Ca sĩ Thanh Tuyền: Danh vọng, tiền tài vật chất không còn quan trọng

Google News

Nữ ca sĩ Thanh Tuyền nói bà đã từng ở trên cao và cũng từng lọt xuống hố sâu nên thấm thía rồi và nghĩ đối với mình không có gì quan trọng hết.

Có duyên với bolero nhất
Dòng nhạc Bolero đang được nhiều khán giả yêu thích và không chỉ là những khán giả cao tuổi. Bà có nhận định gì về hiện trạng này?
-Thanh Tuyền: Hồi năm 1965- 1966 cả miền Nam đặt ch tôi biệt danh là “Nữ hoàng bolero”. Nhưng lúc đó có nhiều người có thành kiến với dòng nhạc này, họ cho đây là “nhạc sến”. Theo tôi, làm gì có nhạc sang, nhạc sến. Mọi người thử tìm trong 7 nốt nhạc, có nốt nào là sến, nốt nào là sang đâu. Tôi là ca sĩ, bất cứ dòng nhạc nào cũng hát được nhưng lại có duyên với bolero nhất.
Hiện tại, dòng nhạc này đang quay trở lại, cho thấy sức sống lâu bền của nó. Bolero rất thực tiễn, mỗi bài hát nói thẳng về tình cảm của một người mà có nhiều người cùng tâm trạng. Tôi thấy nhiều em trẻ bây giờ hát rất hay nhưng cũng có nhiều em hát chỉ để hát. Bolero là dòng nhạc chân thật, bình dị, đòi hỏi tình cảm, đòi hỏi người hát phải để hồn vào đó, phải chết sống với bài hát mới hay được. Tuy nhiên, hiện nay có nhiều người hát dòng nhạc này thì tôi mong nó sẽ còn mãi mãi vì đây là dòng nhạc chỉ Việt Nam mới có.
 
