Tò mò chuyện đèn sách của trẻ em cổ đại

Google News

(Kiến Thức) - Không chú trọng truyền đạt kiến thức, bộ tộc chiến binh Sparta dạy bọn trẻ cách để sinh tồn.

1. Một số trẻ em được ban đặc ân đến trường chứ không phải là quyền lợi
Trẻ em Anglo-Saxon trong bức ảnh này đang được một thầy tu ban đặc ân tiếp cận với nền giáo dục để thoát kiếp nô lệ. Điều này có ý nghĩa quan trọng đối với người cổ đại giống như việc trúng số ngày nay. 
Vào thời kỳ này, giáo dục chủ yếu là đặc quyền của các gia đình giàu có thuộc tầng lớp thượng lưu.
Hầu hết trẻ em không nhận được bất cứ hướng dẫn nào khi bước ra khỏi nhà. Có thời gian đi học đồng nghĩa với việc các em sẽ không phải lao động chân tay. Nếu là bé gái, dù xuất thân trong gia đình giàu có cũng ít hy vọng được cắp sách đến trường.
Vì vậy, nếu không tham gia bất kỳ hoạt động giáo dục chính thức nào thì chắc chắn các em sẽ phải lao động khổ sai cho đến hết đời.
2. Sparta
Một bức tượng về vua Leonidas. Ông có thể là người nổi tiếng nhất về hệ thống giáo dục của dân tộc chiến binh Sparta. 
Ở Sparta, trẻ em sẽ bắt đầu tiếp nhận nền giáo từ khi 7 tuổi. Khi đó, các bé trai sẽ được tiếp nhận nền giáo dục của nhà nước. Cụ thể, các em sẽ được giảng dạy, huấn luyện để trở thành chiến binh phục vụ trong quân đội cho đến hết cuộc đời.
Nền giáo dục của người Sparta không tập trung vào các bộ môn nghệ thuật và khoa học giống như chương trình giảng dạy cho học sinh ngày nay. Thay vào đó, bé trai Sparta sẽ được giảng dạy theo chương trình gọi là agoge bao gồm: đọc, viết và âm nhạc. Tuy nhiên, người hướng dẫn tập trung giảng dạy cho các em bộ môn luyện tập, nâng cao thể lực. Đồng thời, các em được dạy cách sinh tồn. Ví dụ như chương trình đào tạo của người Sparta không cung cấp đủ thức ăn cho các em. Do đó, họ khuyến khích các em ăn trộm thực phẩm nếu vẫn còn đói khát. Các em sẽ sống trong quân ngũ cho đến khi trở thành công dân đầy đủ, khi đã 30 tuổi.
Các cô gái Sparta sẽ không nhận được bất kỳ hình thức giáo dục chính thức nào của nhà nước. Tuy nhiên, họ được hưởng quyền tự chủ cao hơn so với những phụ nữ của các thành bang Hy Lạp khác. Cụ thể, họ dự kiến được đào tạo để quản lý bất động sản gia đình. Điều này đồng nghĩa với việc họ được dạy đọc và viết chữ cũng như làm thế nào để kiểm soát tài sản đang nắm giữ. Họ cũng nhận được khóa rèn luyện thể chất để có cơ thể khỏe mạnh.
3. Athens
 Euclid xuất hiện cùng các học sinh trong bức tranh "The School of Athens" của họa sĩ Italy thời kỳ Phục hưng Raphael. 
Nếu như dân tộc chiến binh Sparta cung cấp hệ thống giáo dục cho trẻ em tương đương với học viện quân sự thì người Athens - đối thủ chính trị của họ lại dạy học sinh theo mô hình giống như một trường học nghệ thuật. Trong khi người Sparta muốn đào tạo ra những chiến binh xuất sắc thì người Athens lại tập trung vào việc đào tạo về tư tưởng.
