Trước áp lực của công luận về việc tại sao cơ quan quản lý cho phép "Điệp vụ biển Đỏ" ra rạp chiếu Việt Nam, sáng 26-3, bà Lý Phương Dung - Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL), Ủy viên Hội đồng Trung ương thẩm định phim truyện - được báo điện tử Tổ Quốc của Bộ VH-TT-DL dẫn lời khẳng định thông tin mà mạng xã hội và một số báo mạng cho rằng "tuyên truyền thô lỗ, kệch cỡm với mục đích dằn mặt các bên về chủ quyền biển đảo", "nói biển Đông thuộc Trung Quốc" là không có trong phim này và hoàn toàn suy diễn.
"Không có căn cứ kết luận"?
Bà Lý Phương Dung cho biết thực tế, đoạn cuối phim chỉ có 36 giây, thể hiện tàu của Trung Quốc về tới lãnh hải nước này trong khu vực biển Đông và thấy vài chiếc tàu từ xa, hình dáng không rõ nét. Loa từ tàu Trung Quốc phát ra: "Chú ý, đây là hải quân Trung Quốc. Quý vị sắp tiến vào lãnh hải Trung Quốc, xin hãy đi ngay".
|
Cảnh tàu Trung Quốc rượt đuổi tàu nước khác trên biển Đông mà Trung Quốc cho là thuộc chủ quyền của mình trong phim "Điệp vụ biển Đỏ". (Ảnh cắt từ phim) |
|
Cảnh tàu Trung Quốc rượt đuổi tàu nước khác trên biển Đông mà Trung Quốc cho là thuộc chủ quyền của mình trong phim "Điệp vụ biển Đỏ". (Ảnh cắt từ phim) |
"Những hình ảnh, âm thanh và lời thoại của đoạn cuối hoàn toàn không có căn cứ để kết luận rằng bộ phim tập trung vào 2 nội dung nêu trên như quy kết. Theo đó, bài viết mang tính suy diễn chủ quan, kích động, kéo theo một số bài trên các báo khác, gây ra nhiều thông tin trái chiều, sai lệch trong dư luận, đồng thời tạo ra những tác động tiêu cực trong xã hội" - bà Lý Phương Dung được Tổ Quốc dẫn lời.
Phát biểu của bà Lý Phương Dung vấp phải sự phản bác của công luận. Nhiều bạn đọc Báo Người Lao Động không đồng tình và cho rằng Cục Điện ảnh ngụy biện, chống chế để tránh trách nhiệm.
Khó thể nghĩ khác
Trong đoạn cuối phim, "Điệp vụ biển Đỏ" dựng cảnh một vùng biển rộng lớn với nhiều tàu chiến tối tân của Trung Quốc xuất hiện, bao vây tàu nước khác, tuyên bố chủ quyền và đề nghị tàu này rời khỏi. Trong khi đó, vùng biển này là khu vực đang tranh chấp chủ quyền giữa các nước - Trung Quốc gọi là "South China Sea" (Nam Trung Hoa hoặc Nam Hải) còn Việt Nam gọi là biển Đông.
Mặc dù có ý kiến cho rằng cảnh biển trên phim không phân định rõ hải phận nước nào nhưng cách mà nhà làm phim Trung Quốc sử dụng từ "South China Sea" với vùng biển chưa rõ ràng được cho là ẩn ý khẳng định bất hợp pháp chủ quyền lãnh hải. Vấn đề nhạy cảm này khó có thể nghĩ khác khi rõ ràng cảnh cuối không liền mạch với cả nội dung phim.
Bạn đọc Nguyễn Thành Long cho rằng bà Lý Phương Dung chưa giải thích được tại sao phim nói về "Điệp vụ biển Đỏ" nhưng lại kết thúc ở biển Đông để làm gì? "Theo bà Lý Phương Dung, cảnh trong phim phải rõ ràng như nói với học sinh tiểu học, mầm non thì mới có thể khẳng định xâm phạm chủ quyền biển Việt Nam?" - bạn đọc Minh Tuấn đặt vấn đề.
Bạn đọc Ngọc Vinh chất vấn: "Căn cứ vào đâu mà bà Dung khẳng định tàu Trung Quốc về tới lãnh hải nước này, trong khu vực biển Đông ở đoạn cuối phim, trong khi đây lại là hình ảnh cực kỳ nhạy cảm?".
Sao không cắt đoạn cuối?
Nhiều bạn đọc cho rằng nội dung bộ phim đã thể hiện rõ ý đồ của Trung Quốc ở biển Đông. Những người có trách nhiệm kiểm soát nội dung đã thiếu nhạy bén về chính trị.
"Tại sao không cắt đoạn phim này đi, vì cắt đi cũng không ảnh hưởng gì đến nội dung tác phẩm? Nếu nói phim "Điệp vụ biển Đỏ" không có vấn đề gì thì trình độ của các nhà thẩm định phim và quản lý không cao, nghiệp vụ không giỏi và đề nghị Chính phủ lập hội đồng thẩm định lại bộ phim này, nếu cho rằng khán giả suy diễn" - một bạn đọc thẳng thắn.
