Sinh ra đã thần bí
Năm thứ 26 triều Tần Thủy Hoàng (221 TCN), Vương Bí tấn công nước Tề, biến nước Tề thành một quận của nước Tần, thống nhất thiên hạ về nước Tần khiến vua Tần Thủy Hoàng vui mừng khôn xiết. Vua chiếu lệnh khắp nơi, hễ có việc thần kỳ báo hiệu điềm lành thì thượng tấu lên triều đình.
Hồi đó, huyện lệnh Ôn Thành là Hứa Vọng có vợ là Triệu Thị sinh hạ được một người con gái. Tuy nhiên, ngay khi vừa sinh ra, nữ nhi này đã cầm miếng ngọc có đồ hình Bát Quái trên tay. Không chỉ vậy, mới 100 ngày nữ nhi đã biết nói. Thông tin này khi đến tai Tần Thủy Hoàng, gia đình Hứa Vọng liền được ban thưởng 100 dật vàng (1 dật bằng 20 lạng hoặc 24 lạng) để nuôi dưỡng con. Hứa Vọng vốn rất cảm động trước sự ưu ái của vua, bèn đặt tên con gái là “Mạc Phụ” với ý mong con sẽ không khi nào phụ long ân của Hoàng đế.
Việc gia đình Hứa Vọng có người con sinh ra đã thần bí nhanh chóng truyền khắp thiên hạ, khiến mọi người từ khắp nơi hiếu kỳ đổ về đây xem. Mỗi ngày, trước cửa phủ nhà ông đều là ngựa xe xếp hàng dài, quan lớn nhỏ khắp nơi tìm đến. Thế nhưng chỉ sau một thời gian, người ta không còn thấy mọi người đến đây đông đúc nữa.
|
Ảnh minh họa. |
Mỗi khi thấy có đoàn người náo nhiệt đến xem, Mạc Phụ nếu không khóc lớn thì sẽ tươi cười hạnh phúc. Sau một thời gian hiếu kỳ, nhiều người đã nghiệm ra sự thần bí đằng sau mỗi tiếng khóc, cười của đứa trẻ Mạc Phụ này.
Ai mà vừa gặp Mạc Phụ đã khóc lớn không dứt thì không lâu sau sẽ gặp ngay vận rủi, ai được Mạc Phụ tươi cười, thì sẽ liên tục gặp may, tiền của dồi dào, thăng quan tiến chức. Nhiều người còn sợ hãi cho rằng, tiếng khóc của nữ nhi này là một lời nguyền, ai đụng phải sẽ gặp đại nạn.
Lớn lên, Mạc Phụ càng thể hiện mình là một đứa trẻ xuất chúng, có 1 không 2. Mạc Phụ có trí lực vượt xa người bình thường, mới 4 tuổi đã có thể thuộc hơn 4 ngàn từ khi được lão tiên sinh dạy học. Không chỉ vậy, sự am hiểu và đam mê với Chu dịch, Bát quái của nữ nhi này khiến vị tiên sinh đó phải xin thôi không dạy nữa vì không đủ khả năng.
Theo những thuật tướng nghiệm được, Mạc Phụ biết rằng triều Tần sắp diệt vong bèn đem tên mình đổi thành chỉ còn một chữ “Phụ”.
Biết trước thiên cơ
Tài tiên tri của Hứa Phụ nhanh chóng được lan truyền tới kinh thành. Vua Tần biết tin liền sai người đưa Hứa Phụ tới Hàm Dương xem tướng cho mình. Biết được điều này, Hứa Phụ bèn bàn với phụ thân giả bệnh từ chối.
Sau khi quan vừa rời đi, Hứa Vọng liền hỏi con lý do chối hẹn, Hứa Phụ bèn đáp: “Thiên hạ đang đại loạn, con đi cũng không ích gì?”. Hứa Vọng nghe xong vô cùng hoảng sợ, lo con gái nhỏ tuổi không giữ kín mồm miệng nên không cho phép nàng tiếp tục xem tướng nữa.
Mấy năm sau, Tần Thủy Hoàng bị bệnh qua đời, thiên hạ sau đó vì thế mà đại loạn. Triệu Cao làm giả di chiếu, ép hoàng tử Phù Tô tự sát, thao túng Hồ Hợi mới kế vị, tăng thuế má lao dịch khiến dân chúng căm phẫn.
|
Ảnh minh họa. |
Từng chịu ơn vua, nay thiên hạ lại đại loạn, trong lòng Hứa Vọng vô cùng rối bời. Ba con trai của ông đều làm quan tuần tra huyện, theo Trần Thắng khởi nghĩa, đoạn tuyệt với nhà Tần. Sau một hồi, ông quyết định làm theo lời con gái, chiêu mộ người tài, chuẩn bị tình thế ứng phó khi cần.
