Vì sao Lục quân Mỹ không tham gia chiến dịch Nam Lào?

Google News

Toàn bộ chiến dịch Lam Sơn 719 chỉ là "thêm một cơ hội để Bắc Việt Nam chứng tỏ khả năng đánh thắng trên chiến trường".

Ước mơ "chặt Trường Sơn" từ đời Westmoreland
Lam Sơn 719, nhìn từ Sài Gòn là cuộc tiến công chiến lược đầu tiên nhằm thể hiện năng lực chỉ huy và khả năng tác chiến độc lập của quân đội Việt Nam Cộng hòa. Sau khi mở rộng cuộc chiến tranh sang đất Campuchia năm 1970, vùng "thượng du" của Đông Dương là Lào không thể đặt ngoài "ô" quân sự của phe Đồng minh của Mỹ.
Thực ra, Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ đương thời là Westmoreland từng nhiều năm thai nghén một cú thọc sang Lào, hòng chặt đứt đường tiếp tế chiến lược Trường Sơn của Võ Nguyên Giáp. Thời còn làm tư lệnh chiến trường Việt Nam, ông đã chỉ thị cho MACV (Bộ chỉ huy quân viễn chinh Mỹ tại Việt Nam) dự thảo hàng loạt chiến dịch như Full Cry, rồi Fire Break (cuối 1966), York ...
Trước khi đột ngột được lệnh bàn giao nhiệm sở cho Abrams trong dòng thác tiến công Xuân Mậu Thân của "Việt cộng", dù bận rộn, Westmoreland vẫn lệnh cho thuộc cấp lập các kế hoạch chiến dịch El Paso I và II. Điểm chung của các kế hoạch của Westy (tên gọi thông thường của Westmoreland) với Lam Sơn 719 là sử dụng lực lượng cấp quân đoàn của Mỹ cho chiến dịch, và Sê-pôn là điểm đến của đòn tiến công vượt biên này.
Bài “Cuộc dạo chơi xuống địa ngục” đăng trên tờ The Straits Times, ngày 30/3/1971.
Điểm khác là, ở ngưỡng cửa năm 1971, xu thế phản chiến trên chính trường Mỹ đã thu hẹp sự lựa chọn binh lực của Nhà Trắng tới mức lục quân Mỹ và cố vấn Mỹ bị cấm sang tác chiến ở Lào, điều họ "được" làm ở Campuchia năm 1970. Nhưng qua các nguồn tư liệu, bộ đôi Nixon - Kissinger đã linh hoạt "trám" quân tinh nhuệ nhất của Sài Gòn vào làm lực lượng đột phá, thay cho lục quân Mỹ. Tiện thể, tạo điểm nhấn cho học thuyết "Việt Nam hóa", đang thời thượng.
Quốc hội Hoa Kỳ "giơ thẻ đỏ"
Bách khoa từ điển về Việt Nam của James Olson viết:
"Phản ứng với cuộc xâm lược Campuchia, do ban lãnh đạo Nixon tiến hành không hề tham vấn Quốc hội Mỹ, các thượng nghị sĩ (TNS) J.Cooper (Cộng hòa, bang Kentucky) và F.Church (Dân chủ, bang Idaho) đã đề xuất một đạo luật cấm không chi ngân sách nếu không có sự phê chuẩn của Quốc hội ...
Phe tán thành cho rằng đề xuất này vẫn còn là quá chậm trên tiến trình của Cơ quan lập pháp Hoa Kỳ đòi lại quyền kiểm soát theo Hiến pháp đối với việc Chính quyền Mỹ làm chiến tranh.
Chính quyền Nixon cáo giác đề xuất của các TNS Cooper và Church là một xâm phạm trái Hiến pháp đối với quyền lực của Tổng thống - Tổng tư lệnh.
Sau khi tranh luận quyết liệt, một trong hai Viện của Nghị viện Mỹ là Thượng viện, với tỷ lệ 58/37, đã thông qua đề xuất trên, gọi là điều Cooper-Church Amendment vào ngày 30-6-1970"...
Nếu điều Cooper-Church Amendment đạt hiệu lực pháp lý, can thiệp quân sự tổng lực của Mỹ sang Lào và Campuchia sẽ bị thu hẹp đáng kể.
Đạo quân Mỹ đứng chờ?
