Ngài Thân Trọng Huề, nguyên là thượng thư Bộ Binh, qua đời năm 1925, trong một bức thư đề ngày 3 tháng 3 năm ấy, đã viết "những hòn đảo này luôn luôn thuộc chủ quyền của nước An-Nam, việc này không có gì để bàn cãi cả”.
Số 151K-A Huế, ngày 22 tháng 01 năm 1929
Khâm sứ Trung Kỳ
Kính gửi Ngài Toàn Quyền Đông Dương,
HÀ NỘI
Tôi xin trân trọng báo tin Ngài biết tôi đã nhận thư số 103-A Ex đề ngày 12 tháng Giêng năm 1929 liên quan tời chủ quyền của Quần đảo Hoàng Sa.
Vấn đề này là một đề tài đã được nghiên cứu kỹ lưỡng năm 1925 sau chuyến đi khảo sát của ông giám đốc Viện Hải dương học và Ngư nghiệp Nha Trang.
Không có cái gì mới được phát hiện từ ngày ấy giúp giải quyết dứt điểm vấn đề chủ quyền còn tranh cãi, do đó tôi chỉ có thể trình bày lại với Ngài quá trình những sự kiện đã được khẳng định sau chuyến khảo sát nói trên.
Cái mê cung các hòn đảo nhỏ san hô và bãi cát tại đó đã làm cho các người di biển lo ngại. Quần đảo Hoàng Sa hoang vu và khô cằn được coi là đang còn “vô chủ” cho tới đầu thế kỷ trước.
Trong quyển sách viết về “Địa lý Nam Kỳ” dịch ra tiếng Anh và đăng trong “Báo của Hội châu Á xứ Bengale” năm 1838, Đức Ông Jean - Louis TABERD, giám mục xứ Isauropolis, giám mục tông tòa xứ Nam Kỳ, Cao Miên và Champa đã viết về việc Vua Gia Long đã từng đem quân ra chiếm đóng Quần đảo Hoàng Sa năm 1816 và đã làm lễ thượng kỳ lá cờ Nam Kỳ một cách long trọng tại đó.
Tuy nhiên vẫn còn có sự nghi ngờ về tính xác thực của sự kiện chính Vua Gia Long đã đích thân ra chỉ huy sự chiếm đóng Quần đảo thế nhưng sự việc này là có thực và đã được khẳng định trong các biên niên kỷ của Chính phủ An-Nam như là “Đại Nam Nhất Thống Chí” quyển 6, và “Nam Việt Địa Dư” quyển 2, về địa lý nước An-Nam xuất bản vào năm thứ 14 triều Vua Minh Mạng và sau cùng trong “Đại Nam Nhất Thống Chí” quyển 6 về “địa lý” dưới triều Vua Duy Tân.
|
Thực thi chủ quyền ở Hoàng Sa. Ảnh tư liệu. |
Những tài liệu nói trên được lưu giữ tại các thư viện của Chính phủ An- Nam đã cung cấp thêm cho chúng tôi nhiều chi tiết sau đây:
Trong những triều đại trước đây, một đội quân gồm 70 lính tuyển mộ trong dân chúng làng Vĩnh An đã được phái ra đóng đồn tại Quần đảo Hoàng Sa, lấy tên là “Đội Hoàng Sa”. Một đội khác mang tên “Độị Bắc Hải” được thành lập sau đó và được đặt dưới quyền chỉ huy của “Đội Hoàng Sa”
Vua Gia Long tổ chức lại những đội quân đóng tại Hoàng Sa nhưng sau đó lại cho rút về. Hình như về sau không tổ chức lại nữa.
Dưới triều Vua Minh Mạng có nhiều đoàn của Chính phủ được gửi ra nghiên cứu và khai thác tại Quần đảo. Một đoàn đã phát hiện một ngôi chùa cổ trong đó có ghi một hàng chữ.
Năm 1838, nhà Vua lại phái ra Quần đảo một đội thợ xây cùng các nguyên vật liệu để xây dựng một ngôi chùa và một tấm bia nhằm đánh dấu kỷ niệm sự có mặt của họ đã đến dây. Trong khi khảo sát địa điểm để xây dựng, họ đã phát hiện khoảng 2000 cân đồ vật khác nhau như đồng cán mỏng, sắt, gang v.v…, dấu tích chứng tỏ có sự hiện diện của những chủ nhân nào đó trên đảo trước đây.
Hiện tại lúc này, hình như nước An-Nam không còn liên lạc gì với Quần đảo Hoàng Sa. Nhiều ngư dân và các chủ ghe thuyền vùng ven biển hầu như không hề biết gì về các hòn đảo này và không ai tổ chức ra ngoài đó nữa.
Nhà nước được chúng ta bảo hộ đã khẳng định từ lâu đời chủ quyền của họ đối với Quần đảo Hoàng Sa, và ngài Thân Trọng Huề, nguyên là thượng thư Bộ Binh, qua đời năm 1925, trong một bức thư đề ngày 3 tháng 3 năm ấy, đã viết” những hòn đảo này luôn luôn thuộc chủ quyền của nước An-Nam, việc này không có gì để bàn cãi cả”.
(...)
Đã ký: Le FOLE
Sao y bản chính.
Có con dấu tròn ghi:
Phủ Toàn quyền Đông Dương - Cục Chính trị.
Người dịch: Thân Trọng Ninh (Huế)
-----------------------------------------------
* Bài viết được trích từ cuốn sách: "Kiên quyết giữ vững chủ quyền biển đảo Tổ quốc Việt Nam", NXB Văn hóa - thông tin (2014).