Tiết lộ phi công đầu tiên lái chuyên cơ chở Bác Hồ

Google News

Đại tá Nguyễn Khắc Nhâm đã hé lộ những điều chưa biết về chuyến bay chuyên cơ chở Bác Hồ sang Quế Lâm, Trung Quốc vào năm 1960.

Chiếc chuyên cơ IL14VN-C482 từng là đề tài nóng thu hút sự chú ý của báo giới trong và ngoài nước. Chiếc chuyên cơ IL14VN-C482 từng được Quân Nhân Việt Nam sử dụng trong kháng chiến chống Mỹ và chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam.

Điều đặc biệt, trên chiếc máy bay đó, lần đầu tiên phi công Việt Nam được vinh dự chở Bác đi nước ngoài...
Chuyến bay hạnh phúc
Có dịp gặp gỡ đại tá Nguyễn Khắc Nhâm, cựu thành viên của đoàn bay trung đoàn 919, Bộ tư lệnh phòng không không quân, phóng viên may mắn được lắng nghe kể về chuyễn bay chở Bác Hồ sang Quế Lâm (Trung Quốc).
Đại tá Nguyễn Khắc Nhâm nay đã 80 tuổi nhưng vẫn rất minh mẫn. Ông sống cùng vợ và các con trong ngôi nhà nhỏ trên đường Nguyễn Văn Cừ, Hà Nội. Ông giống như hình dung của phóng viên về một phi công thời chiến: thân hình cao lớn, vạm vỡ, nước do ngăm đen và giọng nói vô cùng trầm ấm.
Rót chén trà lớn mời khách, vị đại tá về hưu cẩn trọng lật từng trang nhật ký ghi lại tỉ mỉ hành trình mà ông gọi là “ chuyến bay hạnh phúc nhất đời phi công” của mình để bắt đầu câu chuyện. Ông Nhâm nhớ như in cái khoảnh khắc năm 1960 khi nhận chỉ thị đưa Bác Hồ đi Quế Lâm. Chuyên cơ được chọn có số hiệu IL14VN-C482 đó là chiếc máy bay do nước bạn Liên Xô (cũ) tặng Việt Nam vào năm 1958.
Từ khi nhận lệnh, ông Nhâm bắt đầu quá trình nghiên cứu và cùng các thành viên trong đoàn bay tích cực chuẩn bị. Đồng hành cùng ông còn có lái phụ Nguyễn Quang Bốn, cơ giới Trần Ngọc, thông tin viên Hồ A, dẫn đường Nguyễn Cảnh Phiên, chiêu đãi viên Nguyễn Phi Phượng và một người dẫn đường Trung Quốc. Bồi hồi nhớ lại, người bạn dã chiến nhớ lại một thời, ông mói: “ Chiếc máy bay Việt Nam được Liên Xô cũ tặng là chuyên cơ thế hệ cũ. Động cơ pittong cánh quat, trọng tải cất cánh tối đa 18 tấn, độ cao trung bình lúc  bay là 7000m. Và đặc biệt là lái hoàn toàn bằng cơ năng cho nên việc điều chỉnh, lái rất khó. Người lái phải thật tập trung và chuyên nghiệp mới có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ”.
Vị đại tá về hưu tâm sự với ánh mắt đấy tự hào: “Trước đó, lái chuyên cơ phục vụ Bác Hồ đều là những phi công Liên Xô. Tôi và đoàn bay vinh dự được nhận nhiệm vụ đó. Với những kinh nghiệm trước đó đã từng chở các đồng chí Lê Thanh Nghị, Phạm Văn Đồng đi Bắc Kinh, Vũ Hán..., ông Nhâm càng thêm tự tin mình có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Sau bao mong ngóng, ngày ông Nhâm và đoàn bay được đồng hành cùng Bác sang Quế Lâm cũng đến. Trước đó, ông được biết, chuyến bay này Bác đi nghỉ mát ở Quế Lâm và thăm những người bạn chiến đấu ở đây. Cùng đi với Bác chỉ có đồng chí Vũ Kỳ. Buổi sáng hôm đó ở sân bay Gia Lâm, thời tiếp đẹp vô cùng. Đúng 8h, chiếc chuyên cơ IL14VN – C482 bắt đầu cất cánh từ sân bay Gia Lâm, qua cửa khẩu Lạng Sơn đến Nam Ninh, Trung Quốc”. Bình thường, các chuyến bay khác phải quá cảnh ở Nam Ninh để kiểm tra rồi tiếp tục hành trình. Tuy nhiên, chuyến bay của Bác được ưu tiên nên bay thẳng đến sân bay Quế Lâm (Trung Quốc).
 Ảnh minh họa.
Cú tiếp đất ấn tượng

