Trước nhiều ý kiến phẫn nộ về bức ảnh đăng tải 10 cô gái với chú thích "các cô gái phi hành đoàn trong trang phục truyền thống ASEAN" nhưng có xường xám của Trung Quốc, AirAsia đã xin lỗi trên Facebook của mình.
Bức ảnh này liên quan đến sự kiện tại Jakarta (Indonesia) vào ngày 7/8 của Hãng hàng không AirAsia. Mấu chốt của cuộc tranh cãi trên mạng suốt vài ngày qua là việc chú thích ảnh "trang phục truyền thống ASEAN" nhưng lại có một cô gái mặc xường xám của Trung Quốc trong khi quốc gia này không phải là thành viên ASEAN.
|
Bức ảnh AirAsia đăng tải trên Facebook gây phản ứng trong cộng đồng mạng vì dòng chú thích ban đầu: "Các cô gái phi hành đoàn trong trang phục truyền thống ASEAN". Mọi tranh cãi xuất phát từ hình ảnh cô gái đứng thứ hai từ trái sang trong trang phục xường xám - Ảnh: Facebook AirAsia |
Thêm nữa, lại không thấy áo dài của Việt Nam - một trong những thành viên của ASEAN - trong bức ảnh nên suy nghĩ của nhiều người xem ảnh dễ dàng "leo thang" đến việc phải chăng AirAsia đã có sự nhầm lẫn tệ hại giữa xường xám Trung Quốc và áo dài của Việt Nam?
Vào ngày 9/8, AirAsia đưa ra lời xin lỗi trên Fage chính thức của mình ở Facebook: "Các fan thân mến, chúng tôi xin lỗi vì tấm ảnh đã làm buồn lòng nhiều fan Việt Nam. Chúng tôi không bao giờ có ý định đó. Chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng trang phục xường xám trong bức ảnh không phải là hình ảnh đại diện của Việt Nam. Chúng tôi không có ý định trình diễn trang phục truyền thống của 10 nước ASEAN mà chỉ muốn tập trung vào con người ASEAN".
Ngoài ra, phần chú thích của bức ảnh cũng đã được thay đổi thành: "Bức ảnh của phi hành đoàn đáng yêu trong trang phục lấy cảm hứng từ ASEAN. Chúng tôi cần nói một lời xin lỗi. Đây là xường xám chứ không phải áo dài của Việt Nam". Ngoài ra, khi rê chuột đến vị trí cô gái trong trang phục xường xám sẽ có dòng chữ: "Chúng tôi cần nói một lời xin lỗi. Đây là xường xám chứ không phải áo dài của Việt Nam".
|
Lời xin lỗi của AirAsia trên Facebook của hãng này cạnh bức ảnh |
Một số thành viên trên Facebook cảm thấy hài lòng với kiểu giải thích "sửa sai" này của AirAsia, nhưng vẫn còn nhiều ý kiến cho rằng kiểu giải thích ấy còn lập lờ, thoái thác, chưa thỏa đáng và thậm chí còn có thành viên cho rằng nên tháo bức ảnh ấy.
Cuộc tranh cãi dường như vẫn chưa "nguội" khi các thành viên tiếp tục "phản pháo" cụm từ "lấy cảm hứng từ ASEAN" và AirAsia phản hồi rằng: "Các trang phục ấy chỉ đơn giản là trang phục mà người dân ASEAN thường mặc".
(Theo Tuổi Trẻ)