Năng lượng tự nhiên có thể thu, xả và bị tác động
ThS Vũ Thế Huynh, tác giả cuốn sách "Con người với Tâm linh" cho biết, khi con người chết và chuyển sang thực thể vong hồn, phần hồn lập tức thay đổi cấu trúc. Phần trên cùng là thần thức, phần giữa là vía và phần dưới cùng là phách. Cấu trúc như vậy nhưng ban đầu ba cấu tố ở ba phần tạo hình vong hồn vẫn giữ trong khuôn hình của tiền kiếp. Do cấu trúc dạng mạng lưới và có các tầng nấc lỏng nên thường dễ bị biến dạng khi bị các dòng hạt tự do hay các vong hồn có năng lượng mạnh tác động vào. Đặc biệt, do ở dạng mạng lưới và liên kết vô cùng lỏng lẻo nên dễ dàng thay hình đổi dạng, dễ dàng tách rời các cấu tố rồi nhập trở lại dáng hình ban đầu nhanh chóng nếu vong hồn có đủ năng lượng. Mặt khác, chính hình dạng này cũng khiến vong hồn có năng lượng đủ lớn có thể len lỏi đi xuyên qua các vật cản đặc như tường, gỗ có độ dầy mà "sức xuyên" của vong hồn có thể.
BS Nguyễn Văn Thắng, Trưởng khoa Giải phẫu, Bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội phân tích, hồn có cơ cấu vận động năng lượng của hồn. Với sinh linh thì quá trình hồn nằm trong xác là quá trình các dòng năng lượng: Quang, nhiệt, cơ, điện đan xen vào từng đường gân thớ thịt, xương cốt của xác bằng thủy khí, thổ khí, hỏa khí và khí trong chân không. Khi hồn tách ra khỏi cái khuôn thể xác thì nó có hình dạng của xác. Khuôn nào mẫu ấy, cho nên hồn nào, xác ấy. Bởi cơ cấu vận động và năng lượng của hồn và xác riêng biệt nên chúng cũng có sự tương tác riêng biệt: Có hồn mà không có xác (các vong linh, các thánh thần, ma quỷ); có xác mà không có hồn (các thiền sư xuất định). Có cả hồn và xác là người sống.
|
Ảnh minh họa. |
Hồn có thể tồn tại dưới dạng hữu hình, bất định hình và vô hình trong mọi không gian, thời gian. Hồn lúc tan, lúc hợp, lúc hợp, lúc tan. Năng lượng của hồn là năng lượng tự nhiên mà năng lượng tự nhiên thì không bao giờ cạn. Hồn là cái có thật, nó được hình thành từ năng lượng tự nhiên và nó được cơ cấu bằng sóng dao động, vận động bằng sóng giao cảm. Bởi sự hoán vị giữa sóng giao động và sóng giao cảm không theo một chu kỳ nào, cho nên tan hợp, hợp tan của nó bất thường, đó là lý do ma lúc ẩn, lúc hiện.
Vì sao ma thường có màu trắng?
Theo BS Nguyễn Văn Thắng, ma hiện hình được là do phương tiện tự nhiên, điều kiện và hoàn cảnh tự nhiên tạo nên. Không có một công nghệ nào tạo ra nó được. Khi sóng dao cảm trở thành sóng dao động, thì hồn trở thành xác. Khi sóng giao cảm trở thành sóng dao động thì xác trở thành hồn. Do vậy, ma là khi xác do hồn tạo nên, khi sóng dao cảm trở thành sóng giao động, lúc đó mà cân bằng lực nội tâm (hỏa) - lực ly tâm (thổ) - lực hướng tâm (thủy) trong không gian gọi là hỏa trong khí, thủy trong khí, thổ trong khí khiến cho chân không ổn định tạm thời. Chính lúc đó, hình ảnh của ma hiện lên.
|
Hồn có thể tồn tại dưới dạng hữu hình, bất định hình và vô hình trong mọi không gian, thời gian. |
Lý giải tại sao, ma thường được mô tả với màu trắng, BS Nguyễn Văn Thắng phân tích, khi ma hiện hình chính là lúc hỏa trong khí tụ trong chân không. Và màu sắc của "ma" phản ánh trong khí sẽ mang màu trắng (màu của ma) vì trắng là rỗng và cũng không có định vị, trọng lượng, hình tướng nên "ma" chỉ là "bóng" chứ không là bóng ma, chỉ có bóng khi là vật thể. Còn màu đỏ, màu đen, màu xanh là do lượng thủy khí, thổ khí, hỏa khí kết thành theo tam lực, tam hướng mà có các màu sắc khác nhau, cho nên tụ thành màu của "quỷ": Lưỡi đỏ, mắt xanh thâm đen xì... Cho nên định hình là ma, bất định là quỷ.
