Phóng viên Zing.vn tìm đến nhà diễn viên Aly Dũng sau khi cư dân mạng chia sẻ thông tin ông sống trong ngôi nhà ọp ẹp, trước đây từng là chuồng nuôi lợn của người ta. Ông cười bảo sau khi những bài báo được đăng tải, đã có người đến giúp ông sửa lại nhà.
Diễn viên Biệt động Sài Gòn chìa đống giấy tờ trên bàn nói: “Chú mới ra chỗ phường để làm thủ tục sửa lại nhà. Nhà chú chút xíu chắc không ai làm khó dễ”. Ông còn hồ hởi cho biết đã có nhiều đạo diễn hứa sẽ tạo điều kiện cho ông đóng phim sau khi biết rõ hoàn cảnh.
Hướng mắt về phía xa, Aly Dũng trầm ngâm: “Chú đắn đo mãi mới đồng ý để các con đăng báo. Nghệ sĩ nhiều người kỳ lắm, họ biết mình nghèo, họ chỉ khinh, không có thương đâu. Chú nghèo thật nhưng chú sợ người ta khinh lắm”.
Trong cái nắng êm dịu của Sài Gòn những ngày mưa, chú khẽ nhắm mắt và hồi tưởng cuộc đời giông bão của mình.
|
Căn nhà 9 m2 của ông được một mạnh thường quân hứa sẽ thiết kế lại để trời mưa không bị dột, nắng không tạt vào. Ảnh: Lê Quân. |
Mẹ mất, cha cờ bạc, 14 đứa em lần lượt qua đời
Ông bà ngoại tôi vốn là người Ả-Rập Xê-út, họ qua Việt Nam từ thời Pháp thuộc. Mẹ lấy ba tôi là người Việt Nam, họ chăm chỉ làm ăn lại được gia đình hậu thuẫn nên nhanh chóng làm giàu. Tôi vẫn còn nhớ 5 căn nhà liền kề ở đường Âu Dương Lân, quận 8, TP.HCM, được nối liền nhau thành một biệt thự hoành tráng. Nhà có xe hơi đầy đủ nhưng tôi lại mê chiếc 67 được mẹ tặng mua.
Lúc đó tôi 20 tuổi, vừa giàu có lại đẹp trai nên cô nào cũng mê như điếu đổ. Tôi có thảy 8 cô bạn gái, tôi định cưới Hồng Mai, cô gái có nét giống minh tinh Đa Đa của Đài Loan khi đó.
Nhưng một cô gái khác xuất hiện và ở lại nhà tôi từ ngày này qua tháng nọ. Không bao lâu, cô ấy có thai. Mẹ bảo phải cưới dù ba phản đối gay gắt, đến độ ông không thèm dự đám cưới của tôi. Ngày tôi cưới vợ, Hồng Mai uống thuốc ngủ tự tử. Tôi chỉ kịp vào bệnh viện nhận xác của cô ấy. Gương mặt đó đó đến giờ vẫn ám ảnh tôi.
Cưới vợ không lâu, cuối năm đó mẹ tôi bị tai nạn giao thông qua đời. Trước khi mất, bà dặn tôi phải chăm lo cho các em, đặc biệt 3 cô gái út. Ba tôi vì quá đau đớn đã lao vào cờ bạc.
Mấy năm đầu tôi còn đủ sức lo cho 14 đứa em nhưng tiền bạc trong nhà cứ đội nón theo những cuộc chơi của ba. Sau đó, căn biệt thự phải bán để trả nợ cho ông. Tôi nhớ lời mẹ dặn, mang theo 4 đứa em và vợ con, 11 đứa còn lại lao vào đời. Không còn ai chăm lo, chúng rơi vào cảnh tù tội, đứa chết trong trại giam, đứa bỏ mạng vì hút chích, giang hồ…
|
Aly Dũng mong mỏi tìm lại đứa con gái đã thất lạc 43 năm. Ông chỉ sợ đứa con duy nhất không biết đến sự tồn tại của mình. Ảnh: Lê Quân. |
Tôi cũng không khá hơn bao nhiêu, làm đủ mọi việc, ai kêu gì làm đó nhưng tiền kiếm được không đủ nuôi 7 miệng ăn. Vợ tôi bảo nên bỏ 4 đứa em đi, nhưng ai có thể làm được như vậy, 11 đứa đã chết rồi, tôi sao nỡ.
Một ngày, tôi đi làm về không thấy vợ và con gái đâu, hỏi mấy đứa em ràng chị hai đâu, chúng bảo không biết. Tôi qua nhà vợ tìm, hàng xóm bảo họ bán nhà, chia cho từng người rồi đi đâu không biết. Suốt những năm sau đó tôi tiếp tục tìm kiếm nhưng vẫn bặt tăm.
Con gái tôi giờ còn sống thì cũng 46 tuổi, tôi mong được một lần gặp lại nó trước khi chết. Nếu vợ tôi còn ở Việt Nam, chắc bà ấy không nỡ không cho cha con gặp lại, vì chuyện cũ cũng đã qua lâu rồi. Tôi chỉ sợ bà ấy đã sang nước ngoài sống.
Long đong nghiệp diễn, bị ăn chặn cát-xê
Còn lại một thân một mình, tôi lang bạt mãi cũng dừng chân ở đoàn kịch nói Cửu Long Giang. Lúc này ở đây có Kim Xuân, Thương Tín, Thanh Thủy. Vì không có tiền nên tôi không thể thi vào trường, ở lại đoàn để được thầy Thành Trí dạy thêm. Nhưng một thời gian sau, tôi lại xin sang đoàn kịch Kim Cương và nhiều năm sau cứ lang thang khắp các đoàn kịch ở Sài Gòn.