Mùa xuân năm sau, Lưu Bang trên đường xuất binh tấn công Hàm Dương đã ghé quan Ôn Thành mong vào bái kiến Hứa Vọng. Hứa Phụ ngay khi vừa nhìn thấy Lưu Bang đã nhận thấy đây là người có tướng mạo của bậc đế vương, bèn thưa cha để ra nghênh đón, dâng hơn hai ngàn quân có được để chung lưng đấu cật cùng Lưu Bang. Lưu Bang trước khi đem quân lính rời đi còn để lại lời hứa, nếu sau này giành được thiên hạ nhất định sẽ phong thưởng.
Cao Tổ năm thứ 5 (202 TCN), Lưu Bang lên ngôi Hoàng đế và lập nên nhà Hán. Không quên lời hứa năm xưa, Lưu Bang phong Hứa Vọng làm Ôn thành hầu, phong Hứa Phụ làm minh thư đình hầu, ba anh trai của Hứa Phụ đều được phong làm tướng quân.
Nhìn tướng chọn phi tần
Khi mỹ nữ khắp nơi kéo về Hàm Dương tham gia cuộc tuyển tú, Lữ Hậu đã tìm đến vợ chồng Hứa Phụ để can thiệp, lôi kéo về phe cánh mình. Song Hứa Phụ công tâm liền tìm cách khôn ngoan để có thể đối phó với tình thế phức tạp.
Sau khi thuyết phục được Lưu Bang đích thân tham gia lựa chọn mỹ nữ, Hứa Phụ cùng hoàng đế xem mặt hơn 700 mỹ nữ tới tuyển chọn. Ai cũng sở hữu nhan sắc hơn người song cuối cùng Lưu Bang chỉ chọn ra 100 người vào vòng 2. Những người không trúng tuyển liền bật khóc vì thất vọng, trong số đó có 1 người đã khiến Hứa Phụ phải giật mình.
“Người này sẽ sinh thiên tử”, câu nói của Hứa Phụ khiến Lưu Bang cùng các vị đại thần ai nấy không khỏi sửng sốt. Dù rất trọng dụng Hứa Phụ và mỹ nữ kia cũng hết sức xinh đẹp song ai cũng biết vua đã có một người con trai với Lữ Hậu năm nay đã 20 tuổi, nếu như lời Hứa Phụ nói cô gái này sẽ “sinh thiên tử”, chẳng phải là quá khó tin. Tuy nhiên Lưu Bang vẫn chọn Bạc Vũ làm phi, ban cho danh hiệu Dung Đức phu nhân.
|
Ảnh minh họa. |
Sau này, Bạc Cơ quả nhiên sinh được một người con trai đặt tên là Lưu Hằng. Khi Lưu Bang bệnh nặng khó lòng qua khỏi, Hứa Phụ đã xin với Lưu Bang cho Bạc Phi và Lưu Hằng rời cung để tránh đại họa. Tin tưởng Hứa Phụ, Lưu Bang ra lệnh cho Hứa Phụ bí mật bảo vệ hai mẹ con Lưu Hằng.
Một thời gian sau, Hán Cao Tổ Lưu Bang băng hà, Lữ Hậu bèn sai người bao vây phủ của Bạc phi để diệt trừ cái gai trong mắt. Tuy nhiên, khi biết tin Bạc phi và con trai Lưu Hằng cùng Hứa Phụ đã kịp thời bỏ trốn, Lữ Hậu vô cùng giận dữ.
Sau khi cầm quyền, Lữ Hậu lộng quyền không chút e dè loại trừ hết các cựu thần, mưu đồ thay họ Lưu bằng họ Lữ, xây dựng vương triều mới. Song vào năm 61 tuổi, Lữ Hậu qua đời bằng tuổi thọ với Lưu Bang, đúng như những gì Hứa Phụ từng nói.
Hứa Phụ thấy thời cơ đã đến, bèn khuyên Chu Bột, Trần Bình khởi binh dẹp nhà họ Lữ. Lưu Hằng được lập làm đế, xưng là Văn Đế. Văn Đế biết ơn Hứa Phụ nên gọi bà là nghĩa mẫu (mẹ nuôi), ban thưởng rất nhiều.
Theo Diệu Ly/Khám Phá