Ma lúc ẩn lúc hiện chính là do sự cân bằng về năng lượng chỉ xảy ra trong khoảnh khắc. Bởi trong môi trường chân không thì sóng dao cảm quá lớn sẽ phá hủy sóng giao động mà làm cho ma lúc ẩn, lúc hiện. Hơn nữa, hoàn cảnh để ma xuất hiện là ở những nơi, những lúc mà thổ - thủy - hỏa phải cân bằng về năng lượng nhưng do sự cân bằng chỉ là tạm thời, cho nên "ma" lúc ẩn, lúc hiện.
|
Khi hồn tách ra khỏi cái khuôn thể xác thì nó có hình dạng của xác. |
Các cách gọi theo cấp độ giác ngộ
TS Vũ Thế Khanh, Tổng Giám đốc Liên hiệp Khoa học Công nghệ Tin học Ứng dụng (UIA) cho biết, có nhiều cách gọi "ma" bằng các thuật ngữ tùy theo cấp độ giác ngộ gồm: Vong hồn (chỉ thần thức người chết nói chung), cô hồn (thần thức người đã chết không có người thân thích), cô nhi (chỉ thần thức của những đứa trẻ chết yểu); bà Cô, ông Mãnh (chỉ thần thức của những người chết mà chưa có chồng, chưa có vợ), hương linh (người chết được gia đình, người thân kính trọng, nhớ thương), anh linh (người chết vẻ vang, anh hùng, sáng suốt, vinh hiển như các liệt sĩ, các vị anh hùng dân tộc, người có công với đất nước...), giác linh (chỉ thần thức của các bậc tu hành theo con đường giác ngộ, giải thoát như giác linh của các vị hòa thượng, thượng tọa...), chân linh (thần thức thuộc về cõi giác ngộ), Niết bàn (thần thức của các bậc tu hành trí tuệ đạt đến cảnh giới giác ngộ viên mãn, được trở về với cảnh giới an lạc, không còn dính mắc trong lục đạo luân hồi như các bậc La Hán, Bồ Tát, Chư Phật...).
Tuy nhiên, khái niệm "ma" theo nghĩa rộng thì không những chỉ cho phần linh hồn người chết mà còn bao hàm cả những sắc thái của PHÀM TÂM, đó là việc làm hoặc những ý nghĩ, tư tưởng xấu xa, ám muội, tiêu cực (như ma men, ma túy, ma hôn trầm, ma chướng, mưu ma, chước quỷ...). Trong mười loại "ma", có thể chia làm 2 nhóm: Ngoại ma (tức Thiên ma) là thần thức của người đã chết tồn tại dưới dạng "thân trung ấm". Ngoại ma tồn tại độc lập mang tính khách thể; Nội Ma (tức ma do Tâm ám muội, tiêu cực của hành giả mà phóng xuất ra). Nó tồn tại mang tính chủ thể do vọng tâm khởi phát.
Theo TS Vũ Thế Khanh có thể chia ra làm 10 loại ma như sau:
1. Ma oan nghiệt nhiều đời (đây chính là nghiệp chướng nhiều đời của mỗi chúng sinh, sự huân tập theo quy luật Nhân quả); 2. Ma bên ngoài đến làm mê hoặc còn gọi là người Làm chướng (hay còn gọi là Khách chướng); 3. Ma phiền não (còn gọi là ma Sự chướng); 4. Ma sở tri (còn gọi là ma Lý chướng); 5. Ma tà kiến (còn gọi là ma Chấp chướng); 6. Ma vọng tưởng (còn gọi là ma Tự chướng); 7. Ma khẩu nghiệp (còn gọi là ma Cuồng chướng); 8. Ma bệnh khổ (còn gọi là ma Khổ chướng); 9. Ma hôn Trầm (còn gọi là ma Ngủ nghỉ); 10. Thiên ma (còn gọi là Ngoại Ma).
Theo giáo lý nhà Phật: "Tâm là gốc, ma hay không ma cũng tự tâm ta. Tâm động ma loạn, tâm bất động thì ma mộng đều tự tan".
Xuân Hoài