Theo một số tài liệu được giải mật, các nhà khoa học Mỹ cảnh báo, việc tấn công hạt nhân ở Đông Nam Á là "lợi bất cập hại".
Hồi giữa thập niên 60, khi chiến tranh Việt Nam đang khốc liệt, Bộ Quốc phòng Mỹ bắt đầu một nghiên cứu để xác định tính khả thi và thích đáng của việc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Việt Nam, nhằm phong tỏa đường mòn Hồ Chí Minh, phá hủy các căn cứ quân sự, cảng biển, hoặc tàn sát một lượng lớn quân đối phương…
|
Hai em bé Việt Nam nhìn chằm chằm vào một lính dù Mỹ cầm khẩu súng phóng lựu M79 (ảnh chụp trong ngày đầu tiên của năm 1966, tại một con mương cách Sài Gòn 20km). Ảnh: Horst Fass.
|
Bản nghiên cứu năm 1967 có tựa đề “Vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Đông Nam Á” và được giải mật nhiều năm sau đó. Điểm mấu chốt của nghiên cứu này là việc sử dụng vũ khí hạt nhân ở Việt Nam sẽ không đem lại cho Mỹ lợi thế quân sự mang tính quyết định mà lại gây hậu quả nghiêm trọng đối với binh sĩ Mỹ trên chiến trường và lợi ích của Mỹ trên khắp thế giới.
Bản nghiên cứu do bốn nhà vật lý thực hiện. Họ cộng tác với Phòng vị Jason của Viện Nghiên cứu Quốc phòng Mỹ - nơi một nhóm nhà khoa học thường xuyên gặp gỡ để cung cấp những lời khuyên bí mật cho các quan chức quốc phòng. Kết luận của bản nghiên cứu được trình lên Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lúc ấy là ông Robert McNamara.
“Tác động chính trị của việc Mỹ lần đầu sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Việt Nam sẽ rất xấu và có thể rất thảm khốc”, các nhà khoa học Mỹ viết.
Họ cảnh báo rằng, việc Mỹ sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật lần đầu tiên có thể dẫn tới tình trạng Liên Xô hoặc Trung Quốc cung cấp vũ khí tương tự cho Việt Cộng (Quân Giải phóng miền Nam) và miền bắc Việt Nam. Điều đó làm tăng nguy cơ các lực lượng của Mỹ ở Việt Nam “sẽ bị hủy diệt tận gốc” trong các đợt phản công trả đũa của quân du kích được trang bị vũ khí hạt nhân.
Các nhà khoa học Mỹ viết rằng, nếu điều đó xảy ra, “các nhóm nổi dậy khắp nơi trên thế giới sẽ ghi nhớ và tìm mọi cách để có được vũ khí hạt nhân chiến thuật”.
Họ cảnh báo: “Việc lần đầu sử dụng vũ khí hạt nhân ở Đông Nam Á có thể dẫn tới việc tăng đáng kể nguy cơ dài hạn của các chiến dịch du kích hạt nhân ở những nơi khác trên thế giới”, như tấn công vào kênh đào Panama, kho chứa và đường ống dẫn dầu ở Venezuela, thủ đô Tel Aviv của Israel… “An ninh của Mỹ sẽ bị đe dọa nghiêm trọng nếu việc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật của các lực lượng du kích trở nên phổ biến”, các nhà khoa học Mỹ kết luận.
Không quân Mỹ từng muốn dùng vũ khí hạt nhân ở Việt Nam và Lào
Không quân Mỹ từng muốn sử dụng vũ khí hạt nhân ở Việt Nam năm 1959 và 1968 và ở Lào năm 1961, để xóa sổ quân du kích, theo các tài liệu của Không quân Mỹ được giải mật gần đây.
Năm 1959, Tham mưu trưởng Không quân Mỹ, “tướng Thomas White muốn làm tê liệt quân nổi dậy và các tuyến đường tiếp tế của họ bằng cách tấn công một số mục tiêu ở miền bắc Việt Nam bằng vũ khí thông thường hoặc vũ khí hạt nhân”, một tài liệu viết.
Tuy nhiên, tham mưu trưởng của các binh chủng khác không tán thành tấn công Việt Nam bằng vũ khí hạt nhân. Bảy tháng sau đó, đề xuất của tướng White được rút lại. Tập tài liệu mật dài 400 trang có tựa đề “Không quân Mỹ ở Đông Nam Á: Cuộc chiến ở Bắc Lào giai đoạn 1954-1973”.
Theo báo cáo giải mật, tướng White “yêu cầu Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân bật đèn xanh cho việc gửi một phi đội máy bay ném bom B-47 của Bộ chỉ huy không quân chiến lược tới căn cứ không quân Clark ở Philippines” để chuẩn bị cho đợt tấn công Việt Nam.
Đề xuất sử dụng vũ khí hạt nhân của tướng White có thể bắt nguồn từ một công trình nghiên cứu của Không quân Mỹ có tựa đề “Vũ khí nguyên tử trong các cuộc chiến tranh hạn chế ở Đông Nam Á”, báo cáo giải mật viết.
Nghiên cứu đó tập trung vào việc sử dụng vũ khí nguyên tử để kiểm soát tình hình trong rừng rậm, tuyến tiếp tế vùng thung lũng, khu vực đá vôi, hẻm núi, nhằm ngăn địch di chuyển và khai quang những chỗ địch trú ẩn.
Một năm sau đó, trong giai đoạn từ tháng 12.1960 đến tháng 1.1961 diễn ra chiến dịch cầu hàng không của Liên Xô nhằm cung cấp “lương thực, nhiên liệu và thiết bị quân sự” cho các lực lượng thân Mátxcơva ở Lào, thông qua Hà Nội, tài liệu giải mật của Không quân Mỹ viết. Tháng 3/1961, Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ “bác bỏ một kế hoạch huy động tới 60.000 quân với sự hỗ trợ của không quân và vũ khí hạt nhân”.
