Kế hoạch tấn công Trung Quốc bằng vũ khí hạt nhân đã được Liên Xô soạn thảo và dự định sẽ thực hiện sau ngày nổ ra tranh chấp vũ trang giữa Trung Quốc và Liên Xô quanh vùng đảo Damansky...
Hành cung của Mao ở Hồ Nam có “hầm ngầm dài hằng trăm mét có thể chống động đất, chống bom nguyên tử”. Chống bom nguyên tử của ai? của Liên Xô hay Mỹ? Về danh nghĩa, Mỹ là kẻ thù “số một”.
|
Richard Nixon (trái) đã giúp Mao Trạch Đông thoát được cuộc tấn công hạt nhân từ Liên Xô. |
Nhưng trên thực tế, mối nguy hiểm trực tiếp kề cận là Liên Xô. Chiến tranh giữa hai nước có thể bùng nổ bất ngờ. Như vụ tranh chấp đảo Damansky, hai bên nổ súng đánh nhau dữ dội từ 2/3/1969. Hệ thống truyền thông của Liên Xô khẳng định đảo Damansky là của Liên Xô. Phía Trung Quốc tuyên bố ngược lại: đó là đảo Trân Bảo (Chen-pao) của mình. Qua nhiều ngày giao tranh, hai bên đi đến thỏa thuận ngưng chiến, nhưng mâu thuẫn ở vùng biên giới của hai nước vẫn tồn đọng nhiều chông gai chưa giải quyết ngay được.
Bấy giờ lãnh đạo Liên Xô có người chủ trương tấn công hạt nhân nhằm vào Trung Quốc. Trước khi triển khai cuộc chiến nguy hiểm này, Liên Xô muốn biết thái độ của Mỹ và giao đại sứ Liên Xô tại Mỹ là Dobrynin thăm dò ý kiến. Ngày 20/8/1969 (hơn 5 tháng sau ngày bùng nổ tranh chấp đảo Damansky), đại sứ Dobrynin xin gặp bất thường Cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Mỹ là tiến sĩ Kissinger để “thông báo Liên Xô dự định thực thi đòn tấn công hạt nhân vào Trung Quốc và muốn trưng cầu ý kiến của chính phủ Mỹ”.
Để trả lời, Mỹ họp Hội đồng an ninh quốc gia bàn bạc và đi đến kết luận “mối đe dọa lớn nhất đối với Mỹ và các nước phương tây chưa phải là Trung Quốc - mà là Liên Xô”. Vì thế, tổng thống Mỹ Nixon nghiêng về thế ủng hộ Trung Quốc, cho đưa tin công khai lên tờ Washington Star (số 28/8/1969): “Liên Xô định dùng tên lửa đạn đạo tầm trung mang đầu đạn hạt nhân đương lượng vài triệu tấn tiến hành đòn tấn công hạt nhân (…) vào các căn cứ quân sự quan trọng của Trung Quốc cũng như các thành phố công nghiệp lớn: Bắc Kinh, Trường Xuân, An Sơn”. Vậy là, kế hoạch tấn công “tuyệt mật” của Liên Xô đã lộ ra ngoài.
Thủ tướng
Chu Ân Lai và các lão nguyên soái Diệp Kiếm Anh, Từ Hướng Tiền, Nhíp Vinh Trăn, cùng Quân ủy trung ương đủ thời gian triển khai các biện pháp cần thiết, sơ tán các nhà lãnh đạo đảng và chính phủ khỏi Bắc Kinh, tăng 34% ngân sách quốc phòng. Tài liệu Tân Tử Lân ghi nhận phản ứng của
Mao Trạch Đông là cho nổ hai quả bom hạt nhân để Liên Xô “cũng căng thẳng” theo:
Ngày 28 và 29/9/1969, Trung Quốc cho nổ thành công hai quả bom hạt nhân, các trung tâm đo đạc và vệ tinh của Mỹ lẫn Liên Xô đều thu được tín hiệu hữu quan. Mọi lần Trung Quốc thử hạt nhân đều công bố tin tức, tổ chức chúc mừng, song lần này lặng im, khiến bên ngoài bàn tán, nói chung họ cho rằng hai cuộc thử hạt nhân này là một biện pháp trắc nghiệm trước khi lâm trận (với Liên Xô).
