Theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, khoảng 600 triệu người trên thế giới, tức 1/10 người nhiễm bệnh sau khi tiêu thụ thực phẩm nhiễm độc. Đây là một tình trạng đáng báo động, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người tiêu dùng. Thậm chí, hàng năm, khoảng 420.000 người tử vong vì sử dụng thức ăn kém chất lượng, trong đó 40% nạn nhân là trẻ em (khoảng 125.000 trường hợp).
Trên thế giới, nhiều vụ bê bối thực phẩm bị phát giác, khiến người tiêu dùng hoang mang, lo lắng những thực phẩm mà họ sử dụng hàng ngày có thể khiến họ mắc bệnh hoặc thậm chí là tử vong mà không hề hay biết.
Dưới đây là một số bê bối thực phẩm gây chấn động thế giới những năm qua:
Bê bối thịt quá hạn sử dụng gây xôn xao dư luận năm 2014
Vào tháng 7/2014, Đài phát thanh truyền hình Thượng Hải phát sóng phóng sự điều tra về Công ty TNHH Phúc Hỷ (Shanghai Husi Food Co.). Theo đó, nhóm phóng viên đã thu thập được đầy đủ bằng chứng cho thấy công ty này cung cấp thực phẩm quá hạn cho các cửa hàng ăn nhanh như McDonald, KFC, Pizza Hut ở thị trường Trung Quốc. Những nguyên liệu đó được Công ty TNHH Phúc Hỷ sửa chữa hạn sử dụng của thịt nguyên liệu. Theo đó, nhiều lô thịt gà quá hạn tới 15 ngày vẫn được công ty sử dụng và "chế biến" thành gà McNuggets.
|
Shanghai Husi Food Co. cung cấp thực phẩm quá hạn cho các cửa hàng ăn nhanh như McDonald, KFC, Pizza Hut ở Trung Quốc. Ảnh Reuters. |
Theo điều tra của phóng viên, số gà quá hạn, bốc mùi được tẩy rửa trên "được ưu tiên" xuất sang Trung Quốc. Quá trình điều tra vụ bê bối bán thịt bẩn cho thấy, thịt hun khói của Kentucky cũng được chế biến từ số thịt quá hạn sử dụng. Thậm chí, có số thịt đã lên nấm mốc dùng làm nguyên liệu chế biến bít tết còn quá hạn tới 7 tháng.
Thậm chí, Phúc Hỷ còn không tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm tại nhà xưởng khiến các giai đoạn sơ chế nguyên liệu mất vệ sinh, không đảm bảo an toàn thực phẩm. Phóng sự của nhòm phóng viên Đài phát thanh truyền hình Thượng Hải còn chỉ ra từ ngày 11 - 12/6, Phúc Hỷ đã chế biến 10 tấn bít tết bán thành phẩm được chế biến từ các nguyên liệu quá hạn sử dụng được làm mới bao bì, kéo dài hạn sử dụng thêm 6 tháng nữa.
Scandal bán thịt bẩn, quá hạn sử dụng của Công ty TNHH Phúc Hỷ gây chấn động dư luận. Ngay sau khi phóng sự trên được phát sóng, Công ty TNHH Phúc Hỷ bị đình chỉ hoạt động sản xuất, các nhà xưởng bị niêm phong. Cơ quan chức năng cũng điều tra các công công ty có sử dụng nguyên liệu của Husi trên toàn Trung Quốc đã lần lượt niêm phong những lô hàng nghi sử dụng thịt đáng ra nên đem đi tiêu hủy.
Trước sự cố đó, McDonald, KFC và Pizza Huts niêm phong tất cả thực phẩm do Husi cung cấp. Tuy nhiên, scandal này đã khiến doanh thu của chuỗi các cửa hàng ăn nhanh giảm mạnh.
