>>> Mời quý độc giả xem Hoàng Tùng hát ca khúc "Mùa thu chết". Nguồn Youtube: |
|
Chiều 16/1 tại Hà Nội, Quán quân Sao Mai 2003 Hoàng Tùng đã cho ra mắt album Vol3 mang tên “Khúc xưa”. Đã quá quen thuộc với khán giả bởi những bài hát mang phong cách thính phòng, cổ điển, những bài hát về quê hương, đất nước, việc Hoàng Tùng cho ra mắt một album với toàn ca khúc nhạc xưa, nhạc Bolero khiến nhiều khán giả không khỏi bất ngờ.
|
Hoàng Tùng. |
Đặc biệt hơn khi được biết, ca sĩ Hoàng Tùng đã trải qua rất nhiều khó khăn, vất vả để có thể cho ra mắt album “Khúc xưa”. Hoàng Tùng chia sẻ: “Album này bị hoãn ra mắt 1 năm so với thời điểm dự định bởi những biến cố không ngờ đến. Khó khăn nhất là việc ca khúc “Mùa thu chết” và “Khúc thụy du” bất ngờ bị cấm lưu hành ở Việt Nam. Vì quá yêu mến hai nhạc phẩm nổi tiếng này nên tôi không cam tâm bỏ qua mà kiên nhẫn, cố chờ và xin cấp phép”.
Hoàng Tùng cũng là người đầu tiên xin cấp phép thành công phổ biến nhạc phẩm “Kỳ diệu” (nhạc Anh Bằng, lời Nguyên Sa) tại Việt Nam.
Trong suốt quá trình thực hiện album “Khúc xưa”, Hoàng Tùng cũng nhiều lần gặp phải vấn đề sức khỏe. Do thay đổi khí hậu giữa Hà Nội và TP.HCM nên mỗi lần bay qua lại để thu âm, Hoàng Tùng lại viêm họng. Rất nhiều ca khúc phải thu lại lần hai mới đạt yêu cầu. Với tính cầu toàn của mình, nam ca sĩ đã tốn khá nhiều thời gian cho việc sản xuất album. Hoàng Tùng nói vui rằng: “Cố gắng lắm album mới lên kệ có đủ 10 bài dù phải mất tới… cả năm trời”.
Không chỉ Vol3 mà ngay cả 2 album đầu tiên của anh là “Hoàng Tùng – Quê hương & Tình Yêu” (2008), “Tình hoài hương” (2013) cũng gặp khá nhiều “biến cố” trước khi có thể ra mắt được khán giả. Nhắc lại những khó khăn trong quá khứ, nam ca sĩ không khỏi bùi ngùi, xúc động.
Hoàng Tùng kể lại: “Khi chuẩn bị cho album vol.1, tôi mới kết hôn, vợ mang bầu được vài tháng. Lúc đó bác sĩ chuẩn đoán tôi bị u não, chỉ có thể sống được 5 năm. Rất may phẫu thuật thành công và tôi còn tiếp tục sống khỏe mạnh. Đến album thứ 2, tôi bị viêm phổi một thời gian. Trước ngày ra mắt album vol3, tôi cũng vẫn còn ốm nhẹ”. Trải qua rất nhiều khó khăn, Hoàng Tùng vẫn đứng vững và tiếp tục theo đuổi đam mê của mình.
Về “Khúc xưa”, album gồm 10 bài hát là những bản tình ca nổi tiếng, sang trọng, đẹp đẽ nhưng lại có chất xưa cũ của những hoài niệm. Trong đó có những tác phẩm như “Bây giờ tháng mấy” (Từ Công Phụng), “Rồi mai tôi đưa em” (Trường Sa), “Nửa hồn thương đau” (Phạm Đình Chương), “Mộng sầu” (Trầm Tử Thiêng), “Mùa thu chết” (nhạc Phạm Duy, thơ: Apollinaire), “Kỳ diệu” (nhạc Anh Bằng, lời Nguyên Sa), “Khúc thụy du” (nhạc Anh Bằng, thơ Du Tử Lê), “Xin còn gọi tên nhau” (Trường Sa), “Em đến thăm anh đêm 30” (nhạc Vũ Thành An, thơ Nguyễn Đình Toàn), “Tự tình mùa xuân” (Từ Công Phụng).
Đây cũng là album đầu tiên đánh dấu sự hợp tác của Hoàng Tùng với nhạc sĩ Võ Thiện Thanh trong vai trò nhà sản xuất và nhạc sĩ Duy Cường (con trai của nhạc sĩ Phạm Duy) ở phần phối khí.
Hoàng Tùng chia sẻ, anh đã mất khá nhiều công sức để mời được hai người nhạc sĩ nổi tiếng này tham gia sản xuất album. Dù có lợi thế là sở hữu giọng hát mạnh mẽ, uy lực với kỹ thuật thanh nhạc được đào tạo bài bản nhưng Hoàng Tùng lại không quá quen thuộc với cách hát nhạc xưa.
Chính bởi vậy, bằng cảm quan âm nhạc và sự hiểu biết nhạc xưa, nhạc sĩ Duy Cường đã giúp Hoàng Tùng có những bản phối mới với lối hòa âm bán cổ điển nhưng vẫn thể hiện được tinh thần của tác phẩm. Trong khi đó, nhạc sĩ Võ Thiện Thanh lại là cây cầu nối để giọng ca của Hoàng Tùng hòa quyện được với bản phối một cách tốt nhất.
Nhạc sĩ Duy Cường chia sẻ: “Khi tiếp xúc và trao đổi với Hoàng Tùng, tôi hơi bỡ ngỡ bởi sự khác biệt giữa phong cách âm nhạc. Có những phần hoà âm phối khí cho album chúng tôi không tránh khỏi tranh cãi do quan điểm hay mỹ cảm nhưng sau đó tôi và Tùng “thoả hiệp” và “dung hoà” ý tưởng với nhau. Hoàng Tùng là một ca sĩ có tâm hồn rộng mở nên có thể cảm nhận và thể hiện được tinh thần của tác phẩm một cách dễ dàng”.
Hoàng Tùng chia sẻ, dù anh gắn liền với dòng nhạc thính phòng cổ điển nhưng anh đã được nghe những ca khúc nhạc xưa từ khi còn bé và cũng hay ngâm nga hát theo. Nhạc xưa cũng phù hợp với bản thân Hoàng Tùng ở một khía cạnh nào đó. Bởi vậy anh có thể đưa tâm hồn mình vào trong những ca khúc nhạc xưa và truyền tải nó bằng giọng hát.
Nhạc sĩ Võ Thiện Thanh cũng đánh giá cao Hoàng Tùng khi thể hiện nhạc xưa: “Hoàng Tùng có kỹ thuật thanh nhạc khá hoàn hảo, thể hiện các ca khúc xưa mạnh mẽ nhưng vẫn rất trữ tình. Giọng hát Hoàng Tùng không thuộc về các trào lưu thời thượng. Hoàng Tùng sinh ra là để hát những bản tình ca đẹp, được đóng gói cẩn thận trong không gian âm thanh chuẩn mực”.
Với việc ra một album nhạc xưa, Hoàng Tùng khẳng định: Anh không muốn đóng khung mình với một dòng nhạc nào mà muốn trở thành một nghệ sĩ đa năng. Hiện tại, anh cũng đang sáng tác và sắp tới, khán giả sẽ có thể được nghe Hoàng Tùng hát chính những ca khúc của mình.
Theo Thanh Thanh/VOV News