Cái bẫy từ lò đào tạo ca sĩ ở Trung Quốc

Google News

Truyền thông Trung Quốc kêu gọi những người trẻ tuổi nên cảnh giác với nơi "đào tạo nghệ sĩ". Phần lớn đó chỉ là công ty ma lợi dụng giới trẻ nhẹ dạ để thu lợi bất chính.

Ngày 1/9, Thời báo Hoàn cầu đưa tin một số công ty ảo đang núp trong vỏ bọc đào tạo nghệ sĩ để lừa gạt những người trẻ tuổi. Trước đó, Tân Hoa Xã có bài báo vạch trần trò lừa đảo của những công ty lợi dụng giới trẻ ôm mộng đổi đời.

Những năm gần đây, các chương trình tìm kiếm tài năng, show sống còn tuyển chọn thần tượng nở rộ ở Trung Quốc. Nắm được điều đó, nhiều công ty giải trí chuyển hướng sang việc tìm kiếm thần tượng trẻ và đào tạo dưới hình thức thực tập sinh.

Xu hướng này một mặt giúp giới giải trí phát hiện ra những gương mặt trẻ, mặt khác làm xuất hiện ngày càng nhiều công ty lừa đảo. Công ty ma núp bóng lò đào tạo thần tượng ra đời, lợi dụng ước mơ đổi đời của một số người trẻ để kiếm tiền.

Bẫy khắp nơi

Khái niệm "thực tập sinh" xuất phát từ ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc. Đây được xem là cái nôi tuyển dụng những người trẻ có tiềm năng và đào tạo họ trở thành ngôi sao nhạc pop. Hình thức này lan sang Trung Quốc những năm gần đây và nở rộ sau khi hai chương trình Thanh xuân có bạn, Idol Producer (Produce 101 bản Trung) thành công.

Các công ty Trung Quốc bắt đầu tuyển dụng thực tập sinh nhiều hơn bao giờ hết. Thống kê từ nền tảng phát trực tuyến iQiyi cho thấy có 1.908 thực tập sinh từng tranh tài trên Idol Producer, Sáng tạo doanh 2021 và Thanh xuân có bạn có hơn 100 thực tập sinh cạnh tranh mỗi mùa.

Xiao Ai (đã đổi tên), sinh viên đại học ở Bắc Kinh, nói với Tân Hoa Xã rằng cô từng nhận được lời mời phỏng vấn thông qua Weibo từ một công ty tự nhận là lò đào tạo nghệ sĩ. Cô được yêu cầu ký hợp đồng sau khi vượt qua vòng phỏng vấn và sẵn sàng trở thành thực tập sinh.

Cai bay tu lo dao tao ca si o Trung Quoc

Cai bay tu lo dao tao ca si o Trung Quoc-Hinh-2

Người trẻ dính bẫy khi nuôi tham vọng nổi tiếng sau một chương trình như Thái Từ Khôn, Ngu Thư Hân. Ảnh: Weibo.

Sau cuộc phỏng vấn, phía công ty yêu cầu Xiao đóng 7.700 USD trên danh nghĩa “chi phí đào tạo” để được ký hợp đồng. “Tôi làm theo, nhưng không lâu sau công ty bốc hơi”, cô nói với Tân Hoa Xã.

Xiao không phải nạn nhân duy nhất bị các công ty ma lừa đảo. Li, một sinh viên đại học ở Bắc Kinh, cho biết cô từng bị lời mời ngon ngọt và chạy theo đam mê làm thần tượng, sau khi được một người môi giới hỏi “Liệu bạn có quan tâm đến tiền bạc và danh tiếng hay không?”.

Li nói với Thời báo Hoàn cầu: "Tôi bị một người lạ mặt tiếp cận trong lúc đang shopping ở trung tâm thương mại. Mãi sau này tôi mới biết đó là trò lừa đảo vì tôi không thể tìm thấy tên công ty trên Internet".

Vương Hải Đường, chuyên gia phát hiện tài năng và đào tạo thần tượng ở Quảng Châu nói với Tân Hoa Xã rằng những công ty ma thường đánh vào tâm lý muốn nổi tiếng nhanh chóng của người trẻ nhẹ dạ. Với lời chào mời “bạn là người tiềm năng”, “sẽ giới thiệu với những tên tuổi lớn trong ngành”... thực tế công ty chỉ lợi dụng để thu phí thực tập sinh, trói họ bằng hợp đồng ma.

