Tính cách có do “trời sinh“?: Đâu là đức tính đầu tiên?

Google News

(Kiến Thức) - Tính cách - thuộc tính của nhân cách được chịu ảnh hưởng từ bốn yếu tố (di truyền, môi trường sống, giáo dục, sự tự ý thức). 

Vậy nhưng, nét tính cách nào dễ hình thành và thường được hình thành sớm nhất?
Ở tuổi nào thì "lý tưởng" cho việc can thiệp xây dựng tính cách? Phân tích của các chuyên gia sẽ giúp các bậc cha mẹ nhận biết để xây dựng được tính cách như mong muốn ở trẻ.
Nhân ái, quảng giao hay tàn nhẫn, ích kỷ?
Trong cuốn Bài giảng Tâm lý học đại cương, Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, các tác giả Khoa Tâm lý học cho rằng, lòng nhân ái, lòng vị tha, tính quảng giao và các nét tính cách ngược lại như lãnh đạm/thờ ơ, lạnh lùng/nhẫn tâm, ích kỷ được hình thành sớm nhất ở trẻ. Chúng có thể được hình thành ngay từ những tháng đầu tiên của cuộc đời. Yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến sự hình thành những nét tính cách tích cực và tiêu cực này được chỉ ra là do phụ thuộc phần lớn vào sự gắn bó mẹ - con (hoặc giữa trẻ và người nuôi dưỡng) trong giai đoạn đầu đời và suốt cả thời ấu thơ. 
Tiếp đó, những nét tính cách như yêu lao động, cẩn thận, tinh thần trách nhiệm, tính kiên trì... thường được hình thành trong giai đoạn ấu thơ (từ 2 - 6 tuổi). Chúng được hình thành thông qua hoạt động vui chơi và các công việc nhà mà trẻ được cha mẹ giao cho. Các yếu tố ảnh hưởng đến sự hình thành những nét tính cách này là sự đa dạng và phong phú của trò chơi, sự vừa sức và phù hợp của các công việc nhà mà trẻ phải đảm nhận và không kém phần quan trọng là sự động viên, khích lệ của người lớn. Trong giai đoạn này, trẻ sẽ hình thành những nét tính cách mà thường xuyên được củng cố (củng cố tích cực: lời khen, các cử chỉ âu yếm, phần thưởng, hình phạt hợp lý...; củng cố tiêu cực: sự không nhất quán, hình phạt không hợp lý...).
 Ảnh minh họa.
Tính cách thay đổi từ bậc tiểu học
Cũng theo các tác giả Khoa Tâm lý học, ở giai đoạn tiểu học, sự hình thành tính cách phụ thuộc rất nhiều vào số lượng và chất lượng giao tiếp của trẻ với thầy (cô) và bạn bè cùng trang lứa. Vì thế, những nét tính cách nào đã được hình thành trong gia đình nếu nhận được sự củng cố ở trường học sẽ trở nên bền vững và có thể duy trì trong suốt cả quãng đời về sau. Ngược lại, nếu không có sự củng cố từ trường học thì sẽ dần dần diễn ra sự thay đổi tính cách ở trẻ. Quá trình thay đổi này thường xuyên đi kèm với các mâu thuẫn, xung đột cả bên trong lẫn bên ngoài, kết quả là không phải bao giờ các nét tính cách tích cực cũng "chiến thắng" mà thường có sự thỏa hiệp giữa các nét tính cách đã được hình thành trong gia đình và những gì trẻ trải nghiệm ở trường học.
Còn ở giai đoạn vị thành niên thì các đặc điểm ý chí của tính cách được hình thành mạnh mẽ nhất so với các đặc điểm khác. Một trong những điều kiện thuận lợi để hình thành nên những đặc điểm này là thiếu niên phải được tham gia vào nhiều hoạt động khác nhau, các hoạt động đó đòi hỏi phải có sự nỗ lực cố gắng thì mới hoàn thành (học tập, thể dục, thể thao...). Trong giai đoạn tiền thanh niên, các đặc điểm tính cách cơ bản của nhân cách như quan điểm về đạo đức, thế giới quan và nhân sinh quan, lý tưởng... bắt đầu được hình thành. Nhìn chung, kết thúc tuổi học đường (17 - 18 tuổi), tính cách của trẻ đã hình thành về cơ bản. Những gì diễn ra và thay đổi về sau trong suốt quá trình sống khó có thể thay đổi hoàn toàn tính cách đã được định hình trước đó. 
Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là từ thời điểm này tính cách của con người bất biến mà ngược lại, nó có thể phát triển và thay đổi. Sự thay đổi này không đi ngược lại hoàn toàn tính cách trước đó (trừ một số ít trường hợp đặc biệt, khi con người gặp phải những biến cố rất lớn trong cuộc đời mở ra một cánh cửa hoàn toàn mới đối với họ). Khi bước sang tuổi trưởng thành, cá nhân chính là "nhạc trưởng" trong tính cách của họ bởi ở giai đoạn này, tính cách của con người phụ thuộc vào thế giới quan, nhân sinh quan, niềm tin, lý tưởng, thói quen và các hành vi họ thực hiện trong các hoạt động lao động, hoạt động sống cùng với môi trường diễn ra các hoạt động đó.
Như vậy, ở mỗi giai đoạn phát triển sẽ tương ứng với những nét tính cách đặc trưng, tính cách có thể thay đổi từ bậc tiểu học. Vậy giai đoạn nào thì được cho là "lý tưởng" để can thiệp vào việc xây dựng tính cách?
 Ảnh minh họa.
Tuổi nào "lý tưởng" để can thiệp tính cách?
Theo TS Nguyễn Văn Lượt, Khoa Tâm lý học, Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, các nhà tâm lý học chỉ ra rằng, giai đoạn nhạy cảm nhất để hình thành tính cách của cá nhân là từ 2, 3 - 9, 10 tuổi. Lứa tuổi này trẻ em tham gia rất tích cực vào quá trình giao tiếp với người lớn cũng như bạn bè cùng trang lứa. Với những đặc điểm tâm lý lứa tuổi đặc trưng như rất cởi mở, hồn nhiên, trẻ em hòa nhập mạnh mẽ vào các mối quan hệ, tích cực tương tác, chấp nhận và bắt chước tất cả mọi người xung quanh, mọi sự vật, hiện tượng xung quanh và trong mọi tình huống. 
Đặc biệt, phong cách giao tiếp giữa những người lớn với nhau, giữa người lớn với trẻ em và mẫu hành vi của người lớn có ảnh hưởng rất lớn đến sự hình thành tính cách của trẻ.
Cùng chung quan điểm, TS Nguyễn Hồng Thuận, Trung tâm Nghiên cứu Tâm lý học và giáo dục học, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho rằng, việc uốn nắn trẻ càng sớm càng tốt. Bởi ngay từ khi 3 tuổi, trẻ đã nhận thức được về mình, biết mình là ai, ở vị trí nào, người xung quanh mình thế nào... Trẻ cũng đã bắt đầu biết nhận xét, so sánh bản thân và người khác. Do vậy, ở tuổi này, việc can thiệp vào tính cách của trẻ là rất cần thiết và hiệu quả. Nhưng nói thế không có nghĩa là trước đó, cha mẹ không cần hướng tới việc uốn nắn, tạo dựng cho trẻ những kỹ năng, giúp trẻ hiểu được hành vi, thái độ, lời nói của mình bởi việc giáo dục này cần phải thường xuyên, liên tục từ khi trẻ bắt đầu biết nhận thức. 
TS Nguyễn Hồng Thuận cũng lưu ý, phải tùy từng lứa tuổi mà cha mẹ, thầy cô có cách can thiệp phù hợp để xây dựng tính cách của trẻ. "Không thể giáo dục đứa trẻ về hướng nghiệp, về lý tưởng sống khi chúng còn quá nhỏ. Nói thế để thấy rằng, sự hiểu biết để lựa chọn thời điểm giáo dục trẻ là điều rất quan trọng", bà Thuận nhấn mạnh.

