Lạ ở đây không phải là vì nó xa lạ với người Dao đỏ mà vì nó diễn ra ở ngay Hà Nội. Nếu không tìm hiểu thì ít người biết ở Hà Nội có một khu vực sống của người Dao đỏ từ lâu đời. Nơi đó là thôn Yên Sơn, xã Ba Vì, huyện Ba Vì, TP Hà Nội. Đàn ông ở đây chỉ được xem là người lớn khi được bố mẹ làm lễ cấp sắc. Người từ 50 tuổi trở lên mỗi năm thường được con cháu tổ chức mổ trâu, giết lợn mời mọi người đến ăn uống...
“Chưa cấp sắc thì vẫn là trẻ con”
Theo người dân thôn Yên Sơn cho biết, có phong tục biết là vẫn còn nhiêu khê, phiền nhiễu nhưng không thể bỏ được, vì nó là truyền thống của dân tộc, văn hóa của địa phương, từ đời cha ông truyền lại, con cháu đời đời y án thực hiện theo.
Ông Lý Văn Phủ, Trưởng thôn Yên Sơn cho biết: Người dân thôn Yên Sơn vẫn duy trì nhiều tục lệ của cha ông xưa, một trong những phong tục đó là cấp sắc cho người con trai. Tục lệ này được xem là rất lâu đời, khi người Dao đỏ sinh sống và lập nghiệp nơi đây, thì tục lệ này cũng có.
|
Ông Phủ bên bộ đồ đi hành lễ cấp sắc. |
Theo quy định, để được cấp sắc, được dân bản xem là trưởng thành, người con trai đó phải thành lập gia đình. Nếu người con trai không làm lễ cấp sắc thì dù người đó có tuổi thọ hàng trăm năm cũng không ai công nhận là người đó trưởng thành. Họ vẫn chỉ được xem ngang hàng với đám trẻ con vài ba tuổi. Chính vì thế, tâm lý đè nặng lên vai các gia đình có con trai. Theo quy định, trong gia đình, không phân định con chú, con bác, ai sinh ra trước thì được gọi là anh. Người nào kết hôn trước, có vợ có chồng trước thì người đó được cấp sắc trước.
Việc làm lễ cấp sắc cho cả vợ, cả chồng hay người dân còn gọi là lễ cúng ma. Lễ cúng này có ý nghĩa, ở trên trần gian họ làm vợ làm chồng, sau này mất đi xuống âm phủ họ vẫn mãi là vợ chồng, đi đâu họ cũng luôn ở bên nhau.
Ông Phủ không chỉ là trưởng thôn mà còn là người có nhiều năm làm thầy mo, làm lễ cấp sắc cho các gia đình nơi đây. Quá trình làm lễ cấp sắc của người Dao đỏ theo truyền thống hết sức phức tạp, phải trải qua nhiều bước, nhiều giai đoạn khác nhau.
|
Để hành lễ cấp sắc không thể thiếu cây gậy. |
Theo người dân địa phương cho biết, xưa kia việc cấp sắc quả là gánh nặng rất lớn cho người dân. Chỉ những gia đình khá giả mới có điều kiện làm Lễ cấp sắc bởi nhiều quy định ngặt nghèo, gia chủ phải mời đông đủ dân bản đến chứng kiến việc hành lễ, phải mổ trâu, giết lợn mời mọi người ăn uống. Việc lễ lạt, ăn uống kéo dài lê thê vài ngày trời. Quả thực, khi đó những gia đình giàu có mới dám tổ chức cấp sắc cho con em mình. Tuy nhiên, vì muốn mọi người công nhận con cái mình là người trưởng thành mà nhiều gia đình vay mượn, làm lễ để con mình không bị thua thiệt. Bố mẹ chấp nhận làm lụng trả nợ để con cái mình không bị mọi người nói là trẻ con.
Ông Phủ cho hay, hiện nay việc hành lễ cấp sắc vẫn được thực hiện nghiêm túc như các cụ truyền lại. Cuối năm ngoái, gia đình ông mới tổ chức lễ cấp sắc cho vợ chồng em gái ông. Theo tục lệ, con gái xuất giá lấy chồng, gia đình nhà chồng đảm đương việc thực hiện lễ cấp sắc. Tuy nhiên, do chồng em gái ở rể nhà ông. Vì thế, gia đình ông phải gánh trọng trách làm lễ cấp sắc cho em. Người em rể phải đổi từ họ Triệu sang họ Lý. Con cái của người em cũng sẽ được mang họ Lý như của người bố.