Theo Thời báo Hoàn cầu, Trung Quốc đang tiến hành chấn chỉnh ảnh hưởng tiêu cực của văn hóa người nổi tiếng. Hình thức tìm thực tập sinh thông qua các chương trình thần tượng là một trong số đó. Cung Vũ - giám đốc điều hành của iQiyi - thông báo vào tháng 8 rằng họ sẽ hủy bỏ mọi chương trình tìm kiếm thần tượng trong vài năm tới.

Sự việc diễn ra sau khi công ty phát trực tuyến bị chỉ trích hồi cuối tháng 4. Người hâm mộ mua hộp sữa, sau đó không uống, đổ xuống cống chỉ để lấy mã QR Code bình chọn cho thần tượng trong Thanh xuân có bạn 3.

Các chuyên gia cho rằng một khi nền “kinh tế thần tượng” suy thoái, xu hướng tuyển dụng thực tập sinh sẽ giảm nhiệt. Tuy nhiên, người trẻ vẫn phải cảnh giác với nạn lừa đảo thực tập sinh và cái gọi là “cơ hội ra mắt trong vai trò thần tượng”.

Thực tế không màu hồng

Zhang Qingyuan, 18 tuổi, ôm mộng trở thành ca sĩ nổi tiếng nên quyết định lặn lội từ Hợp Phì đến Bắc Kinh, đăng ký vào khóa huấn luyện idol. Trước đó, anh làm người mẫu bán thời gian. Tuy nhiên, Zhang cần nhiều hơn danh xưng người mẫu. “Dù có catwalk suốt 10 năm, họ chỉ nhớ tên các thương hiệu”, Zhang nói.

Chàng trai 18 tuổi quyết định chi 1.500 USD để đóng học phí cho Star Master và thuê chỗ ở, chi phí phát sinh. Song, Zhang không thu hoạch được gì sau khóa huấn luyện ở trại hè. Anh nhanh chóng nhận ra việc làm idol không dễ như tưởng tượng, quyết định về Hợp Phì, chuẩn bị vào đại học.

Cai bay tu lo dao tao ca si o Trung Quoc-Hinh-3

Cai bay tu lo dao tao ca si o Trung Quoc-Hinh-4

Nhiều người vỡ mộng vì ngành công nghiệp thần tượng không hề hào nhoáng. Ảnh: Sixth Tone.

Ngay cả khi được các công ty thần tượng để ý, thực tế cơ hội để ra mắt và thành công như Thái Từ Khôn, Dương Siêu Việt hay Ngu Thư Hân là rất khó.

Theo Sixth Tone, 2018 là giai đoạn nở rộ của “kỷ nguyên thần tượng”. Sau 3 năm phát triển, giới trẻ xem đây là cơ hội đổi đời. Tuy nhiên, theo Bu Erfu, cố vấn chính, người chịu trách nhiệm tuyển dụng và đào tạo tài năng tại Star Master, cho biết không phải ai cũng có cơ hội thành công.

“Họ luôn hỏi tôi 'Khi nào tôi có thể ra mắt'. Các chương trình đã đánh lừa họ. Không ai nhận ra các thực tập sinh trên TV trải qua bao nhiêu năm đào tạo, thậm chí mồ hôi và nước mắt”, Bu nói.

Ông cũng khẳng định rằng trong số 100 thực tập sinh, 80 người có thể từ bỏ dù tiềm năng trở thành ngôi sao. 20 người trong số họ có thể vẫn tồn tại, nhưng chỉ có một người duy nhất được ra mắt và nổi tiếng.

Jiang Yu từng nghĩ rằng mình sinh ra để trở thành ngôi sao nhạc pop. Cô ký hợp đồng với Star Master với tư cách thực tập sinh, nhưng cô mãi ở vị trí này suốt 4 năm, không phát triển.

Cô vẫn tham gia vô số buổi thử giọng, không thu nhập. Giấc mơ trở thành ngôi sao nhạc pop ngày càng mơ hồ. Đam mê, nhiệt huyết cũng cạn dần. Chỉ có tuổi tác và sự tiếc nuối ngày càng tăng. “Trong bốn năm tôi đã chờ đợi một cơ hội. Đã vô số lần tôi nghĩ mình nên từ bỏ”, Jiang Yu nói với Sixth Tone.

Theo Trạch Dương/ Zingnews.vn