Cách dạy đệ tử lạ lẫm của Thành Long trên màn ảnh

Google News

"The Karate Kid" là bộ phim đáng xem về tình thầy trò. Thành Long không phải người cha mẫu mực ngoài đời nhưng ông là người thầy đáng kính trên màn ảnh.

The Karate Kid khi lên kế hoạch sản xuất lại đã không nhận được sự hưởng ứng của khán giả thế giới. Bởi trong lòng nhiều thế hệ, The Karate Kid gắn liền với tên tuổi tài tử Ralph Macchio và huyền thoại võ thuật Nhật Bản - Pat Morita trong bản phim năm 1984.
Dựa trên câu chuyện trong phiên bản cũ, phim với sự diễn xuất của Thành Long, Jaden Smith, Vu Vinh Quang bị đánh giá khó vượt qua được bản gốc.
Nhưng The Karate Kid (tên tiếng Hoa là Mộng Kung Fu) đã làm được điều kỳ diệu.
Với kinh phí vỏn vẹn 40 triệu USD, câu chuyện về ông thầy giáo kỳ lạ tên Han và cậu bé 12 tuổi đến từ nước Mỹ - Dre Parker - mang về doanh thu gần 360 triệu USD trên toàn thế giới.
Cach day de tu la lam cua Thanh Long tren man anh
Dre trưởng thành sau những bài học về con người và võ học của thầy Han. Ảnh: IMDB.
Một mô-típ quen thuộc nhưng không hề cũ kỹ cùng giá trị nhân văn sau mỗi tình tiết là nút thắt khiến phim được đánh giá cao.
"Học võ để giữ hòa bình với đối thủ"
Bộ phim mở đầu với việc cậu bé Dre Parker phải theo mẹ đến Bắc Kinh (Trung Quốc). Đó không phải là điều mong muốn của Dre, cậu rời xa trường học, bạn bè và đến một quốc gia xa lạ. Trên hành trình mười mấy tiếng ở máy bay, cậu nhóc mang theo nỗi chán chường và sự thất vọng vào tương lai.
Tại mảnh đất của môn võ Kung Fu, Dre bị nhóm thanh niên có võ bắt nạt. Bị đánh, phải chạy trốn hết từ lần này đến lần khác, cậu bé 12 tuổi trở nên đơn độc, yếu đuối.
Nhưng lúc này, cậu gặp thầy Han (do Thành Long thủ vai). Người đàn ông tuổi trung niên làm nghề sửa đồ điện, có thể nói tiếng Anh và giỏi võ.
Nhận ông Han làm thầy, bài học đầu tiên dành cho Dre không phải là những chiêu thức Kung Fu kinh điển. Han nói với học trò về châm ngôn học võ.
Cach day de tu la lam cua Thanh Long tren man anh-Hinh-2
Nhân vật của Thành Long có cách dạy học trò không theo khuôn mẫu học võ là phải mạnh và chiến thắng.
Khi Dre muốn học võ để hạ những kẻ bắt nạt cậu, thầy Han lập tức phản đối. Với nam tài tử này, cách tốt nhất để chống lại những kẻ xấu là “tránh xa đối thủ”. Bởi “võ học không phải để gây chiến mà để tạo ra hòa bình”.
Ở một hướng đối lập, thầy giáo võ sư do Vu Vinh Quang đóng lại đòi hỏi đệ tử chiến thắng bằng mọi giá. “Không khoan nhượng, không thương xót ngay cả khi đối thủ đã ngã xuống”.
Thầy Han cho rằng: “Không có học trò tồi mà chỉ có sư phụ không tốt”.
"Cởi áo, mặc áo và treo áo"
Bài học thứ hai dành cho Dre là cậu bé phải cởi áo, mặc áo rồi lại treo áo lên giá gỗ. Ngày này qua ngày khác, cậu bé phát chán với việc võ chưa được dạy, thay vào đó là những việc chán ngắt.
Dre từng nghĩ đây là cách thầy Han dạy cậu thay đổi thái độ, biết ngoan ngoãn nghe lời mẹ.
Cach day de tu la lam cua Thanh Long tren man anh-Hinh-3
Cố gắng từ những điều bình dị nhất trước khi nghĩ đến chuyện xa vời. Dre hàng nghìn lần phải cởi, áo mặc áo và treo áo.
Dre đã đúng, thầy Han muốn dạy cậu về sự kiên nhẫn, thái độ tôn trọng với người lớn, nghiêm túc trong mọi việc dù là nhỏ nhất. Nhưng không chỉ thế, võ học cũng đến từ những điều tưởng như vô vị.
"Tập trung và mạnh mẽ trong mọi việc dù là nhỏ nhất là bí quyết để thành công". Nhờ đó, Dre nhanh nhẹn hơn chỉ với những động tác đơn giản trước khi đến với các thế võ của Kung Fu.
"Chúng ta có thể lựa chọn đứng lên hay gục ngã"
Khi theo thầy học võ, Dre bắt gặp một người phụ nữ đang di chuyển theo con rắn. Thầy Han nói rằng cậu nhìn chưa đủ sâu vì con rắn thực ra đang cử động theo người phụ nữ.
“Tĩnh lặng và không làm gì là hai chuyện khác nhau”, Han nói. Ông miêu tả sinh động cho Dre bằng việc đòi hỏi cậu bé phải tự tập trung và tĩnh lặng.
Khi cô gái tâm lặng như mặt hồ, con rắn không nhìn thấy ai ngoài chính nó. Nó di chuyển theo chiếc bóng qua đôi mắt cô gái. Nói cách khác, rắn đã bị thu phục.
Cach day de tu la lam cua Thanh Long tren man anh-Hinh-4
“Cuộc sống có thể khiến chúng gục ngã, nhưng chúng ta có quyền lựa chọn đứng lên hay gục ngã mãi mãi”.
Ở đoạn cuối phim, Dre sử dụng chiêu thức Rắn quyền khi đấu cùng Cheng. Cheng cũng không nhìn thấy ai ngoài chính bản thân mình nên đã thua cuộc.
Thực vậy, mọi bí kíp và sự truyền đạt học tập luôn mang tính tương đối. Không ai có thể thành công nếu vội vàng nhìn mọi thứ bằng mắt thường, tự cho rằng mình là duy nhất.
Trong cuộc sống, không ai không trải qua thất bại. Thầy Han cũng từng đau khổ sau cái chết của vợ con, Dre bị bạn bè cô lập. Nhưng quan trọng trước số phận, chúng ta lựa chọn điều gì.
“Cuộc sống có thể khiến chúng gục ngã, nhưng chúng ta có quyền lựa chọn đứng lên hay gục ngã mãi mãi”, đây là bài học của chính thầy Han rút ra sau thời gian ở cùng Dre.
Theo Hiểu Nguyệt/Zing