Độc giả, và cả học giả sau này dường như vẫn chưa hiểu vì sao trong kế hoạch chiến dịch Lam Sơn 719 hay Dewey Canyon II, theo cách gọi của Washington, lại triển khai tới hơn vạn tinh binh Mỹ.
Quân sử Hoa Kỳ cho hay lực lượng lục quân Mỹ trong Lam Sơn 719 gồm Sư đoàn không vận 101, sáu tiểu đoàn của Binh đoàn không vận 101 (101st Aviation Group), Lữ đoàn 1 của Sư đoàn BB Mỹ số 5 (tăng cường bởi hai tiểu đoàn cơ giới, một tiểu đoàn kỵ binh bay, một tiểu đoàn tăng, một tiểu đoàn BB cơ động đường không, hai tiểu đoàn BB của Sư đoàn 23 BB Mỹ), chưa kể 4 tiểu đoàn pháo và 2 tiểu đoàn công binh.
Các sử gia Mỹ như John Prados cho rằng bộ đôi Nixon và Kissinger đã rất quyết đoán trên đường đi tới điểm nhấn này của cuộc "Việt Nam hóa" chiến tranh. Vậy những vận hội và thách thức nào đã chờ hai vị này trong ý đồ "đánh gẫy xương sống" của cách mạng miền Nam - tuyến vận tải Trường Sơn? Vì vẫn còn hy vọng lật ngược "thế cờ Cooper-Church".
Từ điển bách khoa của Spencer C.Tucker cho hay dù được thượng viện thông qua, quá trình đi vào hiện thực của điều khoản Cooper-Church khá nan giải. Cooper-Church Amendment đã phải trải qua một thời hạn thử thách tới 6 tháng trên nghị trường, trong sự phản kích quyết liệt của phe Nixon.
Những tia hy vọng khác ...
Theo Từ điển bách khoa Wikipedia, cao điểm thách thức là sự kiện Hạ viện Mỹ phủ quyết điều Cooper-Church Amendment với tỷ lệ 237/153, ngay sau khi Thượng viện thông qua nó.
Nhóm nghị sĩ chống Cooper-Church đứng đầu là Thượng nghị sĩ diều hâu Robert Dole có thể là lực lượng chính trị được hy vọng sẽ đánh gục được phe phản chiến trước giờ "G" của trận chiến Lam Sơn (?).
Phe Mỹ cũng hy vọng những hành động quân sự cứng rắn trên chiến trường Lào có thể thuyết phục chính phủ Hoàng gia Lào "từ bỏ chiêu bài trung lập và tham chiến công khai".
Nếu xảy ra những tiến triển thuận lợi cho Mỹ - Sài Gòn trong chiến sự ở Nam Lào, cuộc chiến của lực lượng đặc biệt Mỹ ở Lào sẽ có cơ trở thành can thiệp tổng lực trực tiếp của quân lực Mỹ trên chiến trường Lào? Kịch bản ở PhnomPenh hôm 14-4-1970, khi Lon Non đề nghị Hoa Kỳ "viện trợ và hỗ trợ về quân sự" sẽ tái diễn ở Viêng Chăn?
Nhưng tâm lý phản chiến ngày càng mạnh đã khiến cả hai Viện thông qua xét duyệt điều khoản Cooper-Church (revised Cooper-Church amendment), được chính thức gọi là sắc luật Public Law 91-652, có hiệu lực từ ngày 5-1-1971, lúc Lam Sơn 719 còn "trứng nước". Hy vọng dốc toàn binh lực mở đường cho "Việt Nam hóa" của phe Nixon càng tàn lụi: lục quân Mỹ bị cấm không được tham chiến ở Lào và Campuchia.
Thua từ trong trứng
Nay nhìn lại, học giả Mỹ cho rằng việc quân Mỹ "rập rình" ở bên kia biên giới thậm chí đã góp phần vào thất bại của quân Sài Gòn, nhất là về tâm lý chiến.
Hẳn là chỉ các tướng và sĩ quan cao cấp VNCH biết rằng quân Mỹ, vốn là "quân chủ bài" trong các chiến dịch lớn từ giữa những năm 60, lần này sẽ không tham chiến. Khi thấy quân Mỹ "dừng lại" bên này đường biên, các sĩ quan cấp thấp và binh lính Sài Gòn, vốn chẳng mặn mà gì với viễn chinh, chợt cảm thấy mình rơi vào tình thế bị "đem con bỏ chợ". Tinh thần chiến đấu vì thế càng sút kém.
