Chê hài miền Bắc ít thu hút hơn miền Nam là khập khiễng

Google News

"Mọi sự so sánh đều là khập khiễng! Mỗi người có một cảm nhận, hài từng miền đều có những thú vị riêng", một độc giả chia sẻ.

Trong live show của Trường Giang diễn ra vào tối 1/12, MC Thành Trung gây tranh cãi khi so sánh về mức độ đón nhận của khán giả miền Nam và miền Bắc đối với hài kịch.
Nhiều ý kiến đồng tình quan điểm của nam MC khi cho rằng hài miền Nam phục vụ đông đảo người xem, mang lại tiếng cười sảng khoái, thoải mái cho khán giả, còn hài miền Bắc nghiêng về truyền tải thông điệp ý nghĩa trong tác phẩm.
Mặt khác, không ít độc giả nhận định so sánh là khập khiễng, bởi mỗi người có một cảm nhận, hài từng miền đều những thú vị riêng, quan trọng là bản thân thích thú, cảm nhận như thế nào.
Hài miền Nam được đón nhận nhiều hơn
Bạn đọc Hoàng Huy đồng tình với quan điểm của MC Thành Trung khi cho rằng khán giả sẽ là thước đo chính xác nhất về hài kịch của 2 miền. Anh nhận định, hài miền Nam nhẹ nhàng, gây cười không cần suy luận nên thu hút đông đảo người xem.
"Khán giả bỏ tiền xem hài chủ yếu muốn thoải mái mà hài Hà Nội ít cười nên không có khách là phải. Ở trong Nam, đạo diễn tập trung việc mua vui, tạo tiếng cười sảng khoái, dù được coi là nhảm nhí nhưng lại luôn thu hút đông đảo sự quan tâm người xem", độc giả này phân tích.
Cùng suy nghĩ, thành viên Nghĩa Trần cho rằng các danh hài miền Nam như Hoài Linh, Trường Giang, Hồng Vân... có lối diễn thú vị, độc đáo, hấp dẫn. Anh đưa ra dẫn chứng cụ thể, đó là chương trình Ơn giời, cậu đây rồi được rất nhiều người yêu thích.
"Trong chương trình này, nếu trưởng phòng là các danh hài miền Nam, khán giả chắc chắn sẽ được thưởng thức một bữa tiệc ứng biến thông minh kèm giải trí hài hước", độc giả này nhận định.
Che hai mien Bac it thu hut hon mien Nam la khap khieng
 Live show của Xuân Hinh diễn ra tối 5/10 tại Hà Nội cháy vé trước đêm diễn nhiều ngày. Ảnh: Anh Tuấn.
Thậm chí, một số độc giả khác lại khẳng định hài miền Bắc có cốt truyện ý nghĩa, truyền tải thông điệp giá trị và người xem phải suy luận... Nhưng đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến các tác phẩm hài "mất" khách.
"Tôi là người Hà Nội nhưng không thích xem hài Bắc. Bởi các danh hài diễn mãi một kiểu, người xem phải suy luận mới cười được. Trong khi đó, bản thân đi xem hài với mong muốn thoải mái đầu óc", thành viên Quang Thao khẳng định.
Độc giả này chia sẻ bản thân rất đau đầu khi xem hài miền Bắc, dù được cho vé xem miễn phí cũng không đi. Theo anh, các tác phẩm hài đó có thông điệp gửi tới khán giả rất ý nghĩa nhưng lại khiến cho người xem cảm thấy chán vì phải suy luận nhiều.
Mọi so sánh đều khập khiễng
Mặt khác, nhiều bình luận không đồng tình với cách so sánh hài 2 miền của MC Thành Trung khi cho rằng các tác phẩm hài miền Nam đa phần nhạt nhẽo, không ý nghĩa và có chiều sâu như ngoài Bắc. Sở dĩ, khán giả ít xem hài miền Bắc do nhiều yếu tố khách quan chi phối.
Độc giả Trần Hoan cho rằng người Bắc hầu hết làm việc nhà nước, luôn tập trung công việc, tranh thủ nghỉ ngơi những lúc rảnh, dù được cho vé miễn phí cũng không ai đi xem.
Còn ở miền Nam, mọi người chủ yếu là công ty tư nhân chỉ quan tâm đến chất lượng nên được thoải mái giờ giấc. Vì thế, các tác phẩm hài miền Nam có nhiều khán giả hơn là điều tất nhiên.
Bình luận trên Zing.vn, độc giả Duy Lê cũng nhấn mạnh miền Nam đầu tư phát triển, xây dựng nhiều sân khấu và các cuộc thi hài... nên khán giả nhiều hơn không có gì đáng ngạc nhiên.
Che hai mien Bac it thu hut hon mien Nam la khap khieng-Hinh-2
 Live show Chàng hề xứ Quảng 2 của Trường Giang tại Đà Nẵng ngày 12/11 nhận được sự yêu thương của khán giả. Ảnh: Nguyễn Thành.
Bên cạnh đó, không ít bạn đọc cho rằng mỗi người có một quan điểm khác nhau, việc đưa các tác phẩm hài kịch của 2 miền lên "bàn cân" để so sánh sẽ rất khập khiễng.
"Hài cũng như món ăn, tuỳ thuộc khẩu vị của mỗi người mà nhận xét ngon hay không. Người miền Nam tính tình phóng khoáng, ít thâm thúy, cởi mở thì hài cũng mang đậm chất ấy. Ngược lại, hài miền Bắc, các tác phẩm lại đi sâu và cốt truyện và tiếng cười phân theo từng đoạn nhất định", độc giả Ngân Nguyễn đưa ra quan điểm.
Đó cũng là ý kiến của bạn đọc Đức Duy khi cho rằng vở hài kịch nào gây nên tiếng cười, sự thú vị, không dính tới những vấn đề mang tính chất cực đoan thì anh sẵn sàng đón nhận. Theo anh, hài mỗi miền đều có những thú vị thú vị riêng, quan trọng là bản thân thích thú, cảm nhận như thế nào.
"Những nét văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực hay tín ngưỡng sẽ tạo nên đặc trưng mỗi vùng miền. Nếu mỗi người chịu bỏ đi thói quen khác biệt để hòa nhập vào tổng thể dân tộc thì chúng ta sẽ tự hào vì được sống trong một đất nước có nền văn hoá rất đa dạng, phong phú", độc giả Khải Trần bình luận.
Tối 1/12, Trường Giang tổ chức live show Chàng hề xứ Quảng 2 - Về quê tại sân khấu Trống Đồng, TP.HCM. Thành Trung được mời làm MC của chương trình.
Nam MC này gây tranh cãi với phát biểu bày tỏ sự ngưỡng mộ về sức thu hút của Trường Giang: “Thực sự bất ngờ khi trời mưa mà khán giả vẫn đến rất đông để ủng hộ các nghệ sĩ. Trong khi ở ngoài Bắc, mọi người xem hài ở nhà hát, có máy lạnh nhưng khán giả chỉ có 3 hàng ghế”.

Theo Anh Thư/ Zing News