Sau đó, Mao ra lệnh cả nước đào hầm sâu, dự trữ lương thực khắp nơi, chuyển sang tình trạng sẵn sàng chiến đấu. Ngày 28/9, Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc kêu gọi chính quyền, nhân dân các tỉnh biên giới và quân đội đóng ở vùng biên cương kiên quyết hưởng ứng lời kêu gọi của Mao sẵn sàng đánh giặc.
Phía Mỹ, bằng những kỹ thuật truyền thông mật mã, Nixon “thông báo” để Liên Xô biết tổng thống Mỹ đã hạ lệnh “chuẩn bị mở cuộc tấn công hạt nhân vào 134 thành phố, căn cứ quân sự, đầu mối giao thông, triệt hạ các cơ sở công nghiệp nặng của Liên Xô”.
Liên Xô điện khẩn hỏi đại sứ Dobrynin về những thông tin trên. Sau thẩm tra, Dobrynin trả lời: “Tổng thống Nixon cho rằng lợi ích của Trung Quốc gắn chặt với lợi ích của Mỹ. Nếu Trung Quốc bị tấn công hạt nhân, Mỹ sẽ cho rằng
chiến tranh thế giới lần thứ 3 bắt đầu, và Mỹ sẽ tham chiến đầu tiên. Kissinger tiết lộ tổng thống đã ký mật lệnh chuẩn bị trả đũa hạt nhân vào hơn 130 thành phố và căn cứ quân sự nước ta. Mỹ sẽ bắt đầu kế hoạch trả đũa khi quả tên lửa đạn đạo đầu tiên của ta rời bệ phóng”.
Được tin, Liên Xô không triển khai kế hoạch đó nữa.
Sách báo Trung Quốc ngày nay khi nhắc đến sự kiện trên đã nhận định “nhờ Mỹ giúp đỡ, Trung Quốc đã thoát khỏi cuộc khủng hoảng hạt nhân nghiêm trọng nhất”. Và đó cũng là “món quà” hảo hữu của Nhà Trắng gửi đến Trung Nam Hải sau hơn hai thập niên “không nhìn mặt nhau”. Những năm sau, Mỹ tiếp tục mở rộng thêm cánh cửa ngoại giao, đưa Kissinger bí mật sang Bắc Kinh, mở đường để tổng thống Mỹ Nixon đặt chân đến nhà khách quốc tế Điếu Ngư Đài - nơi ở của hoàng đế Càn Long ngày trước.
Hồi ký Richard Nixon (nguyên bản: The memoirs of Richard Nixon, nhiều người dịch, 1370 trang, NXB Công an Nhân dân, Hà Nội 2004) viết: “Ngày 17/2/1972 vào mười giờ ba mươi lăm phút chúng tôi khởi hành đi Bắc Kinh từ căn cứ hàng không Andrews (…) Chu Ân Lai đứng ở chân thang máy bay, không đội mũ, mặc dù trời lạnh. (…) tôi đến đứng bên trái Chu trong lúc quân nhạc cử quốc thiều hai nước. Lá cờ Hoa Kỳ dường như chưa bao giờ gây xúc động cho tôi mạnh đến thế như ở trên đường băng lộng gió này, tại trái tim của nước Trung Hoa cộng sản”. (sđd tr.682-684). Tiếp Nixon, Mao Trạch Đông chìa tay ra trước, Nixon bước đến nắm lấy rồi úp bàn tay trái của mình lên trên, Mao cũng úp tiếp tay trái lên theo “chủ khách nhìn nhau cười, bốn bàn tay ấp chặt vào nhau, lắc liên hồi” – Mao nói một câu với Nixon không khỏi làm Liên Xô “chạnh lòng”:
- Tôi là người Cộng sản số 1 trên thế giới. Ngài là phần tử chống Cộng số 1 trên thế giới. Lịch sử đã đưa chúng ta đến bên nhau…
Theo Một thế giới