Các nhà khảo cổ Syria đã tìm được một vài bằng chứng cổ xưa nhất về việc quốc gia này đã sử dụng vũ khí hóa học.
Nhà khảo cổ học Simon James đến từ ĐH Leicester công bố phát hiện trên vào năm 2009. Cụ thể, khí độc được sử dụng tại Syria cách đây hơn 1.700 năm, khi một pháo đài La Mã cổ tại Dura-Europos bị đế chế Ba Tư Sasanian hùng mạnh vây hãm.
Mặc dù giới khảo cổ không tìm được nhiều tài liệu lịch sử ghi chép về trận đánh trên nhưng họ xác định được nó xảy ra vào khoảng năm 256 sau công nguyên. Nhóm khảo cổ ĐH Yale của Pháp đã tiến hành những cuộc khai quật lớn trong giai đoạn từ năm 1920-1937. Đến năm 1986, đội khảo cổ Pháp - Syria đã chung tay giúp đỡ nhà khảo cổ học James tìm kiếm những manh mối về việc quốc gia này từng sử dụng vũ khí hóa học.
Năm 1930, các nhà khảo cổ khai quật được những bằng chứng xác thực về cuộc chiến. Một trong những đường hầm mà người Sasanian đào để đột nhập vào thành cổ chứa nhiều thi thể của binh sĩ La Mã. Họ đều chết trong tình trạng được trang bị đầy đủ vũ khí và áo giáp. Điều này giúp các nhà khảo cổ xác định được tính chất tàn khốc của cuộc chiến xảy ra vào thời điểm đó.
Theo quan điểm của nhiều nhà nghiên cứu, những binh lính trên đã chết do mắc kẹt khi đường hầm sập. Tuy nhiên, nhà khảo cổ học James lại cho rằng, một loại chất chứa nhựa và những tinh thể lưu huỳnh màu vàng được phát hiện trong chiếc lọ bên cạnh các thi thể đã tiết lộ một sự thực khủng khiếp hơn nhiều.
Discovery cho hay, người Sasanian đã đặt những hố chứa chất dễ bắt lửa xuyên suốt đường hầm. Khi binh sĩ La Mã tới phá những đường hầm này, người Sasanian đã ném tinh thể lưu huỳnh và nhựa đường vào để tạo khói, khiến đối phương chết ngạt.
|
Theo kết quả nghiên cứu mới đây, Syria đã từng sử dụng khí độc hóa học từ 1.700 năm trước.
|
Khi trả lời phỏng vấn
Discovery, học giả Adrienne Mayor - người chuyên nghiên cứu cổ điển và lịch sử khoa học thuộc ĐH Stanford phân tích: "Định nghĩa về vũ khí hóa học tương đối phức tạp trong thời cổ đại, nhưng những dấu tích khảo cổ mới nhất cũng đã chứng minh được rằng người cổ xưa biết dùng những chất xúc tác hóa học để tạo ra khói độc. Quá trình đốt cháy lưu huỳnh tạo ra khí sulfur dioxide độc hại, những khí này gây chết người nếu nạn nhân hít phải số lượng lớn",
Một bằng chứng khác là những vật có hình tròn nhân tạo bị đốt cháy trong trận chiến diễn ra ở Gandhara, Pakistan.
"Những vật được tẩm chất bắt cháy được dùng như vũ khí để chống lại đội quân của Alexander Đại đế năm 327 trước công nguyên. Thành phần của những vũ khí này gồm có lưu huỳnh, barit, nhựa thông”, học giả Mayor tiết lộ.
Từ rất lâu trước Chiến tranh thế giới I, đã có 39 loại chất độc được sử dụng rộng rãi, từ hơi cay cho tới khí mù tạt.
Theo các tài liệu sử học Hy Lạp, trong cuộc chiến Peloponnesian, người Sparta đã tạo ra một hợp chất bao gồm lưu huỳnh và nhựa thông rồi đem đốt cháy trong cuộc vây hãm ở Plateia, Hy Lạp năm 429 trước công nguyên.
Boeotians - đồng minh của Sparta cũng đã sử dụng một hóa chất tương tự rồi cho phát nổ có hình như ngọn lửa ở Delium vào năm 424 trước công nguyên. Nguyên liệu của vũ khí này bao gồm than, lưu huỳnh và nhựa thông.
Aeneas Tacticus (sống năm 360 trước công nguyên) là một trong những tác giả Hy Lạp viết về nghệ thuật chiến tranh sớm nhất lịch sử loài người, trong đó có ghi chép người dân thời đó đã biết sử dụng nhựa thông và lưu huỳnh để tiến hành các cuộc vây hãm.
"Đây là những tài liệu ghi chép cổ xưa nhất về việc sử dụng hỗn hợp khí độc khiến kẻ thù bị ngộ độc. Quá trình đốt cháy lưu huỳnh tạo ra khí sulfur dioxide vô cùng độc hại. Nó sẽ gây chết người nếu như ai đó hít phải với số lượng lớn", học giả Mayor cho biết.
Tâm Anh (theo Discovery)