Con ngõ yên tĩnh của đường Nguyễn Viết Xuân như tách biệt với Hà Nội ồn ào, náo nhiệt. Người đàn ông tóc đã ngả màu thong dong đẩy chiếc xe nôi. Ông lại khựng, ngước mắt nhìn bầu trời xanh qua khoảng trống giữa những ngôi nhà 3-4 tầng khang trang, hiện đại.
Đã 40 năm trôi qua, thế nhưng những ký ức hào hùng về trận ném bom sân bay Tân Sơn Nhất ngày 28/4/1975, của Đại tá, cựu Phi công Nguyễn Văn Lục - Phi đội trưởng “Phi đội Quyết thắng”Trung đoàn Không quân 923 (Sư đoàn 371) vẫn như ngày hôm qua.
Phá tan âm mưu nhuộm máu Sài Gòn
Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, Mỹ buộc phải rút quân về nước, chấm dứt sự hiện diện trên lãnh thổ miền Nam Việt Nam. Mỹ vẫn để lại hơn 10.000 cố vấn quân sự ở Sài Gòn dưới vỏ bọc dân sự. Trong những năm cuối của chế độ cũ, Mỹ vẫn viện trợ quân sự cho Sài Gòn hàng tỷ đô la cùng nhiều khí tài quân sự.
Đại tá Lục cho biết: Sau khi Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân nhận được chỉ thị từ Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh – Đại tướng Văn Tiến Dũng quyết định sử dụng không quân để tấn công vào sào huyệt cuối cùng của địch tại Sài Gòn. Sau đó, giao cho Bộ tư lệnh QCPKKQ đã ra quyết định sử dụng máy bay A-37 thu được của địch để tấn công địch, tạo yếu tố bất ngờ.
Khi đó, Phi đội 4 (là phi đội thiện chiến, dày dặn kinh nghiệm chiến đấu nhất, 3 lần đạt đơn vị anh hùng) Trung đoàn Không quân 923 (Sư đoàn 371) được giao nhiệm vụ không kích sân bay Tân Sơn Nhất.
Lúc 14 giờ 30 chiều 28/4, Tư lệnh QCPKKQ trực tiếp ra mệnh lệch chiến đấu. “Các đồng chí là những người đại diện cho lực lượng chiến đấu của QCPKKQ. Nhiệm vụ rất nặng nề nhưng cũng rất vẻ vang. Chúc các đồng chí hoàn thành nhiệm vụ và thắng lợi trở về. Và từ giờ phút này trở đi, phi đội mang tên Phi đội quyết thắng.”
“Kể từ đó, Phi đội quyết thắng ra đời”, người cựu binh tâm sự.
|
Đại tá Nguyễn Văn Lục. |
Kế hoạch ném bom sân bay Tân Sơn Nhất phải đảm bảo 2 yếu tố: Thứ nhất, phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho Phái đoàn quân sự của ta đang có mặt ở trại Davis (nơi đặt trụ sở của hai phái đoàn đại biểu quân sự của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam thi hành Hiệp định Paris 1973). Trại này chỉ cách mục tiêu ném bom 300m.
Thứ hai, chỉ ném bom vào khu để máy bay chiến đấu, không được ném bom đường băng cất, hạ cánh.
Không ném bom vào đường, bởi đây là con đường sống cuối cùng của chính quyền Sài Gòn. Nếu cắt đứt “mạch sống” này Sài Gòn sẽ bị cô lập trong vòng vây của quân ta hoàn toàn. Khi đó, chúng không còn cách nào khác là tử thủ cho đến người cuối cùng. Như vậy, thương vong cho cả 2 bên sẽ cực kỳ lớn.
Đây cũng chính là âm mưu của cố vấn Mỹ, họ đứng đằng sau để lập một phòng tuyến quanh Sài Gòn bằng tàn dư quân đội ngụy quyền còn sót lại. Khi đường sống cuối cùng là hàng không bị phá hủy, quân đội Sài Gòn chỉ còn cách tử thủ. Mỹ muốn Sài Gòn sẽ nhuộm trong máu, nếu quân ta có chiến thắng thì Sài Gòn khi đó chỉ còn là đống đổ nát sau cuộc giao tranh khốc liệt.
“Tuy nhiên, việc ta quyết định không ném bom đường băng đã phá tan những toan tính của cố vấn Mỹ. Việc để cho quân địch một con đường sống cũng là giá trị nhân văn, truyền thống nhân đạo của quân đội và dân tộc ta”, ông Lục nhấn mạnh.
Sau trận ném bom Tân Sơn Nhất, Sài Gòn đã có một cuộc di tản khổng lồ bằng đường không. Qua đó, không tốn thêm xương máu, thành phố Sài Gòn không bị tàn phá, bảo đảm nguyên vẹn…
Trận đánh có 1-0-2 trong lịch sử quân sự thế giới
Sáng ngày 22/4/1975, Phi đội 4 nhận lệnh cơ động vào Nam. Khoảng 14 giờ 30 phút, chiếc máy bay vận tải rời đường băng, sau đó đáp xuống sân bay Đà Nẵng. Đại tá Trần Mạnh - Phó tham mưu trưởng Quân chủng Phòng không - Không quân giao nhiệm vụ cho phi đội: Tổ chức huấn luyện chuyển loại trên máy bay A-37 thu được của địch ngay ngày mai.