Hồi đó có đạo diễn Long Nhân ngoài Bắc vào làm phim Biệt động Sài Gòn. Họ cần một người tìm bối cảnh, diễn viên quần chúng nên tôi tình nguyện làm trợ lý và xin một vai diễn. Đó là bộ phim đầu tay của tôi trong vai phụ tá của Đại úy. Sau này, tôi gặp gỡ đạo diễn Đào Bá Sơn và được đóng phim Đen trắng.
Năm tôi 45 tuổi, không thể cầm cự ở các đoàn kịch được nữa vì đất diễn dành cho những người như tôi càng lúc càng khan hiếm, lớp trẻ xuất hiện ngày càng nhiều. Tôi chỉ có thể đóng vai ông già, mà ở kịch nói mấy bạn trẻ chỉ cần hóa trang là có thể đóng được, thành ra tôi không còn đất sống.
Nhưng việc đóng phim nhọc nhằn lắm. Những vài ông già chỉ xuất hiện thoáng qua trên màn ảnh, chỉ vài ba phân đoạn mà lứa diễn viên như tôi thì quá nhiều. Người ta cũng không tôn trọng mình, khi cần gấp họ kêu anh ơi, tôi cần anh đóng vai này, chỉ 2 phân đoạn thôi, 2, 3 tiếng đồng hồ nữa anh đến kịp không. Mình không nhận họ kêu người khác, nên dù sao có đóng cũng mừng rồi.
|
Trong căn nhà ọp ẹp đó, ông cất giữ những kỷ niệm thuộc về riêng mình. Ảnh: Lê Quân |
Nhưng bạc nhất là tôi thường bị quỵt hoặc ăn chặn tiền. Hồi đó chị Thiên Kim đóng một vai thứ chính trong bộ phim truyền hình, vì thân nhau nên chị bảo tôi gọi người casting để diễn cặp với chị.
Sau khi gặp, họ đồng ý để tôi đóng vai ông ngoại, còn chị ấy đóng vai bà ngoại. Nhưng họ bảo phải chia cát-xê theo tỷ lệ 7:3. Tôi nghĩ thà có còn hơn không nên đồng ý.
Ngày đầu tiên đến phim trường, người ta yêu cầu đưa cho họ 10 triệu đồng. Trời ơi, tôi làm gì có số tiền đó. Vậy mà họ đưa tôi vào nói với chủ nhiệm, bà ngoại tôi mất nên cần tiền lo đám tang, cuối cùng họ cũng ứng cho 10 triệu, vừa ra ngoài là người đó lấy lại ngay.
Sau này tôi có viết kịch bản phim Tình yêu còn mãi, đã nộp cho hãng phim TFS và chờ họ duyệt. Ngày nào tôi cũng đến quán cà phê "cóc" trước Đài truyền hình để hỏi thăm. Một đạo diễn nghe chuyện bèn hỏi tôi có muốn làm phim nhanh không, nếu đồng ý thì chia cho họ 6 phần. Tôi cũng đồng ý luôn vì mình đang cần tiền. Vậy mà khi tôi xin một vai trong đó, họ bảo vai hay thì phải để cho người khác.
Gia tài còn lại nửa chuồng lợn
Năm 45 tuổi, tôi giật mình nhìn lại, không thể cứ mãi lang thang, phải có mảnh đất che thân về già. Tôi nghe lời mọi người, về quận Bình Thạnh, TP.HCM lúc đó còn khá hoang vu để tìm nhà. Đi mãi hết ngày này sang ngày khác, tôi tìm được chuồng nuôi lợn mà người ta đang rao bán. Nhưng chủ nhà lại đòi 15 cây vàng, tôi bán chiếc xe máy quèn cũng chỉ được chừng 7, 8 cây, năn nỉ mãi mà họ không chịu hạ giá.
Tôi chạy ra ngoài, tìm chỗ bán xe và người ta đồng ý mua với giá 10 cây vàng. Mừng quá, tôi vào năn nỉ, bà ấy bảo thôi 10 cây cũng được nhưng chia ra làm 2, tôi ở một nửa.
Tôi dọn dẹp cả tháng trời mới đỡ hôi tanh nhưng người ta vẫn còn nuôi mười mấy con bên nửa chuồng còn lại nên nhiều lúc tôi phải lang thang ngoài đường, chờ đến tối mới về ngủ.
Mấy năm sau, họ dẹp luôn nên tôi mới được sống yên tĩnh. Lúc đó, tôi nhờ mấy người bạn cho mượn ít tiền để cất thành nhà ở, có chỗ che nắng che mưa. Bạn tôi thương tình không có xe đi diễn nên cho tôi chiếc xe đạp.
Bây giờ, người ta kêu đóng phim, nếu ở gần thì đạp xe "tàng tàng" tới, xa quá thì đi xe bus hoặc theo đoàn. Bởi vậy, khi quyết định để báo chí đăng tải câu chuyện của mình, tôi đắn đo lắm.
Mục đích của tôi không phải kêu nghèo kể khổ, chỉ mong đạo diễn có vai nhớ đến mình chứ tôi không mong cầu điều gì to tát. Tôi cũng không thể ngửa tay nhận tiền của thiên hạ, tôi chỉ muốn có vai diễn để sống qua ngày.
>>> Video: Tiết lộ thú vị của diễn viên đóng Ni Cô Huyền Trang:
Theo Kim Chi/ Zing News