Nhiều người nhận xét bolero bi lụy và sầu muộn, bà có nghĩ như vậy không?
- Sầu buồn hay không là do mình thôi. Nghe Thanh Tuyền hát, các bạn có thấy sầu buồn không? Bi lụy do người ta cố tình tạo ra, đang diễn đấy. Ca khúc buồn tự trong tim buồn chứ không cần phải diễn tả ra. Cùng hát một ca khúc nhưng có người hát nhẹ nhàng, có người hát giống như sắp chết vậy, nghe rất mệt mỏi. Dòng nhạc này không phải dễ hát đâu, đòi hỏi ca sĩ phải để cái tâm thể hiện. Khi hát bất cứ bài nào, tôi cũng trút hết cảm xúc, làn hơi…
Mỗi bài hát bolero là cuộc đời của mỗi một người. Nhiều bài hát cất lời lên cứ như xé từng mảnh trái tim, động chạm thẳng vào cuộc đời nên nhiều người thích. Chẳng hạn, bạn vừa bị người yêu bỏ thì có những câu hát đúng tâm trạng đó. Nhiều khi không biết tâm sự với ai, bạn có thể nghe dòng nhạc này để trút nỗi niềm. Đây là lý do Bolero "sống thọ" cho đến bây giờ.
Gần đây, bà có ra sản phẩm âm nhạc nào mới không?
- Tôi chưa từng tự ra album gì cho mình. Nhà tôi bây giờ còn rất nhiều CD đã thu của các hãng trước đây. Tôi thường đưa cho nhà thờ bán, dùng tiền làm từ thiện. Tôi cũng không làm album mới gì cả vì không cần thiết.
Bà làm cách nào có thể giữ cảm xúc tròn đầy suốt mấy mươi năm đứng trên sân khấu hát?
- Tôi nghĩ trời sinh tôi ra để hát nên khi nhạc nổi lên là cảm xúc đầy ắp trong tim. Tôi lớn rồi, không trẻ trung như các em trẻ nữa. Sân khấu đã cho mình quá nhiều, nhờ đó mà mình mới có được tình cảm của mọi người nên ca sĩ không bao giờ dám nói bỏ sân khấu. Nếu ơn trên còn cho tôi hát, tôi vẫn tiếp tục cho đến khi không thể nữa thì thôi. Mọi thứ với tôi bây giờ là cộng thêm. Chính vì điều đó nên tôi giữ gìn sức khỏe thật tốt và sống bằng cái tâm.
Có những ca khúc gắn với tên tuổi nhiều như: "Nỗi buồn hoa phượng", "Đà Lạt chiều hoàng hôn", "Ở hai đầu nỗi nhớ", "Không bao giờ quên anh"... Mỗi lần thể hiện lại, bà làm cách nào để tạo cảm xúc mới mẻ?
- Người ta nói kinh nghiệm trên sân khấu, bản thân, cuộc đời giúp ca sĩ nhiều cảm xúc hơn, tình cảm hơn. Nhiều bài của tôi nổi tiếng ngày xưa đã được các thế hệ ca sĩ trẻ tiếp tục hát. Nhưng khi tôi về Việt Nam thì những khán giả của tôi lại muốn đích thân tôi hát cho họ nghe. Tôi có nhiều bài mới hay lắm nhưng họ không muốn nghe. Họ chỉ thích nghe những ca khúc đã gắn với kỉ niệm một thời, những bài hát khiến họ thương giọng ca Thanh Tuyền.
Hiện nhiều nghệ sĩ cùng thời với bà về Việt Nam làm giám khảo các chương trình truyền hình thực tế. Bà có dự định gia nhập lực lượng này?
- Tôi cũng xem và cũng được một số bạn gặp, mời làm giám khảo. Nhưng tôi muốn suy nghĩ thêm vì không muốn cảm giác nhìn người thắng - người thua nên chắc tùy duyên thôi. Tôi cũng chưa biết làm giám khảo là thế nào nữa.
Tiếp tục hoạt động từ thiện
Về Việt Nam đợt này, bà có tiếp tục các hoạt động từ thiện lâu nay của gia đình không?
- Tôi nghĩ mình mang nợ cuộc đời, phải trả cho hết vì cuộc đời cho tôi quá nhiều rồi. Bây giờ, hễ có thời gian, tôi và gia đình đều đi làm từ thiện. Chúng tôi làm từ những gì mình có, chứ không kêu gọi quyên góp. Không phải bây giờ về đây đi hát tôi mới làm từ thiện mà bắt đầu công việc này từ lâu. Nhớ hồi năm 1990, khi chưa được hát, tôi đã về nước làm từ thiện rồi. Tôi đã từng ở trên cao và cũng từng lọt xuống hố sâu. Tôi đã thấm thía rồi và nghĩ đối với mình không có gì quan trọng hết. Nói theo tâm linh một Phật tử, tôi phải làm nhiều điều thiện trước khi không còn được ở trong kiếp người này nữa.
Những hoạt động từ thiện của bà và gia đình có nhắm vào một đối tượng cụ thể không hay chỉ thấy cần giúp thì hỗ trợ?
- Từ xưa đến nay, tôi chủ động tìm kiếm và âm thầm giúp đỡ mọi người. Nhiều người không biết tôi giúp, chỉ biết có người tên Nguyễn Mai hỗ trợ. Tôi làm từ thiện không phải vì danh tiếng, nói thẳng là như vậy. Tôi từng tuột xuống tận cùng hố sâu và lúc đó nhìn nhận được nhiều việc, những chuyện giúp trưởng thành theo thời gian. Những điều đó làm tôi cảm thấy cuộc đời chỉ còn chữ “tình”, “tâm” chân thành là quý. Danh vọng, tiền tài vật chất không còn quan trọng nữa!
Ngày thường tôi liên hệ với gia đình ở Đà Lạt, Sài Gòn để làm từ thiện, những lúc rảnh thì sắp xếp đi giúp cho nhà thờ, chùa. Ai cần gì, tôi xem xét và giúp. Cuối tuần, tôi mới đi hát. Tôi không để trống lúc nào hết, tôi quý từng ngày, từng giờ. Ngay cả khi ngồi nói chuyện với bạn như thế này tôi cũng quý ngày hôm nay vì không biết mình có còn hát được ngày mai không. Không phải tôi bi quan mà tôi thấy rõ cuộc đời này không thể nào biết trước được điều gì.
 
