rồng" kỳ lạ
Ông Lưu Tôn Hứa, người giữ chìa khóa đình làng Miễu và ông Lưu Tôn Tô, Trưởng thôn Yên Nội dẫn chúng tôi đến ngôi đình làng - nơi xuất hiện hai "dấu rồng" từ trước Tết Nguyên đán.
Ông Tô bảo, đình làng Miễu đã có từ rất lâu đời. Đình thờ hai anh em là Đông Bảng và Lã Nga, tức hai danh tướng thời nhà Trần. Thời trước những năm 60, người ta phá đình dùng gỗ cột xẻ ra làm trường học ở địa phương. Vừa qua, dân làng mới góp tiền làm lại ngôi đình mới khang trang.
5h30 chiều 3/12/2013 thì thợ đổ xong toàn bộ phần sân của ngôi đình, sau đó rào chắn kỹ càng để bảo vệ. Sáng hôm sau, khi những người thợ hồ ra để hoàn thiện nốt những phần dang dở thì phát hiện hai "dấu rồng" lạ lùng trên nền xi măng mới đổ, "dấu rồng" ngoằn ngoèo hướng đầu về phía đình.
Theo quan sát và đo đạc của chúng tôi, "dấu rồng" bên tay phải có chiều dài 3,8m, bề ngang khoảng 10cm. "Dấu rồng" bên tay trái nhỏ hơn, chỉ dài 1,8m và chiều ngang tròn 5cm. Các vết này đều hằn sâu xuống nền bê tông với những hoa văn, họa tiết rất đều đặn và rõ nét.
Đại diện dòng họ Lưu khẳng định với chúng tôi rằng, đây không phải là sự sắp đặt của con người. Là dấu vết tự nhiên mà có nên vài hôm sau, để bảo vệ "dấu rồng", dòng họ đã cho xây một hàng gạch xung quanh hai dấu lạ này và ghép kính phía trên người dân không giẫm lên.
Ông Hứa cho hay: "Thấy dấu lạ xuất hiện ở sân đình nên người ta kéo đến rất đông. Thầy trụ trì chùa Ngọc Thụy cũng đã đến xem xét và cho biết đó là "dấu rồng" thời Trần".
Toàn cảnh "dấu rồng". 
Cây đa cổ thụ của bà chúa Miễu
Theo chính quyền và người dân địa phương, đình làng Miễu là một ngôi đình thiêng. Với công đức của hai vị tướng là Đông Bảng và Lã Nga nên năm nào vua chúa các triều cũng đến thắp hương xin cho đất nước được an bình, thịnh vượng.
Hằng năm, khi lễ hội diễn ra ở đình Miễu thì đều phải rước hai vị tướng này đến một ngôi đình cổ gọi là đình Mẫu cách đó không xa. Ngôi đình Mẫu có một cây đa cổ thụ hàng nghìn năm tuổi rất kỳ thú. Ngôi đình này và đình Miễu lại có liên hệ mật thiết với nhau về lịch sử và tâm linh.
Đình Mẫu thờ một người con gái đẹp nhất thiên hạ và được vua chọn làm vợ. Ở trong cung hai năm nhưng nàng không có con nên vua cho làng về quê sinh sống. Vua mở ra 7 kho châu báu để nàng chọn. Nhưng cuối cùng, nàng chỉ chọn một chiếc chiêng để đem về làng.
Khi về đến nơi, nàng đem chiêng ra đánh đến kiệt sức rồi tắt thở. Khi dân làng chạy ra thì mối đã đùn thành một gò đất. Trên gò đất ấy, người ta xây một ngôi đình để tưởng niệm nàng. Cây đa cổ thụ cũng mọc lên từ đó, dáng dấp yểu điệu giống người con gái nhưng bất chấp mưa gió, bão bùng cả nghìn năm qua vẫn đứng vững.