Năm 1968, ngay trước cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân, các lực lượng bắc Việt Nam và Quân Giải phóng miền Nam tấn công quân Mỹ ở khu vực chia cắt hai miền. Để đáp trả, tướng William Westmoreland, chỉ huy các lực lượng Mỹ ở miền nam Việt Nam, giơ tay với lấy nút bấm hạt nhân.
“Cuối tháng 1, tướng Westmoreland cảnh báo rằng, nếu tình hình gần khu phi quân sự và tại Khe Sanh xấu đi một cách trầm trọng, có thể sẽ phải sử dụng vũ khí hạt nhân hoặc vũ khí hóa học”, một tài liệu tuyệt mật khác (dài 106 trang) viết.
“Điều này khiến tướng John McConnell (Tham mưu trưởng Không quân Mỹ) thúc ép Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quan yêu cầu Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương chuẩn bị kế hoạch sử dụng vũ khí hạt nhân năng lượng thấp để ngăn chặn một mất mát thảm khốc đối với căn cứ thủy quân lục chiến”, tài liệu viết. Tuy nhiên, nỗ lực của tướng McConnell cũng trở thành công cốc.
Nhìn lại quá khứ: Tấn thảm kịch và bài học về Việt Nam
Robert McNamara là Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ từ tháng 1.1961 tới tháng 2.1968, giai đoạn mà sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Việt Nam tăng vọt từ vài trăm quân nhân và “cố vấn” CIA lên hơn 500.000 binh sĩ với sự hỗ trợ của hàng trăm máy bay chiến đấu, đội tàu hải quân ngoài khơi và nguồn quân nhu khổng lồ xuyên Thái Bình Dương, từ Úc tới Philippines và Nhật Bản.
Lúc đỉnh điểm, gần 600.000 quân Mỹ được triển khai ở Việt Nam. Con số này gấp 4 lần toàn bộ quân thường trực của Mỹ năm 1940. Vì chiến tranh kéo dài và chính sách định kỳ luân chuyển quân, nên số người Mỹ phục vụ ở Việt Nam cao hơn trong Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất hoặc ở bán đảo Triều Tiên. Số bom mà quân đội Mỹ thả ở Việt Nam lớn hơn số bom mà tất cả các bên sử dụng trong Chiến tranh Thế giới lần thứ hai.
|
Đám mây nguyên tử hình thành sau khi quả bom Mỹ Little Boy (Cậu bé) phát nổ tại thành phố Hiroshima của Nhật Bản tháng 8.1945. Đây là quả bom nguyên tử đầu tiên trên thế giới được sử dụng trong chiến tranh. Ảnh: George.
|
Trong cuốn hồi ký In Retrospect: The Tragedy and Lessons of Vietnam (Nhìn lại quá khứ: Tấn thảm kịch và bài học về Việt Nam), cựu Bộ trưởng Quốc phòng McNamara viết rằng, sự can thiệp của Mỹ ở Việt Nam có nguy cơ leo thang thành một cuộc xung đột lớn hơn và đẫm máu hơn.
Ít nhất 3 lần trong nhiệm kỳ của ông tại Lầu Năm Góc, vào mùa thu năm 1964, tháng 11.1965 và mùa xuân năm 1966, các tướng lĩnh Mỹ ép Bộ Quốc phòng và Nhà Trắng cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân ở Việt Nam.
Lần cuối cùng, ngày 20.5.1966, Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ gửi cho Bộ trưởng McNamara một bức thư báo “nhắc lại quan điểm của họ rằng, có khả năng cần xâm lược bắc Việt Nam, Lào và Campuchia, liên quan việc triển khai các lực lượng Mỹ tới Thái Lan và một điều hoàn toàn có thể là sử dụng vũ khí hạt nhân ở phía nam Trung Quốc. Họ nhấn mạnh, tất cả những điều này nêu bật sự cần thiết huy động quân dự bị Mỹ”.
Trong cuốn hồi ký, ông McNamara kể câu chuyện thâm cung bí sử về quá trình ra chính sách của chính quyền Kennedy và Johnson, làm rõ sự phá sản của phương pháp thực dụng. Các quyết định được đưa ra theo từng ngày, ít quan tâm hậu quả lâu dài và không hiểu mối quan hệ nối liền giữa hành động quân sự, ngoại giao và chính trị.
Theo ông McNamara, chính quyền Kennedy khởi động vụ đảo chính lật đổ và sát hại Tổng thống đầu tiên của Việt Nam Cộng hòa là Ngô Đình Diệm vào tháng 11.1963 mà không đạt được sự đồng thuận về sự cần thiết loại bỏ ông Diệm hoặc chế độ nào, người nào sẽ thay thế ông ta.
Hồi ký của cựu Bộ trưởng Quốc phòng McNamara tập trung thảo luận các chiến lược quân sự và chính trị diễn ra thời chính quyền Kennedy và sau đó là chính quyền Johnson. Ông McNamara đau đớn thừa nhận sự thiếu hiểu biết nghiêm trọng và niềm tin mù quáng vào sức mạnh Mỹ, một trong những nguyên nhân dẫn tới sự thất bại của siêu cường này trong chiến tranh Việt Nam.
Các quan chức cấp cao của Mỹ không hiểu biết về lịch sử, văn hóa, truyền thống chính trị của các nước Đông Nam Á và sự mù quáng này là một vết thương tự gây ra.
Theo Tiền Phong