Đạo diễn Đào Duy Phúc cùng đoàn làm phim Lặng yên dưới vực sâu có 4 tháng thực hiện các cảnh quay tại cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang). Địa hình hiểm trở cùng những khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa của người dân nơi đây khiến quá trình quay phim gặp nhiều khó khăn.
Theo chia sẻ của đạo diễn, thời điểm quay phim vào cuối năm, thời tiết khắc nghiệt lại khô hạn, thiếu nước. Việc ăn ở, sinh hoạt càng khó khăn hơn khi không có nơi nào đủ sức chứa đoàn làm phim.
Tuy vậy, thành quả sau 4 tháng là những tập phim Lặng yên dưới vực sâu làm hài lòng anh và các thành viên trong đoàn.
Thót tim vì di chuyển trên núi đá chênh vênh
Ngoài thời tiết, việc đi lại, ăn ở là yếu tố gây nhiều khó khăn nhất cho đoàn làm phim. Hàng ngày các thành viên trong đoàn phải di chuyển qua đoạn đèo có khúc cua nguy hiểm nhất cao nguyên đá Đồng văn, trong đó, rất nhiều lần phải thót tim vì xe chênh vênh trên đỉnh núi.
Tuy may mắn không gặp phải sự cố nào nhưng khi nhớ lại những ngày tháng sống ở vùng cao, đạo diễn Đào Duy Phúc không khỏi sợ hãi.
Anh chia sẻ: "Sau khi đoàn về một tuần, báo chí đưa tin một xe tải lăn xuống vực ở ngay chỗ chúng tôi quay phim. Hay ngay cả những người đoàn quen biết trong quá trình quay thì khi về cũng nghe họ bị tai nạn".
Qua trailer được giới thiệu cách đây ít ngày, Lặng yên dưới vực sâu gây ấn tượng với cảnh cao nguyên đá hùng vĩ. Ở một số phân đoạn, các diễn viên có cảnh giằng nơi vách núi khiến người xem thót tim. Theo đạo diễn, những gì khán giả nhìn thấy trên phim một phần là do góc quay, còn thực tế, đoàn phải tìm vị trí nào đảm bảo được sự an toàn cho mọi người.
Tại địa điểm quay phim, từ 19h, khung cảnh đã tĩnh lặng và tối tăm, do đó, đơn vị sản xuất còn bố trí thêm biện pháp hỗ trợ và người nấp sẵn để ứng phó trong những tình huống nguy hiểm.
Trước đó, anh cùng các thành viên cũng tìm hiểu trước về địa hình, thời tiết… Đặc biệt, để tránh những sai sót trong vấn đề văn hóa, đạo diễn Đào Duy Phúc dành hơn nửa năm để nghiên cứu phong tục, tập quán của con người nơi đây.
"Tìm hiểu phong tục, tập quán một phần, còn lại là về tính cách và những gì liên quan đến bộ phim. Văn hóa của người Mông như một kho đồ sộ, có tìm hiểu rất lâu cũng không hết được, chỉ riêng những gì liên quan đến phim thôi, tôi cũng phải tìm hiểu hơn nửa năm.
Đồng thời, phim phải có cố vấn văn hóa đi theo đoàn. Ngoài ra, trong quá trình quay, chúng tôi luôn hỏi các cụ già hay lãnh đạo xã phụ trách về văn hóa. Có những lúc chúng tôi phải dừng quay nhiều giờ để bàn bạc", vị đạo diễn cho biết.
Khó khăn về mọi mặt, từ thời tiết, sinh hoạt, đi lại đến khác biệt văn hóa… khiến chi phí sản xuất phim cũng tăng lên so với các dự án khác.
"Ở đồng bằng chúng tôi chỉ cần thuê một chuyến xe là có thể đưa tất cả diễn viên tới địa điểm quay, nhưng ở đây phải đi bằng xe máy. Thậm chí, vì quá nhiều đồi núi, nên xe máy cả tháng không đi được số 4, chủ yếu là số 1, 2 và cùng lắm là số 3. Điều đó kéo thêm rất nhiều rất chi phí", đạo diễn Đào Duy Phúc nói.
|
Yếu tố địa hình khiến đoàn làm phim gặp nhiều khó khăn. |
NSND Bùi Bài Bình thường xuyên bị bắt cóc
4 tháng ở vùng cao đầy rẫy khó khăn nhưng mang lại cho các thành viên trong đoàn nhiều trải nghiệm, kỷ niệm khó quên, đặc biệt là về sự đón tiếp của bà con. Để rồi, khi kết thúc quá trình quay, mọi người trong đoàn, ai cũng yêu mến, quyến luyến mảnh đất, con người nơi đây.
Đạo diễn Đào Duy Phúc cho biết người dân nơi đây ban đầu khá lạnh lùng. Tính cách đó cộng thêm khác biệt ngôn ngữ là trở ngại lớn với anh và đoàn phim trong thời gian đầu tiếp xúc.