Chiếc chiêng ấy hiện nay vẫn còn và được bảo quản tại đình làng Miễu. Theo quan sát của chúng tôi, chiếc chiêng nặng khoảng 30kg, có đường kính khoảng 50cm. Tuy đã cũ nhưng chiêng đánh rất vang.
Người địa phương cho rằng, hai "dấu rồng" chính là hai anh em vị danh tướng nhà Trần đã về chiêm bái bà chúa Mẫu, đồng thời về đình báo cho con cháu biết về sự hiện diện của mình ở ngôi đình này. 
Cây đa và ngôi đình bà chúa Mẫu. 
Con người không tạo được "dấu rồng" 
Đã mấy tháng trôi qua từ khi hai "dấu rồng" xuất hiện ở đình làng Miễu, rất nhiều người hiếu kỳ đã kéo về đây để tận mắt chứng kiến chuyện lạ. Người thì cho đó là "dấu rồng" thật, người lại khẳng định là dấu vết do con người tạo ra để lừa bịp thiên hạ.
Ông Lê Đình Học, Chủ tịch UBND xã Tiên Ngoại cho biết: "Ngay sau khi nghe tin báo, chúng tôi đã cho công an viên đến để giữ gìn trật tự an ninh địa phương. Đồng thời ngăn chặn mọi hành vi lợi dụng tín ngưỡng để hoạt động mê tín".
Cũng theo ông Học, việc hai ngôi đình Miễu và chúa Mẫu linh thiêng là có thật. Hai ngôi đình là chứng tích lịch sử lâu đời còn sót lại của địa phương nên nhân dân rất sùng tín. Tín ngưỡng của nhân dân thì phải luôn được tôn trọng và bảo vệ.
Ông Học cho biết: "Tôi đã quan sát rất kỹ hai dấu vết lạ ở đình làng Miễu. Lúc đầu thì phán đoán rất có thể là do người nào đó dùng lốp xe để tạo hình. Sau lại nghĩ là do một động vật nào đó đi vào phần bê tông còn ướt. Tuy nhiên, dựa vào các hoa văn in sâu dưới nền sân thì tôi khẳng định con người không tạo ra được "dấu rồng" này".
Ông Học cũng như công an xã đã quan sát rất kỹ xung quanh để phát hiện những dấu chân hoặc dấu vết chứng tỏ con người hoặc động vật đi vào nhưng tuyệt nhiên không thấy. Tất cả bề mặt sân cho đến nay vẫn nhẵn nhụi bình thường. Hơn nữa, những hoa văn họa tiết in dưới nền sân lại rất tự nhiên, hài hòa. 
Chiếc chiêng cổ ở đình Miễu. 
Quan sát kỹ một lần nữa, chúng tôi nhận thấy hai dấu vết lạ này uốn lượn như hình con rồng. Các vây in hằn xuống sân sâu khoảng 3 - 4mm. Trên các dấu vết này là một sự đè nén xuống nên phần bê tông cũng lún sâu và nhẵn hơn xung quanh.
Không ít người đã đặt giả thiết đó là do con rắn trườn vào tạo thành "dấu rồng". Tuy nhiên, cho đến nay các nhà khoa học chưa phát hiện một loài rắn nào có các vây cứng có thể in hằn trên nền sân bê tông. Đại diện dòng họ Lưu và chính quyền địa phương đang rất nóng lòng chờ đợi sự thẩm định và nghiên cứu từ các nhà khoa học Việt Nam về hai dấu vết lạ lùng này.
"Hiện tượng một số kẻ lợi dụng tâm linh để tuyên truyền mê tín dị đoan là không tránh khỏi. Chúng tôi đã và đang theo dõi để ngăn chặn những hoạt động xấu. Để yên lòng dân, chúng tôi tha thiết mời các nhà khoa học vào cuộc để xem thực sự "dấu rồng" là do con người tạo ra hay vật gì khác tác động mà thành".
Ông Lê Đình Học (Chủ tịch UBND xã Tiên Ngoại)
Trần Hòa