"Có thể can thiệp để trẻ mang tính cách ưu việt (tích cực) của bố mẹ bằng cách người lớn muốn hình thành tính cách gì ở trẻ thì phải giáo dục trẻ những tính cách đó qua hoạt động, giao tiếp hằng ngày với trẻ. Ví dụ, để hình thành lòng nhân ái, lòng vị tha ở trẻ thì cha mẹ, thầy cô phải làm gương trước, có tình yêu thương với những người khó khăn cơ nhỡ, giúp đỡ người nghèo khó vượt qua khó khăn, hoạn nạn... Thông qua đó, nét tính cách tích cực này sẽ được trẻ quan sát, bắt chước và làm theo, trở thành một phần trong tính cách của trẻ sau này. Đây có thể gọi như là một sự "di truyền tâm lý" chứ không thể là di truyền sinh học".

TS Nguyễn Văn Lượt
Thanh Thủy

BÌNH LUẬN CỦA ĐỘC GIẢ

Mẹ bé Bi -

Giáo dục từ nhỏ
Lòng nhân ái, lòng vị tha, tính quảng giao và các nét tính cách ngược lại như lãnh đạm/thờ ơ, lạnh lùng/nhẫn tâm, ích kỷ được hình thành sớm nhất ở trẻ. Cho nên các mẹ hãy tạo cho con những thói quen tích cực ngay từ nhỏ sẽ giúp các cháu phát triển lành mạnh hơn

Mình là Hoy -

Giáo dục và môi trường ảnh hưởng tới việc hình thành tính cách trẻ
Không thể nói tính cách là do trời sinh. Chính giáo dục và môi trường sống sẽ ảnh hưởng tới việc hình thành tính cách của trẻ

Hải Anh -

người lớn phải làm gương trước
Để hình thành lòng nhân ái, lòng vị tha ở trẻ thì cha mẹ, thầy cô phải làm gương trước, có tình yêu thương với những người khó khăn cơ nhỡ, giúp đỡ người nghèo khó vượt qua khó khăn, hoạn nạn... Thông qua đó, nét tính cách tích cực này sẽ được trẻ quan sát, bắt chước và làm theo, trở thành một phần trong tính cách của trẻ sau này

Tuyết Mai -

Trẻ nhận thức về mình từ rất sớm
Từ khi 3 tuổi, trẻ đã nhận thức được về mình, biết mình là ai, ở vị trí nào, người xung quanh mình thế nào... Trẻ cũng đã bắt đầu biết nhận xét, so sánh bản thân và người khác. Do vậy, ở tuổi này, việc can thiệp vào tính cách của trẻ là rất cần thiết và hiệu quả

Vũ Hòa -

Người lớn phải làm gương
"Phong cách giao tiếp giữa những người lớn với nhau, giữa người lớn với trẻ em và mẫu hành vi của người lớn có ảnh hưởng rất lớn đến sự hình thành tính cách của trẻ". Cái này chuẩn luôn nè, trẻ có đứng đắn đàng hoàng mà lớn lên hay hư hỏng mất nết cũng là từ đây mà ra chứ đâu

Bin Nguyễn -

thay dổi tính cách
tính cách hình thành ngay từ khi sinh ra và nó thay dổi theo cách giáo dục, môi trường sống

Mai Hương -

ảnh hưởng đến tính cách
môi trường sống, sự giáo dục của cha mẹ, tương tác giữa cha mẹ và con cái ảnh hưởng không nhỏ đến tính cách của con người

Hiển thị thêm bình luận