Bà có dành nhiều thời gian để đầu tư mua sắm thời trang, làm đẹp để giữ nét thanh xuân như nhiều ca sĩ khác không?
- Tôi không sắm nhiều, chỉ chừng mực thôi. Tôi đi qua nhiều nơi, thấy nhiều mảnh đời bất hạnh nên thay đổi nhiều lắm. Tôi quý từng hạt cơm, cái áo. Mỗi ngày sau khi tôi hát, được khán giả thương là về nhà tôi được ngủ một giấc ngon.
Ngay cả bây giờ trong cuộc đời này, trong giới nghệ sĩ, đâu phải ai cũng thương mình hết đâu nhưng tôi không quan tâm, những việc đó không ảnh hưởng gì tới tôi hết. Tôi chỉ biết mình làm đúng...
Mừng vì con cái không theo nghề
Các con của bà ở Mỹ hiện nay thế nào rồi?
- Con cái tôi đều thành tài, không phải lo gì. Ngược lại, các con còn lo cho tôi nữa vì tôi thường đi diễn khắp nơi.
*Con gái bà, Shayla cũng từng theo đuổi nghề hát được một thời gian nhưng cũng đã tạm dừng. Trong khi gia đình có truyền thống ca hát nhưng các con không có được thành công vang dội như mẹ, dì Sơn Tuyền. Bà có chạnh lòng không?
- Nhạc của Sayla là nhạc Mỹ nhưng lúc cháu nó nổi tiếng là giai đoạn 18 tuổi, còn bây giờ, con bé đã 40 tuổi rồi. Sau khi lập gia đình, Shayla không theo con đường ca hát. Tôi mừng khi các con không làm ca sĩ. Nghề hát phải chịu thị phi nên tôi không muốn các con nối nghiệp. Thêm vào đó, một người có thể trở thành nghệ sĩ hay không còn phải xem có duyên nghiệp không. Nhiều người hát hay nhưng chỉ hát được vài ba năm rồi biến mất vì nghề này không phải là cái nghiệp họ đeo mang.
*Lần này về nước có kỉ niệm gì khiến bà bồi hồi không?
- Dù ở đâu, Sài Gòn lúc nào cũng ở trong tim tôi. Lúc bên Mỹ, tôi vẫn nhớ Sài Gòn. Tôi nhớ nhất những ngôi nhà cũ đã ở ngày xưa ngay Hàng Xanh mà mỗi lần đi ngang không vào được.
Món ăn nào bà nhớ nhất?
- Tôi nhà quê, bình dân lắm! Tôi không quan trọng hay cầu kì ăn uống. Ăn thì cũng nhớ những món kỉ niệm. Có những kỉ niệm hồi trẻ không bao giờ quên, như lúc nào trong nhà cũng phải có ba khía, rau luộc nên bây giờ lúc nào trên mâm cơm của tôi cũng có món này.
Bà có sợ sự nổi tiếng không?
- Tôi không muốn người ta biết mình là ca sĩ. Năm 1967 bắt đầu có đài truyền hình đen trắng thì khán giả bắt đầu biết mình, còn trước đó thì không biết. Đến khi báo chí bắt đầu đăng hình tôi lên bìa là tôi đã học xong rồi.
Mấy chục năm nay tôi chưa hề thấy mình “xuống”, bởi vì chưa bao giờ nghĩ mình “lên”. Tính tôi trước sau như một với những người làm việc chung, bạn bè. Tôi không biết “chảnh”, mà muốn làm cũng không được, nhất là đến giờ, sau bao nhiêu thăng trầm. Nhạc sĩ Hoàng Thi Thi, con của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ đặt cho tôi biệt danh là “nữ ca sĩ không xuống tông”, tức là tôi trước giờ vẫn vậy. Ngay cả lúc lên cao tận cùng thì tôi vẫn vậy.
Cuộc sống vợ chồng của bà hình như rất êm ấm ?
- Tôi đã giác ngộ đạo Phật . Tôi và chồng tu tại gia nên mọi chuyện rất bình an. Bây giờ đối với tôi mọi chuyện như không có gì tồn tại hết. Ngày mai không biết có chuyện gì xảy ra, cuộc sống hiện tại là quý nhất.
Mời quý độc giả xem video về hoa hậu Diệu Ngọc (nguồn Zing):
Theo Minh Khuê /Người Lao Động