Trải qua hàng ngàn năm lịch sử chìm đắm trong luân lý đạo đức phong kiến, tất cả đàn bà con gái đối với võ thuật cũng như các hoạt động khác đều bị cấm tuyệt đối. Nói chung chỉ có rất ít ni cô luyện võ để tự bảo vệ mình nơi chốn tu hành thâm sơn cùng cốc, còn lại đàn bà con gái nói chung ít bén mảng đến võ thuật.
Với sự hưng thịnh và tiến bộ, triều đại nhà Đường- một trong những giai đoạn phát triển kinh tế - văn hóa rạng rỡ nhất trong lịch sử Trung Hoa đã khuyến khích giới nữ lưu tập luyện võ thuật. Thời đó đàn bà con gái tập võ say sưa, và cũng trong thời này mới xuất hiện sách vở ghi chép về phái nữ tập võ.
Theo sách "Cổ kim đồ thư tập thành - Thích khách bộ" đời Thanh, kể từ thời Tiên Tần đến Ngũ đại, tất thảy chỉ có 21 người nữ lưu giỏi võ thuật vang danh lịch sử, đời Đường đã có 11 người, tham gia chiến đấu có 5 người. Qua sử sách có thể thấy các phụ nữ giỏi võ đó chẳng những có võ công trác truyệt mà còn là người "kiến nghĩa dũng vi" (thấy việc nghĩa dũng cảm mà làm).
Lý Dũng đời Đường soạn sách "Độc dị chí" đã viết: "Năm Chí Đức thứ 6, loạn Sử Tư Minh chưa bình được, ở Vệ Châu có bọn Hầu Tứ Cô bốn người trích huyết uống trước quân, tình nguyện gia nhập trại quân, xung phong đi đánh dẹp". Từ đó trong bút ký hay tiểu thuyết người thời Đường kể chuyện phụ nữ hành hiệp nhắc lại không hết.
Phong trào tập võ của phụ nữ thời Đường phát triển dựa trên những nguyên nhân sau:
Ảnh hưởng của phong trào thượng võ
Đường Thái Tôn Lý Thế Dân (làm vua 627-650) cho rằng: Trung Quốc tuy yên, quên chiến tranh tất dân nguy", bản thân ông cũng là một đại cao thủ. Đời xưa lúc yên phải nghĩ đến lúc nguy, thượng võ để mong hùng mạnh. Nhà Đường thực hành chế độ "phủ binh chế" (quân ở phủ), thổ binh (dân quân), những người lãnh đạo có võ nghệ giỏi cũng được phong tước hiệu. Do vậy, võ thuật được phát triển hưng thịnh.
|
Hoàng đế Võ Tắc Thiên, người cổ xúy tập luyện võ thuật thời Đường trên phim ảnh. |
Thời Võ Tắc Thiên (Võ Hậu, nhiếp chính từ 684-690) đã đổi mới nghề võ, hễ người có võ nghệ cao là có thể làm quan ở địa vị rất cao. Đề ra thi cử tiêu chuẩn, đề xướng luyện võ, đẩy mạnh việc luyện tập võ thuật trong dân chúng. Với sự khuyến khích mạnh mẽ như vậy, phong trào đàn bà con gái luyện võ cũng dần dà phát triển,
Quan niệm thẩm mỹ thay đổi
Yêu cầu về thẩm mỹ của phụ nữ đời Đường có đặc điểm khác với các triều đại trước và sau này. Người ta cho rằng đàn bà con gái đầy đặn, khỏe mạnh mới là đẹp. Như thế, đàn bà con gái phải lấy sự khỏe mạnh, nhanh nhẹn để làm vui lòng người, từ đó nảy sinh ra nhiệt tình trong tập võ.
Các dân tộc giao tiếp và dung hợp nhau
Sự đại hòa hợp thời Đường tương đối tốt, những người thống trị không coi nhẹ dân tộc ít người vì thế sự giao lưu giữa các dân tộc vô cùng phong phú. Phụ nữ dân tộc ít người cũng nhanh mạnh không kém đàn ông, do sự giao thoa nên phụ nữ Trung Nguyên cũng tiếp nhận tính cách này, không bị gò bó vào khuôn phép phong kiến, nhiệt tình tập luyện võ thuật.
|
Phụ nữ Trung Hoa tập luyện võ thuật.
|
Kỹ thuật, chiêu thức của các môn võ thuật từ đó cũng có những sự thay đổi, phát triển để phù hợp với phái nữ. Đời Đường đã có khí công rồi, nhưng do đặc điểm sinh lý thì dùng sức lực để chế ngự người luôn là vấn đề khó thực hiện với giới nữ. Vì vậy khí công và khinh công trở thành những môn kỹ thuật giúp cho các nữ cao thủ đứng chân trong làng võ. Qua sử sách ghi chép từ đời Đường, số phụ nữ có khí công siêu quần không phải là ít.
Ngoài ra, những man vũ (điệu múa hoang dại) của các dân tộc Tây Vực đưa tới rất được ưa thích. Phụ nữ trong tập luyện võ thuật lại đem những tư thế múa từ bên ngoài áp dụng với cách dùng khí giới khiến cho các bài võ thuật biểu diễn phát triển rất nhiều về số lượng. Trong đó phụ nữ biểu diễn kiếm, kích, roi... có tính tiêu biểu nhất.
Giỏi về cưỡi ngựa bắn cung cũng là tiêu chí hàng đầu trong tập luyện võ nghệ của phụ nữ thời Đường. Người xưa giỏi cưỡi ngựa bắn cung được xem là võ nghệ cao cường. Bản thân Võ Tắc Thiên cũng có nhiều giai thoại trong việc thu phục ngựa chứng, luyện ngựa dữ thành thuần. Sách "Tuyên thất chí" đời Đường chép: "Chấn Võ tướng quân Vương Hàm Thái Nguyên có mẹ là Kim Thị Tố nổi tiếng mạnh mẽ, rất giỏi cưỡi ngựa bắn cung, thường cưỡi ngựa hay, tay khoác cung, lưng đeo tên, đi vào núi sâu săn bắn, lần nào cũng bắn được nhiều gấu, hươu, cáo, thỏ... ai cũng kính nể".
Phụ nữ trong cung về tài cưỡi ngựa bắn cung cũng không kém đấng nam nhi. Qua bài thơ "Ai giang đầu" (Bến sông buồn) của Đỗ Phủ có thể thấy có cung nữ "Phiên thân hướng thiên ngưỡng xạ vân/Nhất tiếu chính trụy song phi dực" (Lật mình hướng trời ngửa bắn mây/ Vừa cười đã thấy rơi đôi cánh)- qua đó cho thấy tài nghệ cưỡi ngựa bắn cung kinh người của cung nữ thời Đường.
Phong trào phụ nữ đời Đường tập võ đã khơi dòng hừng hực, nhưng các trieeif đại sau này đã không còn cảnh thịnh vượng như vậy.
Chu Hồng Châu (tổng hợp)