Tương truyền, cặp vợ chồng chủ nhân giàu có, quyền lực đã không tiếc tiền xây lăng mộ bằng hợp chất có thể bảo quản thi thể vĩnh hằng.
Kỉ vật hiếm hoi của thời đại còn sót lại
Ngày 18/4, UBND TP.HCM đã có quyết định công nhận
Khu lăng mộ họ Lâm ở công viên Tao Đàn là di tích cấp thành phố cần được bảo vệ. Lâu nay, mộ cổ này vẫn được xem là công trình độc đáo, tạo nét đặc trưng cho công viên Tao Đàn.
|
Toàn cảnh mộ cổ ở công viên Tao Đàn.
|
PV đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Phạm Đức Mạnh - Trưởng bộ môn Khảo cổ học, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) cùng nhóm khảo cổ đã dày công nghiên cứu, đề xuất khu lăng mộ này trở thành di tích. Theo PGS.TS Phạm Đức Mạnh, đây là ngôi mộ cổ mang kiến trúc khép kín được xây dựng kì công, có cấu trúc lăng song táng, quy mô thuộc dạng lớn nhất ở miền Nam còn lại đến bây giờ. Từ năm 1995, nhận thấy quá trình đô trị hoá diễn ra mạnh mẽ có thể làm biến mất nhiều di sản hiếm, ông Mạnh cùng các cộng sự đã quyết định sưu tầm tư liệu, nghiên cứu về mộ cổ Tao Đàn.
|
PGS.TS Phạm Đức Mạnh cho biết mộ cổ Tao Đàn là “kỉ vật” thời đại hiếm hoi còn sót lại.
|
Theo kết quả của Đoàn khảo cổ do PGS.TS Phạm Đức Mạnh dẫn đầu, khu lăng mộ Tao Đàn có quy mô kiến trúc lớn, chiều dài từ bình phong hậu đến trụ cổng ngoài hơn 11m, vị trí rộng nhất hơn 7,5m. Bên ngoài các vòng tường bao vây tạo thành ba cổng vào khu mộ chính.
Cấu trúc lăng gồm: Tiền sảnh, sân thờ và nhà mộ (tức phần hậu lăng). Nhìn tổng thể, khu lăng mộ họ Lâm thể hiện kiểu kiến trúc của nhà một gian hai chái, mái ngói ống đổ trước – sau theo trục mộ, dọc nóc lăng thể hiện hai khối tượng voi phục châu đầu vào mộ, chính giữa có hình đầu hổ (hổ phù) khá rõ nét.
Thủ thuật “giữ xác vĩnh hằng”
Về chất liệu, mộ cổ họ Lâm được xây dựng bằng ô dước, một loại hợp chất vật liệu xây dựng phổ biến thời bấy giờ. Trước đây ở miền Bắc, loại mộ được xây dựng bằng chất liệu ô dước và lối kiến trúc như lăng mộ nhà họ Lâm là dành cho hoàng tộc, sau đó theo chúa Nguyễn lan truyền vào miền Nam.
PGS.TS Phạm Đức Mạnh bật mí, mục đích của loại chất liệu ô dước nhằm “giữ xác vĩnh hằng”. Nhiều công trình nghiên cứu khoa học cho thấy, nhiều thủ thuật ướp xác đã được người xưa áp dụng trong các khu mộ ô dước, đến nay về cơ bản bị thất truyền.
|
Hai tấm bia chính ghi chép lại thân thế vợ chồng họ Lâm được cho là chủ nhân khu lăng mộ.
|
Lăng mộ nhà họ Lâm được nhận định xây dựng vào khoảng thế kỉ XVII đến XIX, sau thời
Vua Minh Mạng. Vì theo lý giải của ông Mạnh, công trình kì công như vậy chỉ có thể được xây dựng trong thời buổi hoà bình. Đối chiếu lại lịch sử, quãng thời gian trên ở miền Nam khá yên bình. Ngoài ra, cũng có tư liệu cho rằng khu mộ được xây dựng vào năm 1895.
Nhà khảo cổ Phạm Đức Mạnh cho biết: Căn cứ tìm hiểu khu lăng mộ là văn bia và nhiều nguồn khác như lời truyền tụng, thông tin từ những người được cho là hậu duệ họ Lâm. Tuy nhiên để có thông tin chính xác cần phải khai quật khu lăng mộ, mà điều này đến nay chưa được tiến hành.
Bí ẩn thân thế chủ nhân quyền lực
Về thân phận người an nghỉ dưới khu lăng mộ, như tên gọi mộ cổ họ Lâm lâu nay, PGS.TS Nguyễn Đức Mạnh cho biết: Căn cứ hoa văn, lối kiến trúc có thể đoán biết lăng mộ thuộc về người có quyền lực thời sinh tiền. Trên hai tấm đá vẫn còn hai dòng Hán văn ghi nội dung chi tiết. Bia tả (bia nằm bên trái nhìn từ cổng vào) ghi chữ “Đại Nam”, là quốc hiệu nước ta từ năm 1938, thời Vua Minh Mạng, tiếp theo là “Hiển khảo trọng giang (?) Ất Mùi (vị) (?) thu quyên (?) chủ húy tự trường Lâm Tam Lang chi mộ”; tạm dịch nghĩa là: “Mộ cha là con trai thứ ba Lâm gia”. Còn dòng Hán văn ghi trên bia hữu tạm dịch là: “Mộ mẹ…. vợ nhà họ Lâm”.
PGT.TS Phạm Đức Mạnh cho biết, căn cứ vào cứ liệu trên bia mộ cũng như tư liệu dân gian (thông tin từ những bậc hậu duệ của người an nghỉ dưới mộ), đây là mộ phần ông Lâm Tam Lang, tự “Nguyên thất”. Ông là người gốc Quảng Đông di cư sang Việt Nam sinh sống, trở thành người Việt gốc Hoa, mất vào mùa thu Ất Mão (1795), còn bà vợ tên là Mai Thị Xã.
Dòng họ Lâm là dòng họ phổ biến hồi thế kỉ XVII ở Trung Hoa, sống tập trung ở Phúc Kiến và Đài Loan. Đây cũng là dòng họ phổ biến vào thế kỉ XIX ở Nhật Bản và đã xuất hiện ở Việt Nam. Tương truyền, hậu duệ đời thứ tư của ông Lâm Tam Lang là cụ Lâm Quang Ky – Phó lãnh binh của anh hùng dân tộc
Nguyễn Trung Trực, đã góp phần không nhỏ trong trận chiến thắng Nhật Tảo lẫy lừng.
Hậu duệ đời thứ bảy là ông Lâm Đình Phùng lại không theo nghiệp binh đao, là nhạc sỹ Lam Phương, bắt đầu sáng tác nhạc khi mới 13 tuổi. “Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu để tìm ra chính xác nhất thân thế những người an nghỉ dưới mộ cổ, giúp mọi người có cái nhìn sâu rộng hơn về một di tích thuộc hàng độc đáo”.
Theo Pháp luật Việt Nam