Dầu ăn làm từ rác thải gây chấn động Đài Loan
Năm 2014 thế giới tiếp tục chấn động trước bê bối dầu ăn làm từ rác thải của công ty Chang Guann. Theo điều tra của cơ quan chức năng Đài Loan, loài dầu bẩn trên được tái chế từ dầu thải của các nhà hàng, chất thải từ các lò giết mổ gia súc, vật liệu nhiễm độc, mỡ da quá hạn... Thậm chí, loại dầu bẩn này còn chứa các chất chất gây ung thư như benzopyrene và aflatoxin.
|
Khách sạn Hyatt Regency ở Tsim Sha Tsui là một trong những danh sách các nhà hàng và tiệm bánh có liên quan đến bê bối dầu bẩn. Ảnh: SCMP. |
Bê bối thực phẩm này ảnh hưởng lớn đến hơn 1.000 nhà hàng, tiệm bánh, doanh nghiệp bán lẻ... tiêu thụ loài dầu bẩn chế biến từ rác thải của công ty Chang Guann. Ngay sau khi vụ bê bối thực phẩm này bị phanh phui, giới chức trách Đài Loan xác nhận 12 quốc gia và vùng lãnh thổ đã nhập khẩu sản phẩm làm từ dầu ăn rác thải, trong đó có Việt Nam. Ngay sau đó, các sản phẩm dầu bẩn nhanh chóng được thu hồi, ước đạt hơn 200 tấn. Tuy nhiên, một lượng lớn dầu bẩn không thể tìm được và bị suy đoán có thể đã được người tiêu dùng tiêu thụ.
Sữa nhiễm melamine gây rúng động Trung Quốc
Vụ bê bối thực phẩm này xảy ra ở năm 2008. Khi đó, 16 trẻ em được phát hiện mắc sỏi thận sau khi uống sữa bột do công ty quốc doanh thuộc tập đoàn Tam Lộc sản xuất. Sau khi vào cuộc điều tra, cơ quan chức năng phát giác sữa và sữa bột trẻ em của tập đoàn này nhiễm chất độc melamine. Công ty này đã dùng melamine trộn vào trong sữa để làm cho thực phẩm có độ đạm cao hơn, phớt lờ những tiêu chuẩn đảm bảo an toàn chất lượng sản phẩm.
|
Các ông bố, bà mẹ đưa con đến bệnh viện khám và điều trị ở Bắc Kinh trong thời điểm bê bối sữa nhiễm melamine xảy ra. |
Cơ quan chức năng Trung Quốc còn phát giác công ty quốc doanh thuộc tập đoàn Tam Lộc đã cố tình che đậy bê bối này từ cuối năm 2007 khi người tiêu dùng gửi đơn khiếu nại. Theo số liệu ước tính, bê bối sữa nhiễm melamine gây ảnh hưởng 300.000 người, với 54.000 trẻ phải nhập viện và 6 bé tử vong do tổn thương thận. Ngay sau đó, các sản phẩm của công ty quốc doanh thuộc tập đoàn Tam Lộc bị thu hồi trên diện rộng nhưng tới cuối năm 2010 mới kết thúc.
Sữa nhiễm thạch tín ở Nhật Bản
Người tiêu dùng Nhật Bản chấn động trước thông tin sản phẩm của công ty sữa Morinaga nhiễm arsenic (thạch tín). Vụ bê bối kinh hoàng này xảy ra năm 1955. Theo điều tra, công ty Morinaga trộn thạch tín với chất bảo quản disodium phosphate thông thường vào sữa.
|
Sản phẩm sữa của công ty sữa Morinaga nhiễm arsenic (thạch tín) gây rúng động xã hội Nhật Bản năm 1955. |
Hậu quả của việc trẻ em uống sữa nhiễm thạch tín của Morinaga đó là các em sẽ có những triệu chứng như tiêu chảy, nôn mửa cùng một số biểu hiện khó xác định. Theo số liệu thống kê, 13.400 nạn nhân bị ảnh hưởng và ít nhất 100 người tử vong sau khi dùng sản phẩm sữa nhiễm thạch tín của Morinaga.
Video bên trong nhà máy cung cấp thực phẩm quá hạn cho các cửa hàng ăn nhanh như McDonald, KFC, Pizza Hut của Công ty TNHH Phúc Hỷ (nguồn: Daily Mail):
Tâm Anh (tổng hợp)