Nói là sân bay nhưng nơi đây không được sử dụng thường xuyên và nằm trong một thung lũng. Sân bay Quế Lâm là một sân bay cỏ, không có máy bay hoạt động thường xuyên và được trang bị thiết bị cất hạ cánh. Khi đoàn bay đến, sân bay đã kẻ sẵn một đường vôi trắng để định hướng. Điều kiện hạ cánh vô cùng khó khăn và khi chỉ ở độ cao chừng 1000m thì phi công mới nhìn thấy sân bay trong làn sương khói. Trước khi hạ cánh, Bác Hồ có bày tỏ mong muốn tổ bay bay thêm một vòng quanh sân bay để Bác ngắm cảnh Quế Lâm từ trên cao. Tuy nhiên, vì điều kiện thời tiết quá xấu, tầm quan sát vô cùng hạn chế, không nhìn rõ ở dưới và đặc biệt vì sự an toàn của Bác nên đoàn bay không dám mạo hiểm mà hạ cánh ngay theo đúng lịch trình.
Sau hơn 2 tiếng đồng hồ bay, khoảng 10h30, chiếc chuyên cơ đã đáp xuống Quế Lâm. Đến Quế Lâm, 3 ngày đầu Bác đi thăm động Quế Lâm. Đoàn vinh dự được đi theo cùng Bác. Những ngày còn lại, Bác đi thăm căn cứ hoạt động trước đây cùng những người bạn cũ.
Vốn nghe kể về lãnh tụ nhiều, nhưng được ăn cơm, được sinh hoạt cùng Bác dù chỉ trong quãng thời gian ngắn ngủi, ông Nhâm thấy đáng quý vô cùng. Nó như một minh chứng thực tế cho những lời ca ngợi bấy lâu nay ông được nghe về Bác – một vĩ nhân kiệt xuất của dân tộc nhưng lại rất đỗi giản dị và gần gũi với nhân dân. Ông Nhâm vẫn nhớ, dù đi 7 ngày nhưng đồ đạc của Bác chỉ vỏn vẹn gói trong chiếc vali nhỏ được đồng chí Vũ Kỳ xách theo phia sau. Trang phục của Bác cũng rất giản dị, bên trong, Bác mặc một bộ quần áo màu nâu, bên ngoài vận một chiếc áo kaki và đi chiếc dép cao su.
Mỗi bữa cơm đến, cả tổ bay được ngồi ăn cùng Bác trong một căn phòng ấm cúng. Bác ân cần hỏi thăm sức khỏe, tình hình gia đình của các anh chị em trong tổ lái. Bác còn căn dặn, động viên từng người cố gắng học tập, rèn luyện để trở thành người lái máy bay tốt. Biết anh em trong đoàn đều là những người trẻ, tính tình sôi nổi nên Bác thưởng cho mỗi người một chén rượu rắn. Hiểu được tâm lý của anh em, nhưng vị cha già cũng không quên dặn dò mọi người phải luôn giữ được sự tỉnh táo, đặc biệt khi tham gia công việc không được uống nhiều rượu. Có lẽ, đó là chén rượu ấm nồng và thơm ngon nhất mà ông Nhâm từng uống.
Sau khi về, để động viên tổ bay, Bác Hồ còn chiêu đãi tổ bay ở nhà khách Chính phủ. Được công nhận đây là chuyên bay người Việt Nam đầu tiên chở Bác Hồ đi nước ngoài, ông và đồng nghiệp vô cùng vui sướng. Ông Nhâm rưng rưng: "Lúc ấy, tôi và anh chị em vô cùng hạnh phúc. Lần đầu tiên tổ bay Việt Nam được chở vị lãnh tụ của mình trên chiếc chuyên cơ đó đi nước ngoài. Điều đó cho thấy, sự phát triển của ngành hàng không, đã có thể tự tin gánh vác những trọng trách lớn lao".
Sau khoảng thời gian lái chuyên cơ, ông Nhâm lại tiếp tục phục vụ cho ngành hàng không với những chuyến bay dân dụng đi Vinh, Đồng Hới... Đặc biệt, trong chiến đấu, ông còn tiếp tế, thả gạo và chở quân sang chiến trường Lào. Ông vinh dự được Chính phủ Lào tặng bằng khen danh giá vì đã có công lao đóng góp cho cách mạng Lào trong thời kỳ 1945-1975.
Sau những tháng năm chinh chiến, cùng đồng đội góp sức giành lại những khoảng trời bình yên cho đất nước, ông lại tiếp tục động viên con mình nối nghiệp cha. Những người con của ông cũng đang tiếp tục phục vụ cho ngành hàng không nước nhà. "Người bạn" một thời gắn bó biết bao kỷ niệm với ông - chuyên cơ IL14VN - C482 sau hai lần phục chế đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam để người dân và du khách tham quan. Mỗi dịp rảnh rỗi hay những ngày lễ tết, ông Nhâm lại cùng đồng đội sang thăm chiếc chuyên cơ như để ôn lại những kỷ niệm một thời oanh liệt.
Theo Đời sống Pháp luật