Ngay từ khi còn nhỏ, trẻ em Athens đã được dạy đọc và viết. Khoảng 7 tuổi - khoảng thời gian mà một cậu bé Sparta sẽ bắt đầu tiếp nhận huấn luyện trong các doanh trại quân sự thì trẻ em Athens sẽ theo học tại các trường tư nhân với chi phí thấp mà ngay cả người dân nghèo cũng có thể đến trường. Các bé trai được dạy âm nhạc, thi ca, triết học, toán học... Khi lên 14 tuổi, các em còn có cơ hội học lên cao hơn ở bậc trung học.
Giáo dục thể chất cũng là một phần quan trọng của chương trình giảng dạy để các em có thể trở thành công dân toàn diện. Chương trình giáo dục này còn nhằm mục đích đảm bảo cho Athens không rơi vào tình thế bất lợi trong các cuộc chiến. Tuy nhiên, họ vẫn đặt vai trò của trí tuệ lên cao hơn.
Giống như Sparta, chỉ có các bé trai được tiếp nhận nền giáo dục chính thức trong khi các bé gái được dạy dỗ ở nhà.
4. Ai Cập
Trẻ em sinh trưởng trong gia đình giàu có hay thuộc tầng lớp quý tộc mới được dạy đọc và viết.
Người Ai Cập cổ đại có nền giáo dục khá cao. Bé trai sinh ra trong gia đình lao động thường được cha đào tạo, dạy dỗ. Những bé gái sẽ được mẹ truyền dạy để thành thục việc nhà như nấu ăn, may vá và sản xuất bia. Nói cách khác, các chàng trai thường đi theo bước chân của cha và những cô gái đi theo con đường của mẹ.
Trẻ em trong gia đình giàu có sẽ được đến trường và về sau sẽ làm việc cho chính quyền hoặc phục vụ như một linh mục trong nhà thờ. Khóa học của các em khá giống với chương trình đào tạo dành cho sinh viên ngày nay bao gồm các môn học như lịch sử, toán học, âm nhạc, khoa học...
5. Ấn Độ
Nền giáo dục ở Ấn Độ trong thời kỳ Vệ Đà (năm 1500 trước công nguyên - 500 trước công nguyên) không chỉ tập trung vào việc rèn luyện trí tuệ hay thể chất mà còn chú trọng đến vấn đề phát triển tâm linh. Thông qua nghiên cứu Kinh Vệ Đà và Kinh Thánh theo đạo Hindu, trẻ em sẽ được dạy đọc và viết cũng như tìm hiểu về logic, thơ và nhiều thứ khác. Trọng tâm của giáo dục là phát triển bản thân và ngôn ngữ.
Hệ thống Gurukul là nơi mà một giáo viên giảng dạy, giao tiếp với từng học sinh. Ban đầu, nền giáo dục Ấn Độ dự định sẽ miễn phí để trẻ em thuộc mọi tầng lớp xã hội có điều kiện cắp sách đến trường nhưng sự phân tầng đẳng cấp xã hội vẫn gây khó khăn cho những đứa trẻ có xuất thân từ giai tầng thấp trong việc tiếp thu tri thức.
6. Trung Quốc
 Cận cảnh Dacheng Hall tại một đền thờ Khổng Tử ở Qufu. 
Học sinh Trung Quốc từ hàng nghìn năm trước đã phải học thuộc lòng hàng chục ngàn ký tự để có thể viết bằng ngôn ngữ của chính mình. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi hệ thống giáo dục của người Trung Quốc cổ đại tập trung vào việc ghi nhớ.
Vào khoảng năm 770 trước công nguyên, các văn bản Nho giáo, đặc biệt là Tứ thư và Ngũ Kinh đóng vai trò nền tảng trong hệ thống giáo dục trên khắp đất nước Trung Quốc. Học sinh phải nghiên cứu những cuốn sách này và ghi nhớ chúng từng dòng, từng trang.
Giống như những nền văn hóa khác, giáo dục ở Trung Quốc thời cổ đại là nơi mà chỉ có con cái của những gia đình giàu có, quyền thế mới có đủ khả năng theo học. Họ sẽ bắt đầu học tập từ khi 6 tuổi và học 10 giờ/ngày để chuẩn bị cho kỳ thi quốc gia. Kỳ thi đó được tổ chức lần đầu tiên trong triều đại nhà Tùy (581-618).
Nhật Anh (theo Discovery)