|
NSND Hồng Vân phải cúi đầu xin lỗi, thừa nhận thiếu trách nhiệm khi quảng cáo thực phẩm chức năng |
Hai văn bản liên tiếp
Những ngày qua dư luận lên án một số nghệ sĩ quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe sai sự thật làm ảnh hưởng sức khỏe, tính mạng, tài sản và niềm tin của người tiêu dùng. Nhiều cái tên đình đám dính phốt, trong đó phải kể NSND Hồng Vân, MC Trấn Thành, nghệ sĩ Vân Dung…
Bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở - Bộ VHTTDL, ký công văn số 338 gửi Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Phát thanh và Truyền hình các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Sở VHTTDL, Sở VH &TT, Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị chấn chỉnh quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
“Nhằm kiểm soát, chấn chỉnh hoạt động quảng cáo, Cục Văn hóa cơ sở đề nghị các cơ quan, đơn vị kiểm soát chặt chẽ nội dung quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe và các sản phẩm tương tự trên các phương tiện, đảm bảo nội dung phải trung thực, chính xác, rõ ràng, không gây thiệt hại cho người sản xuất, kinh doanh và người tiếp nhận quảng cáo theo quy định tại Khoản 1 Điều 19 Luật Quảng cáo”, bà Thu Hương nêu.
|
Vợ diễn viên Lê Dương Bảo Lâm bị phạt gần 52 triệu đồng vì livestream bán hàng giả |
Ráo riết chấn chỉnh nghệ sĩ trong hoạt động nghệ thuật nói chung, hoạt động quảng cáo nói riêng, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông tiếp tục ký văn bản ngày 4/6 gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam.
Lãnh đạo Bộ ghi nhận sự đóng góp tích cực của phần lớn nghệ sĩ vào các hoạt động nghề nghiệp, hoạt động xã hội, tuy nhiên nêu hiện tượng gần đây một số nghệ sĩ, diễn viên, người biểu diễn tham gia hoạt động quảng cáo có nội dung không đúng hoặc gây nhầm lẫn về công dụng của sản phẩm; sử dụng mạng xã hội truyền tải thông tin chưa xác thực, thiếu kiểm chứng, xúc phạm cá nhân; một số tổ chức, cá nhân phổ biến, lưu hành bản ghi âm, ghi hình có nội dung không phù hợp với thuần phong mỹ tục, truyền thống của dân tộc, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, đến nhân phẩm, làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng, làm xấu đi hình ảnh của người nghệ sĩ và gây bức xúc trong nhân dân.
Loạt biện pháp chấn chỉnh hiện tượng nghệ sĩ quảng cáo sai lệch: đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật về nghệ thuật biểu diễn, quảng cáo, an ninh mạng đến các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động văn hoá, nghệ thuật.
Tăng cường thanh kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định tại Nghị định số 144/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn, pháp luật về quảng cáo và các quy định pháp luật có liên quan. Bộ đề nghị các địa phương cần quy chế quản lý, xử lý trách nhiệm đối với các trường hợp có sai phạm.
Không buông lơi trách nhiệm nghệ sĩ
Thứ trưởng Tạ Quang Đông đề nghị Ủy ban toàn quốc các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam chỉ đạo lãnh đạo các tổ chức thành viên đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật đến các hội viên; yêu cầu các hội viên tham gia hoạt động nghề nghiệp, hoạt động xã hội cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, lan toả những việc làm tốt, những hình ảnh đẹp, tác phong, ứng xử văn hoá đến cộng đồng, xã hội và thực hiện nghiêm Điều lệ, nội quy, quy chế của Hội và các quy định pháp luật có liên quan.
NSND Vương Duy Biên, Phó Chủ tịch chuyên trách Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam cho biết đã tiếp nhận văn bản của Bộ quanh câu chuyện chấn chỉnh nghệ sĩ. “Chúng tôi sớm gửi văn bản về các hội chuyên ngành trên toàn quốc. Nghệ sĩ trước hết phải có trách nhiệm công dân với xã hội, với đất nước.
Nghệ sĩ là người của công chúng cho nên sự sáng tạo, tác phẩm đều phục vụ công chúng, hướng tới công chúng. Lan tỏa những điều tốt đẹp tới xã hội, đó mới là nghệ sĩ đích thực. Chúng tôi sẽ nhắc nhở các hội từ trung ương tới địa phương phải nâng cao nhận thực của hội viên, để nghệ sĩ nắm rõ hơn quy định pháp luật”, ông Vương Duy Biên nói.
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam phân tích: xã hội có sự ngưỡng mộ đặc biệt đối với nghệ sĩ nổi tiếng, sức ảnh hưởng của họ lớn và dễ lôi kéo công chúng. “Một bộ phận nghệ sĩ hoạt động tự do, không sinh hoạt trong bất cứ tổ chức nghề nghiệp nào, vì thế trên con đường lan tỏa ảnh hưởng cá nhân, một số nghệ sĩ không kiên định lập trường, không vững vàng chí hướng phục vụ công chúng mà sa đà vào thương mại hóa.
Sự chao đảo này dẫn tới thương mại hóa không lành mạnh, gây ra tác hại nhãn tiền như quảng cáo sai lệch, xuyên tạc thậm chí lừa đảo”, ông Đỗ Hồng Quân nói. Giới văn nghệ sĩ từ lâu mong mỏi sớm xây dựng luật về hoạt động văn học nghệ thuật, coi đó là hành lang pháp lý vững vàng để điều chỉnh hành vi của văn nghệ sĩ trên toàn quốc.
Bài học đắt giá
NSND Hồng Vân phải lên tiếng nhận trách nhiệm, xin lỗi khán giả vì quảng cáo thực phẩm chức năng nhưng đoạn clip quảng cáo khiến khán giả hiểu lầm là thuốc chữa bệnh. Hồng Vân cũng lấy tư cách nghệ sĩ hoạt động lâu năm kêu gọi đồng nghiệp rút kinh nghiệm qua bài học đắt giá của chị để “hạn chế những lỗi lầm tương tự trong tương lai, ảnh hưởng đến uy tín và sự mến mộ, tin cậy của công chúng đối với nghệ sĩ”.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia cho rằng, để xảy ra quảng cáo sai lệch là lỗi của nhiều bên. “Dù vậy, vì bất cứ lý do gì, nghệ sĩ cũng có trách nhiệm trong việc quảng cáo sai về sản phẩm. Nghệ sĩ cần ý thức rõ trách nhiệm xã hội, có như vậy mới không tham gia những gì không phù hợp với hình ảnh, uy tín và nhất là không vi phạm pháp luật”, ông Sơn nói.
Theo Bảo Hân/Tiềnphong