Anh kể, mọi người thậm chí còn trêu nhau là không khác gì nói chuyện với người nước ngoài bởi nhiều người chỉ nói được tiếng Mông và phải giao tiếp bằng cử chỉ gật lắc đầu, hay ra hiệu.
"Tuy nhiên, sau một thời gian, khi cảm nhận được sự thân thiện, tận tâm của anh em đoàn làm phim, thì có thể ở ngoài họ vẫn giữ biểu cảm lạnh nhưng đằng sau lại có những cử chỉ quan tâm, giúp đỡ. Thậm chí, nhiều khi đoàn đang quay, họ mang rượu ra và bắt uống hết thì mới được quay tiếp.
Ngoài ra, ở đó nước rất hiếm. Thế nhưng họ sẵn sàng nhường bể nước dự trữ được dùng cho ăn uống để chúng tôi làm cảnh mưa", đạo diễn Sinh mệnh không thể quên tình cảm, sự giúp đỡ của đồng bào vùng cao.
Anh cũng có nhiều kỷ niệm khó quên khi nhắc tới 4 tháng quay phim ở Hà Giang, ví dụ như khi đoàn làm phim bị chủ nhà đuổi đi vì say rượu hay việc NSND Bùi Bài Bình thường xuyên bị "bắt cóc".
Anh kể: "Sau một bữa rượu ngô, ông chồng say và khi trở về nhà, sẵn sàng đuổi tất cả anh em đoàn phim ra ngoài. Trước đó chúng tôi đã ký hợp đồng đầy đủ và có chính quyền nói chuyện, tuy nhiên, lúc đó không thể nói lý mà phải nhẹ nhàng khuyên bảo ông ấy".
"Chúng tôi hay trêu nhau là trong phim, các cô gái trẻ bị bắt về làm vợ. Nhưng trên thực tế, ông già nhất đoàn phim là nghệ sĩ Bùi Bài Bình lại thường xuyên bị "bắt cóc". Vì bà con, rồi cả cán bộ, giáo viên, bộ đội… thấy một nghệ sĩ quen thuộc thì thường xuyên bắt đi ăn cơm, uống rượu", nam đạo diễn vui vẻ chia sẻ thêm.
Lặng yên dưới vực sâu ngoài tình yêu của cặp nam nữ chính còn đề cập đến tục bắt vợ gây tranh cãi thời gian qua. Theo anh, tục lệ này vẫn diễn ra ở Hà Giang, bởi đây là một phong tục truyền thống được duy trì ở nhiều nơi.
|
Đạo diễn Đào Duy Phúc trong buổi họp báo giới thiệu phim. |
Phương Oanh mắng cả đoàn phim
Lặng yên dưới vực sâu quy tụ dàn diễn viên trẻ thay vì những cái nổi bật, được khán giả yêu mến thời gian qua. Lý giải lý do chọn những cái tên khá mới mẻ như Phương Oanh, Nguyễn Đình Tú, Hương Giang… đạo diễn Đào Duy Phúc cho biết anh muốn hướng đến yếu tố diễn xuất. Với anh, sự nhập tâm, truyền được cảm xúc cho người xem mới là yếu tố quan trọng nhất để anh lựa chọn diễn viên.
Anh không lo ngại việc nhân tố mới có thể không nhận được sự chú ý, bởi nam đạo diễn hy vọng "nếu diễn viên thực sự nhập vai, truyền được cảm xúc, thì có thể khán giả khi ngó qua định đi nhưng họ sẽ ngồi lại theo dõi đến hết phim".
Trong dàn diễn viên Lặng yên dưới vực sâu, vị đạo diễn tỏ ra ấn tượng với diễn xuất của nữ chính Phương Oanh. Xuất thân là người mẫu nhưng khi hóa thân thành cô gái dân tộc Súa phải trải qua nhiều đau khổ khi tình yêu bị chia cách vì những hủ tục, cô nhiều lần khiến đoàn phim phải nhìn nhau thán phục.
Nói về nữ diễn viên trẻ, đạo diễn chia sẻ: "Lúc đầu, khi thử diễn xuất, tôi thấy ở mức đạt thôi. Nhưng khi vào vai, Phương Oanh nhập tâm, thậm chí, chỉ có một tiếng động ảnh hưởng đến quá trình quay, bạn ấy có thể mắng cả đoàn phim. Mọi người rất trân trọng điều đó và hay nói bạn ấy diễn như lên đồng, bởi diễn xong người cứ rũ ra".
Trước đó, đoàn làm phim dành khoảng 6 tháng để tìm kiếm diễn viên, hàng chục người đến thử vai nhưng cuối cùng khi ngày khởi quay gần kề, nhân vật Súa được giao cho một diễn viên tay ngang.
Theo Lan Phương/ Zing