“Công tác chuẩn bị làm lễ cấp sắc qua rất nhiều công đoạn. Trước khi làm lễ gia đình tôi phải chuẩn bị đồ lễ vật như, lợn, gà... mời 7 ông thầy cúng đến làm lễ cho người được cấp sắc. Các thầy cúng sẽ làm một bàn thờ tổ và một bàn thờ gia tiên để hành lễ. Việc làm lễ diễn ra trong khoảng thời gian là 2 ngày 2 đêm. Song song với việc các thầy cúng làm lễ, cấp sắc cho đôi vợ chồng trẻ thì các khách mời trong và ngoài thôn đến ăn cỗ, uống rượu, chúc mừng gia đình tôi”, ông Phủ kể.
|
Ông Phủ được các gia đình tặng đồng tiền cổ khi làm lễ cấp sắc. |
Ông Phủ nhẩm tính để tổ chức lễ cấp sắc cho vợ chồng cô em gái, gia đình ông giết hàng tạ lợn, vài yến thịt gà, mời vài chục người tới dự, chứng kiến. Tổng số mâm cỗ ăn uống trong 2 ngày, 2 đêm lên tới hơn 50 mâm.
Bà Dương Thị Hiến, thôn Yên Sơn cho biết, biết làm lễ cấp sắc rất tốn kém, nhưng đây là tục lệ có từ xưa nên mọi người vẫn thực hiện. Tuy nhiên, hiện nay thủ tục làm lễ cũng đơn giản hơn nhiều so với trước đây. Việc hành lễ theo điều kiện của gia chủ. Gia đình nào dự định làm lễ cấp sắc cho con em mình đều có sự chuẩn bị từ trước, đầu năm chuẩn bị nuôi lợn gà, cuối năm có thể làm cỗ mời mọi người đến ăn uống, dự lễ cấp sắc. Lễ cấp sắc tốn kém hay không tùy thuộc vào lượng khách mà gia chủ mời mọc. Thế nên, tục lệ này không còn là gánh nặng như trước nữa.
Bà Triệu Thị Hòa cho hay, biết là lễ cấp sắc làm to hay nhỏ do lượng khách gia chủ mời, nhưng không thể làm sơ sài được. Vì thế, đã làm phải tốn kém. Nhiều vẫn phải vay mượn để làm cho con cái mình. Chỉ có những gia đình bần hàn quá, không vay mượn được của ai đành để con cái mình không được công nhận là người trưởng thành.
|
Trong lễ cấp sắc, người mẹ phải chuẩn bị quần áo mới cho con dâu. |
“Chết là hết”
Không chỉ có tục lệ cấp sắc cho người trưởng thành, người Dao đỏ nơi đây có tục lệ khá độc đáo đó là không làm giỗ cho người quá cố, thay vào đó, khi còn sống đến ngày sinh nhật họ tổ chức linh đình.
“Người Dao đỏ chúng tôi cho rằng khi ông bà, cha mẹ còn sống trên cõi đời con cháu hết lòng phụng dưỡng. Khi cha mẹ chết đi là hết. Vì thế, khi ông bà mất đi, con cháu lập bàn thờ thắp hương thờ cúng. Nhưng sẽ không làm giỗ như các dân tộc khác. Thay vào đó, khi các cụ còn sống con cháu có lệ tổ chức sinh nhật (thông thường những người từ độ tuổi 50 - 60 trở lên được con cháu tổ chức mừng sinh nhật).
Trong buổi sinh nhật, con cháu mời anh em bạn bè, những người thân thích đến dự, ăn uống linh đình để chúc mừng”, bà Dương Thị Hiến cho biết.
Gặp chúng tôi, cụ Triệu Thị Thu (85 tuổi) hết sức vui mừng cho hay: Hơn 20 năm qua, năm nào cụ cũng được con cháu tổ chức sinh nhật, đến hẹn lại lên, hằng năm đến ngày sinh của cụ con cháu tập trung đông đủ, nhà thì góp vài bò gạo nếp, nhà góp con gà, chai rượu để làm cỗ mời mọi người đến sinh nhật cụ. Năm nào nghèo khó, con cháu làm sinh nhật nội bộ, còn khi khá khẩm làm tới vài chục mâm cỗ mời dân bản đến ăn uống, chúc mừng sinh nhật.
Cụ Thu bảo, giờ cụ có tuổi, không làm giúp đỡ con cháu. Nhưng được con cháu quan tâm thì cụ vui lắm. Mỗi dịp con cháu tổ chức sinh nhật cụ lại rưng rưng nước mắt, cảm động khi con cháu quây quần bên mình.
Các cụ cao niên nơi đây cho rằng, việc tổ chức sinh nhật cho người cao tuổi là niềm động viên tinh thần lớn lao, là động lực giúp các cụ sống vui, sống khoẻ, sống có ích.
Cấp sắc cho người trưởng thành, tổ chức sinh nhật ông bà, cha mẹ đều là phong tục có từ lâu đời của người Dao đỏ nơi đây. Nó thể hiện tinh thần đoàn kết, sự yêu thương trân trọng của mọi người với nhau.
Ông Lý Văn Phủ (Trưởng thôn Yên Sơn, huyện Ba Vì)
Đại Cát