Đền và chùa là hai nguồn tâm linh quen thuộc của người dân Việt Nam.
Từ thuở lập quốc đến nay, dân tộc Việt vẫn coi mình là con rồng cháu tiên, với người mẹ có công sinh thành là Âu Cơ. Trải qua quá trình bồi đắp về văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh, người Việt và một số tộc người khác hình thành nên tục thờ Nữ thần, thờ Mẫu và Tam phủ - Tứ phủ (gọi là Đạo Mẫu).
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, nhiều phụ nữ ra trận, trở thành anh hùng như Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Thái hậu Dương Vân Nga, nữ tướng Bùi Thị Xuân...
Các vị này được nhân dân tôn làm Thần, Thánh, được triều đình sắc phong “Thượng đẳng thần”, được nhân dân tôn làm Thành hoàng của nhiều làng...
|
Mẫu chính là mẹ Âu Cơ, các vị thần thánh chính là những người đã có công với đất nước. |
Nắm rõ điều này, có thể hiểu Mẫu chính là mẹ Âu Cơ, các vị thần thánh chính là những người đã có công với đất nước, sống cuộc đời oai hùng, khí phách, nên chết được làm thần thánh.
Ý nghĩa thờ cúng ban đầu của người dân là đúng, thể hiện lòng yêu nước và nhớ ơn những người có công. Tuy nhiên, qua thời gian, nhiều người hiểu sai, khiến việc thờ cúng trở thành mê tín, gây hao tiền, tốn của.
Nhập đồng là một hiện tượng được rất nhiều người tin theo. Người ta quan niệm rằng, các vị Thánh từ các miền khác nhau của vũ trụ bay về nhập hồn vào thân xác các Bà, Ông đồng trong trạng thái tâm linh thăng hoa, ngây ngất nhằm phán truyền, diệt trừ tà ma, chữa bệnh, ban phúc, ban lộc cho các con nhang, đệ tử.
Vậy thực tế của vấn đề này ra sao, xin trở lại thời Đức Phật còn tại thế.
Khi Đức Phật 80 tuổi, Ngài báo trước với các đệ tử rằng 4 tháng nữa sẽ nhập Niết bàn. Bữa ăn cuối cùng, ngài ăn món nấm và bị bệnh, nằm trên giường. Vua trời Đế Thích đã đích thân xuống hầu hạ Phật.
Đức Phật có nói với trời Đế thích rằng với người cõi trời thì những người ở cõi người bốc mùi hôi xa cả vạn dặm. Nhưng vua trời cung kính đáp lời xin được hầu hạ Đức Phật vào những phút cuối trước khi Người nhập Niết bàn.
Cũng vào thời Đức Phật, có một cô gái vô cùng xinh đẹp được cha mẹ mang đến, mong được gả cho Phật. Đức Phật đã trả lời như sau: “Thân người là ô uế, ta không bao giờ muốn đụng đến dù chỉ bằng ngón chân. Ngày xưa khi ta ngồi dưới cội bồ đề, con gái của Mara đến quyến rũ ta, mà những người đó thân hình như ngọc, còn không làm ta động tâm huống hồ là những con người thế gian đầy sự ô uế này”.
Cô gái sau khi nghe được đã đem lòng thù hận Phật. Sau này, khi lên làm hoàng hậu, cô lên kế hoạch trả thù, ra lệnh cho người dân mắng chửi, hạ uy tín của Đức Phật...
Theo Thượng tọa Thích Chân Quang, từ hai câu chuyện trên có thể thấy không có chuyện Thánh nhập vào xác phàm vì thân người rất ô uế, dù là nam hay nữ. Người ở cõi trên không bao giờ muốn nhập vào người ở cõi thấp hơn mình. Cũng giống như việc con người không muốn nhập vào xác của súc sinh.
"Thần thánh không nhập vào xác phàm vì thân người là ô uế. Vậy thì ai nhập? Đó chỉ là một vong rất tầm thường tự xưng mình là thần thánh. Và vì là vong nên biết được chuyện này chuyện kia nên chúng ta nhầm tưởng là thần thánh.
Sau một thời gian, vong hết phước (do hưởng sự cúng tế, lễ lạy của nhiều người) nên bị đọa, không còn ai nhập vào xác người nữa. Tuy nhiên, "nạn nhân" vì không muốn mất quyền lợi nên tiếp tục giả vờ như vẫn còn bị nhập, vẫn nhảy múa, phán đủ mọi chuyện theo ý mình", Thượng tọa nói thêm.
Do vậy, 90% hiện tượng nhập đồng là nói dối và tất cả những người tin theo đều là nạn nhân.
Mời quý độc giả xem thêm video:
Theo VnTinnhanh