Ngày 4/11, trong bản tin về bản quyền nhạc số, VTV thông tin BH Media "nhận vơ" loạt tác phẩm thuộc sở hữu của đơn vị này. Bản tin lấy ví dụ ca khúc Tiến quân ca của cố nhạc sĩ Văn Cao cũng bị BH Media xác nhận bản quyền trên nền tảng số.
Cụ thể, khi một kênh đăng tải video ca khúc này, ở phần mô tả ghi rõ "bên cấp phép BHMedia Inc. (thay mặt cho Hồ Gươm Audio Video) và 1 Hiệp hội bảo vệ quyền âm nhạc".
Tiến quân ca là Quốc ca của Việt Nam, đã được gia đình nhạc sĩ Văn Cao hiến tặng cho nhân dân và Tổ quốc. Do đó, thông tin BH Media sở hữu bản quyền tác phẩm đang gây tranh luận.
|
VTV thông tin BH Media sở hữu bản quyền Tiến quân ca. Ảnh: VTV. |
Trao đổi với Zing về vụ việc, đại diện của đơn vị này cho biết BH Media không nhận sở hữu bản quyền ca khúc Tiến quân ca. BH Media được Hồ Gươm Audio ủy quyền quản lý và khai thác một bản ghi Tiến quân ca trên nền tảng số. Bản ghi này do Hồ Gươm Audio sản xuất.
"Là tác giả của Tiến quân ca, cố nhạc sĩ Văn Cao luôn có quyền tác giả với tác phẩm này. Bất kỳ ai muốn sử dụng tác phẩm, phải thanh toán tiền tác quyền cho nhạc sĩ Văn Cao. Tuy nhiên, năm 2016, gia đình cố nhạc sĩ Văn Cao đã hiến tặng tác phẩm Tiến quân ca cho nhân dân và Tổ quốc Việt Nam. Điều đó đồng nghĩa với việc kể từ thời điểm hiến tặng trở đi, bất cứ một cá nhân, tổ chức nào ở Việt Nam sử dụng tác phẩm sẽ không phải thanh toán tác quyền cho gia đình nhạc sĩ Văn Cao nữa", BH Media giải thích.
Đại diện đơn vị này cho biết thêm: "Tuy nhiên, nếu một cá nhân, tổ chức nào đó bỏ thời gian, công sức, kỹ thuật, tiền bạc ra làm một bản ghi Tiến quân ca, theo Luật Sở hữu trí tuệ, cá nhân, tổ chức đó là nhà sản xuất, chủ sở hữu của bản ghi này (quyền liên quan). Bất kỳ ai muốn sử dụng bản ghi này, đều phải xin phép chủ sở hữu".
Theo BH Media, Hồ Gươm Audio là chủ sở hữu của bản ghi nói trên. Nếu tài khoản nào đăng video sử dụng chính xác bản ghi Tiến quân ca do Hồ Gươm Audio sản xuất thì YouTube gửi thư thông báo xác nhận bản quyền.
Zing đang liên hệ với Hồ Gươm Audio để có thông tin cụ thể hơn.
Những ngày qua, BH Media và nhạc sĩ Giáng Son cũng xảy ra tranh chấp, liên quan đến ca khúc Giấc mơ trưa - sáng tác của Giáng Son và Nguyễn Vĩnh Tiến. Vào cuối tháng 9, Giáng Son đăng tải ca khúc Giấc mơ trưa (do Khánh Linh thể hiện) lên kênh của mình. Sau đó, vào tháng 10, kênh của Giáng Son nhận được thông báo khiếu nại bản quyền từ BH Media.
Theo thông báo từ hệ thống, video do Giáng Son đăng lên có chứa đoạn âm thanh tương tự sản phẩm Giấc mơ trưa của nghệ sĩ đàn nhị Dương Thùy Anh. BH Media nắm quyền sở hữu bản hòa tấu đàn nhị Giấc mơ trưa do nghệ sĩ Dương Thùy Anh biểu diễn (Hồ Gươm Audio sản xuất).
Nhạc sĩ Giáng Son bày tỏ sự bức xúc. Cô khẳng định không ký độc quyền tác phẩm này cho bất cứ ai hay tổ chức nào. Giáng Son ủy quyền cho Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) giải quyết sự việc.
Theo Ly Nguyễn/ Zing