Vạn Lý Trường Thành – niềm tự hào của người Trung Quốc nói riêng và nhân loại nói chung trải suốt bao năm vẫn trường tồn cùng mưa nắng. Kiến trúc vững chãi, vĩ đại ấy tưởng chừng được tạo nên bởi những vật liệu cực kỳ quý hiếm và phức tạp, nhưng trên thực tế, gạo nếp – thứ đặc sản bình dị, dân giã và phổ biến trong bữa ăn của người Á châu lại là chất liệu chính làm nên sự kiên cố của bức tường thành kỳ vĩ này, một kết quả nghiên cứu chỉ rõ.
Chính gạo nếp là nguyên nhân căn bản khiến một loại vữa dùng trong xây dựng thời cổ đại Trung Quốc có được các tính năng siêu việt. Các chuyên gia nghiên cứu còn phát hiện ra rằng, loại vữa này hiện vẫn là vật liệu tốt nhất để tu bổ các kiến trúc cổ đại.
|
Vạn Lý Trường Thành - niềm tự hào của nhân loại.
|
Vữa xây dựng là một loại chất liệu có tính kết dính, dùng để trám các khe nối giữa gạch, đá hay giữa các loại vật liệu xây dựng khác. Nghiên cứu của nhà khoa học Trung Quốc Trương Băng Kiếm cùng các đồng nghiệp đã phát hiện ra rằng, những công nhân Trung Quốc thời cổ đại đã đem trộn gạo nếp đã lỏng với vữa xây dựng (vữa cát) và “cho ra lò” loại vữa đặc biệt có độ bền, kết dính vô cùng lý tưởng.
Vữa trộn gạo nếp có lẽ là loại vữa hỗn hợp đầu tiên trên thế giới được cấu thành từ cả thành phần vô cơ và hữu cơ. Loại vữa này bền chắc hơn nhiều so vữa vôi cát thông thường với khả năng chịu nước rất tốt. Thậm chí, chuyên gia Trương Băng Kiếm còn cho rằng, đây là một trong những sáng kiến vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại. Người xưa đã tận dụng loại vữa trộn gạo nếp đặc biệt này để xây dựng các lăng mộ, bảo tháp, thành quách, trong số đó vẫn còn những kiến trúc tồn tại tới ngày nay. Với đặc tính kiên cố, một số kiến trúc cổ đã thách thức thời gian lẫn những tác động cơ học của con người và tự nhiên, thậm chí có thể trụ vững sau những trận động đất cực mạnh.
Nghiên cứu cũng phát hiện ra một chất “bí mật" có tên gọi là Amylopectin. Dường như chính chất này là nguyên nhân chủ yếu làm nên sức mạnh thần kỳ của loại vữa trộn gạo nếp ở Vạn Lý Trường Thành. Amylopectin được phát hiện có trong gạo nếp và các loại thực phẩm chứa tinh bột khác.
Trương Băng Kiếm nhận định: "Các phân tích, nghiên cứu cho thấy, loại vữa thời cổ đại là một vật liệu hỗn hợp đặc biệt gồm các chất vô cơ và hữu cơ. Thành phần vô cơ ở đây là Canxi cacbonat, chất hữu cơ là Amylopectin. Chất này có trong gạo nếp được trộn thêm vào vữa thông thường. Ngoài ra, chúng tôi còn phát hiện thêm rằng, Amylopectin trong vữa có tác dụng như một chất ức chế: Một mặt, nó kiềm chế sự gia tăng của tinh thể Canxi cacbonat; mặt khác, nó tạo ra các kết cấu vi mô cực kỳ bền vững, khít chặt. Kết cấu này khiến loại vữa hỗn hợp gồm các chất vô cơ và hữu cơ nói trên có tính năng kết dính cực mạnh”.
TIN BÀI LIÊN QUAN
BÀI ĐANG ĐỌC NHIỀU
Hải Dịu (theo 163)