Việc các cố vấn Mỹ bị cấm không tham chiến (cho dù có một số ngoại lệ bị truyền thông phanh phui) cũng làm cho phối hợp về hỏa lực của Mỹ bị ảnh hưởng. Sĩ quan cấp thấp và lính thông tin VNCH gần như không biết tiếng Anh, vậy yểm trợ cấp chiến thuật về phi pháo hẳn đã là một vấn đề nan giải trong tiến trình chiến dịch.
Thêm nữa, cách đánh "thọc sâu" của Quân Giải phóng, kể cả tăng - thiết giáp, đã hạn chế đáng kể tác dụng hủy diệt của hỏa lực Mỹ, nhất là của B52. Sự xông xáo của các xe tăng, gồm cả T54 được trang bị pháo mạnh hơn tăng M41, càng làm cho tinh thần của quân Sài Gòn thêm suy sụp.
Về chiến lược, hẳn đã không có một kế hoạch rút quân bài bản nào được Mỹ - Sài Gòn dự kiến. Kết quả là, theo sử gia Karnow, cuộc rút lui của các lực lượng tinh nhuệ nhất của VNCH đã biến thành cuộc tháo chạy tán loạn.
Nay hồi tưởng lại, Thứ trưởng Ngoại giao Alexis Johnson cho rằng "Kế hoạch Lam Sơn 719 đã hỏng ngay từ đầu".
Nhưng nếu lục quân Mỹ "cứ"xung trận?
Người Pháp có câu "với chữ Nếu, người ta có thể bỏ Paris vào một cái chai".
Ngay trong tiến trình rút chạy của quân VNCH, theo tờ The New York Times (NY), ngoại trưởng Rogers vẫn bảo với báo chí, rằng Lam Sơn 719 sẽ được khởi động lại trong tháng Tư, 1971 (?).
Báo New York ra ngày 5/4/1971 cho hay, sau khi quân Sài Gòn đã triệt thoái khỏi Lào, Mỹ vẫn triển khai thêm 7.000 quân nữa về hướng này, đưa tổng số quân Mỹ ở vùng gần khu phi quân sự lên tới 15.000, chưa kể 20 ngàn quân Sài Gòn.
Nhưng đã không thể có thêm một "cuộc dạo chơi xuống địa ngục" (To hell and back, tên bài viết về Lam Sơn 719 đăng trên tờ The Straits Times, 30/3/1971, trang 12) nữa. Quân Sài Gòn không thể hồi phục lại ngay sau những tổn thất to lớn đối với những đơn vị thiện chiến nhất: quân dù, thiết giáp, biệt động, thủy quân lục chiến... Viêng Chăn càng không vồ vập với những "nhã ý" can thiệp quân sự của các phần tử diều hâu ở Washington. Ở Thủ đô của Hoa Kỳ, tin thất trận "Lam Sơn" càng hun nóng tư tưởng chống chiến tranh.
Về các động thái khu vực, báo Times ngày 12/4/1971 trích dẫn các nhận định của các nguyên thủ Đông Nam Á như của Singapore, và của báo chí nhà binh như báo Berita Yudha, Indonesia... rằng toàn bộ chiến dịch Lam Sơn 719 chỉ là "thêm một cơ hội để Bắc Việt Nam chứng tỏ khả năng đánh thắng trên chiến trường".
Nhưng nếu vẫn có một phép màu, để hơn một vạn hùng binh Mỹ tham chiến trong một trận đánh "để đời" trước khi rút khỏi xứ Đông Dương, liệu dòng chảy của cuộc chiến bại có thể đảo ngược? Nhiều độc giả Mỹ hẳn vẫn tự hỏi.
Câu trả lời đến từ một sĩ quan Mỹ dày dạn chiến trận, William Morrow, cố vấn cho sư đoàn dù Sài Gòn. Sách "Con đường huyết mạch mang tên Hồ Chí Minh trong cuộc chiến Việt Nam" dẫn lời Morrow, rằng: "Kinh nghiệm chiến trận cuối cùng của tôi với Quân đội nhân dân Việt Nam là chiến dịch Lam Sơn 719 đánh sang Lào. Kết quả của cuộc xâm lược này đã tự nói lên tất cả. Họ (QĐNDVN) sẽ đánh bại bất cứ quân đội nào dấn vào cuộc xâm lấn này".
Theo Quân đội nhân dân