Ngay sáng hôm sau, phi đội tổ chức học lý thuyết, tìm hiểu tính năng, tác dụng cùng các trang thiết bị của máy bay A-37 với sự giúp đỡ của hai phi công của chính quyền cũ đã trở về với cách mạng là Trần Văn On, Trần Văn Xanh và một số thợ máy khác. Khó khăn đầu tiên mà các phi công của ta gặp phải đó là toàn bộ các thiết bị trên máy bay A-37 đều thuyết minh bằng tiếng Anh, mà ngoài phi công Nguyễn Thành Trung (người được tổ chức cách mạng cài vào hàng ngũ địch, đã được đào tạo 2 năm tại Mỹ), các phi công còn lại đều không thông thạo ngôn ngữ này. Cái khó ló cái khôn, phi công của ta đã yêu cầu thợ máy dịch các chữ đó ra tiếng Việt, sau đó viết ra giấy decan và dán đè lên phần chữ tiếng Anh.
Trong khi thông thường phải cần đến 6 tháng để chuyển loại máy bay nhưng do yêu cầu nhiệm vụ vô cùng khẩn cấp, Phi đội đã học lí thuyết trong 1 ngày và thực hành bay chỉ trong 2 ngày rưỡi.
Đại tá Nguyễn Văn Lục nhấn mạnh: “Có thể nói đây là một khóa học đặc biệt trong lịch sử Không quân nhân dân Việt Nam và cả lịch sử hàng không thế giới. Thứ nhất bởi người dạy chính là hàng binh của ngụy quyền Sài Gòn - Phi công Trần Văn Xanh, Trần Văn On hướng dẫn bay thực hành; thứ hai là thời gian “thần tốc”, lí thuyết học trong 1 ngày, thực hành bay trong 2 ngày rưỡi với 1 giờ 30 đến 2 giờ bay (3 đến 4 chuyến bay). Điều này khiến kẻ địch cũng không thể tin nổi. Thời gian quá ngắn, gấp rút nên ai cũng cố gắng tập trung, tranh thủ mọi thời điểm để ôn luyện, hình dung các phím công tắc, trình tự một chuyến bay và những lỗi gặp phải khi bay…”.
Sau ngày 27/4, từ sân bay Đà Nẵng, Phi đội Quyết Thắng bí mật bay vào sân bay Phù Cát (Bình Định), tại đây, lực lượng tiền trạm của Quân chủng đã chuẩn bị chu đáo 5 chiếc A-37 cho Phi đội sử dụng. Gần trưa ngày 28, Phi đội được lệnh lái máy bay tiến vào sân bay Phan Rang. Đúng 16 giờ 15 phút ngày 28/4/1975, sau khi có pháo hiệu, 5 chiếc A-37 xuất kích từ sân bay Phan Rang, hướng về phía Sài Gòn. Đội hình gồm: Nguyễn Thành Trung (số 1 dẫn đường), Từ Đễ (số 2), Nguyễn Văn Lục (chỉ huy trên không - số 3), Hoàng Mai Vượng cùng Trần Văn On (số 4) và Hán Văn Quảng (số 5).
Do thời tiết xấu, đồng thời để tránh ra đa của địch phát hiện, Phi đội bay ở độ cao 500m. Gần tới Sài Gòn, Phi đội đã nhanh chóng phát hiện được mục tiêu, lên độ cao đã định, tiến hành không kích mục tiêu. Lúc đó, đài chỉ huy của địch ở sân bay Tân Sơn Nhất hoàn toàn bất ngờ, liên tiếp hỏi dồn dập: “Máy bay của phi đoàn nào? Cho biết phiên hiệu!... Trong trận này, Phi đội đã phá hủy 26 máy bay, trong đó có 24 chiếc A-37. Sân bay Tân Sơn Nhất bị tê liệt hoàn toàn.
Quyết định thần tốc
Việc sử dụng phi công ta vào việc sử dụng máy bay địch để tấn công địch là một quyết định cực kỳ táo bạo, chính xác. Nếu dùng máy bay Mig chuyển vào thì phải qua rất nhiều chặng, không những thế còn phải kèm theo trang thiết bị, khí tài và cả đội ngũ kỹ thuật. Như vậy địch dễ phát hiện và sẽ có phương án đối phó.
Thứ hai, máy bay Mig là máy bay tiêm kích, tấn công mục tiêu trên không, vũ khí trang bị cũng không nhiều, chỉ mang được 2 quả bom (250kg/quả). Nhưng điều quan trọng nhất là việc sử dụng máy bay Mig là không khả thi. Bởi vì, máy bay Mig khi mang bom đạn thì bán kính hoạt động tối đa chỉ 250km. Trong khi từ sân bay Phan Rang vào Sài Gòn khoảng 400km. Như vậy, phi công sẽ một đi không trở lại. Như vậy, chỉ có thể sử dụng máy bay địch để tấn công sào huyệt địch thì mới có thể hoàn thành được nhiệm vụ.
Đây là trận đánh đánh dấu sự phát triển trưởng thành trong chiến đấu, tác chiến của không quân VN. Là mũi tấn công thứ 6 từ trên không xuống. Trận đánh đã làm rung chuyển Sài Gòn, làm lung lay ý chí tử thủ của quân địch, khiến tinh thần địch hoảng loạn. Làm cho cố vấn Mỹ, đại sứ và giới chóp bu chính quyền Sài Gòn nhanh chóng sơ tản. Sài Gòn như rắn mất đầu. Tạo cho quân ta nhanh chóng thắng lợi, bớt đổ máu.
Trận đánh bom sân bay Tân Sơn Nhất vào đúng thời điểm then chốt của Chiến dịch Hồ Chí Minh, vào mục tiêu có ý nghĩa chiến lược, thực sự là một đòn hiểm bất ngờ làm cho địch choáng váng, tạo điều kiện thuận lợi cho bộ đội binh chủng hợp thành phát triển thế tấn công, đẩy địch nhanh chóng vào thế sụp đổ hoàn toàn.
Mời quý độc giả xem video Hầm vũ khí của biệt động sài gòn:
Theo VTC News