Bạn đọc Bảy Trầu lo ngại: "Tình hình tranh chấp biển đảo tại biển Đông đang nóng, bà Dung lẽ nào lơ đi. Là cấp thẩm quyền, lý ra phải lắng nghe những ý kiến từ người dân để phân tích, mổ xẻ đúng sai, có biện pháp khắc phục, giải trình ôn hòa nhưng chưa gì đã quy chụp khán giả suy diễn chủ quan, kích động, kéo theo... trong xã hội. Không có một bộ phận thẩm định phim nào sâu sát bằng sự thẩm định của người dân đâu!".
Nhà báo - nhà phê bình Ngô Ngọc Ngũ Long, Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh TP HCM, khẳng định trong vụ việc công luận bức xúc phim "Điệp vụ biển Đỏ" ra rạp, trách nhiệm thuộc về hội đồng kiểm duyệt. Đây là cái sai rõ ràng khi để lại cảnh cuối nhạy cảm.
Chúng ta không thể đợi phim gọi thẳng tên vùng biển thuộc biển Đông và con tàu lạ bị xua đuổi kia là tàu Việt Nam mới thấy có vấn đề cần xử lý. Người Việt nào khi xem cảnh đầy ẩn ý này cũng sẽ nghĩ đến hoàn cảnh Việt Nam và tình hình biển Đông. Khán giả họ nhạy cảm, nhận ra và bức xúc nhưng hội đồng kiểm duyệt tiếp xúc thường xuyên với điện ảnh lại không nhận ra điều đó. Rõ ràng, hội đồng kiểm duyệt thiếu nhạy cảm chính trị. Nếu cắt bớt chi tiết cuối, mọi chuyện đã chẳng gây bức xúc trong công luận như hiện nay.
Thẩm định "đúng trình tự và quy định hiện hành"
Chiều 26-3, Bộ VH-TT-DL, đã chính thức ra thông cáo báo chí về "Điệp vụ biển Đỏ". Theo đó, bộ phim này do Hãng Bona Film Group của Trung Quốc sản xuất năm 2017, dài 133 phút và được Công ty TNHH CJ CGV Việt Nam trình thẩm định xin cấp giấy phép phổ biến tại Việt Nam. Nội dung của bộ phim xoay quanh câu chuyện về lực lượng đặc nhiệm của hải quân Trung Quốc thực hiện nhiệm vụ giải cứu con tin là những kiều dân ở một nước Trung Đông và tiêu diệt bọn khủng bố đang âm mưu sử dụng vũ khí hạt nhân để hủy diệt thế giới.
Ngày 2-3-2018, Hội đồng trung ương Thẩm định phim truyện với 7/11 thành viên đã xem và thẩm định phim "Điệp vụ biển Đỏ" (4 thành viên vắng có lý do), trong đó có các thành viên là lãnh đạo cấp vụ của Ban Tuyên giáo trung ương, Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; phó cục trưởng Cục Điện ảnh, phó chủ tịch Thường trực Hội Điện ảnh Việt Nam cùng các nhà chuyên môn uy tín.
Hội đồng đã thẩm định và phân loại bộ phim theo đúng trình tự và quy định hiện hành. Sau khi thẩm định và phân loại, bộ phim được 100% thành viên hội đồng đề nghị cho phép phổ biến với điều kiện cấm khán giả dưới 18 tuổi (vì có nhiều cảnh bạo lực). Ngày 15-3-2018, bộ phim được cấp giấy phép phổ biến số 39/GPPBP-CĐA/A2018.
Bộ phim "Điệp vụ biển Đỏ" đã được phát hành đồng thời từ tháng 2-2018 tại một số nước và vùng lãnh thổ như: Mỹ, Anh, Canada, New Zealand, Úc, Singapore, Campuchia, Malaysia, Hồng Kông - Trung Quốc…
Tại Việt Nam, bộ phim được phát hành ngày 16-3. Sau 1 tuần công chiếu, khán giả không có ý kiến phản hồi trái chiều về bộ phim. Tuy nhiên, do vắng khách, nhiều rạp đã ngừng chiếu.
Theo Bộ VH-TT-DL, trong những ngày qua, trên một số báo và trang tin điện tử thông tin rằng bộ phim "Điệp vụ biển Đỏ" có liên quan đến vấn đề chủ quyền biển đảo. Trên thực tế, 36 giây cuối, phim thể hiện tàu của Trung Quốc về tới lãnh hải Trung Quốc trong khu vực biển Đông và thấy một vài chiếc tàu từ xa, hình dáng những chiếc tàu này không rõ nét; loa từ tàu Trung Quốc phát ra: "Chú ý, đây là hải quân Trung Quốc. Quý vị sắp tiến vào lãnh hải Trung Quốc, xin hãy đi ngay". Những hình ảnh, âm thanh và lời thoại của đoạn cuối phim hoàn toàn không có căn cứ để kết luận rằng bộ phim có liên quan đến vấn đề chủ quyền biển đảo.
Tuy nhiên, liên quan đến những thông tin trái chiều về bộ phim "Điệp vụ biển Đỏ", Bộ VH-TT-DL đã yêu cầu Cục Điện ảnh kiểm tra quy trình phát hành bộ phim và có thông báo cụ thể.
Theo Nhóm PV/NLĐ