Cái chết oan nghiệt ở tuổi 36 của “nữ hoàng sân khấu” đã để lại nhiều tiếc thương. Bà ra đi cách đây 40 năm nhưng người ta vẫn không thôi nhắc đến cuộc đời hồng nhan bạc phận của bà.
Tài sắc vẹn toàn
Từ nhỏ, cố nghệ sĩ Thanh Nga đã sớm bộc lộ năng khiếu thiên bẩm trong lĩnh vực sân khấu cùng vẻ đẹp yêu kiều nức tiếng. Là ái nữ của bà bầu Thơ, Trưởng đoàn Thanh Minh – Thanh Nga nên Thanh Nga được sống trong không gian nghệ thuật từ nhỏ và ngọn lửa dành cho nghệ thuật cũng vì vậy mà luôn bùng cháy trong tim. Không chỉ là con nhà nòi, Thanh Nga còn là nghệ sĩ thanh sắc trọn vẹn.
Thanh Nga bước lên sân khấu từ lúc 8 tuổi qua vai diễn Nghi Xuân trong vở Phạm Công Cúc Hoa và sau đó là hàng loạt vai đào con khác. Giọng ca của Thanh Nga rất riêng, hát theo cách của mình rất độc đáo, vì vậy mà cô bé nhanh chóng nhận được tình cảm của khán giả. Năm 16 tuổi, Thanh Nga đảm nhận vai chính trong vở Người vợ không bao giờ cưới và ngay lập tức trở thành hiện tượng. Giải Thanh Tâm 1958 cho Thanh Nga là sự công nhận của giới cải lương với tài năng của cô gái trẻ có dung mạo như hoa này.
|
Thanh Nga, người phụ nữ tài sắc vẹn toàn. Ảnh.Internet. |
Thanh Nga là người đa cảm nên vai nào bà diễn cũng rất nhập tâm, không chỉ lời ca mà điệu bộ, cử chỉ đều được bà sử dụng để chuyên chở cả hồn cốt, tâm tư nhân vật. Chính vì vậy mà người thời đó gắn cho Thanh Nga danh xưng “nữ hoàng sân khấu”. Danh xưng đẹp đẽ đó đã mang đến cho bà danh tiếng, tiền tài, sự ngưỡng mộ nhưng cũng lấy đi nhiều điều.
Không chỉ là đào kép nức tiếng, Thanh Nga còn lấn sân điện ảnh và cũng nhanh chóng chinh phục khán giả yêu nghệ thuật thứ 7. Thanh Nga với đôi mắt u sầu, gương mặt thanh tú đã làm nên thành công cho các bộ phim Loan mắt nhung, Đôi mắt người xưa, Hai chuyến xe hoa... Với Thanh Nga, điện ảnh không phải là cuộc dạo chơi mà là vùng đất mới giúp tình yêu dành cho nghệ thuật bùng lên mạnh mẽ hơn.
Những vai diễn ấn tượng trên màn ảnh rộng đã giúp Thanh Nga được vinh danh Diễn viên xuất sắc nhất tại Đại hội Điện ảnh Á châu tổ chức năm 1973 tại Đài Bắc và được cố Thủ tướng Ấn Độ Indira Gandhi đón tiếp tại đại hội Điện ảnh Ấn Độ năm 1969.
Chữ tài đi với chữ tai
Câu “hồng nhan bạc mệnh” như dành riêng cho cuộc đời của cố nghệ sĩ Thanh Nga. Thế nhưng, cuộc đời vốn có những quy luật riêng và người con gái thanh sắc vẹn toàn ấy cũng phải đối mặt với những ngày tháng đoạn trường.
Khi ở đỉnh cao của danh vọng, Thanh Nga phải đối mặt với nhiều lời đồn thổi, những rắc rối và cả việc bị tố cáo, vu oan. Tuy nhiên, cô gái với vẻ ngoài mong manh tựa sương mai lại có một sức sống quật cường. Bà giống một bông hoa đẹp mang trong mình nghị lực sống mãnh liệt của loài cỏ dại.
Thời ấy, đôi mắt u sầu, nụ cười duyên và dáng vẻ yêu kiều của người con gái Sài thành đã khiến bao doanh nhân, công tử mê đắm. Vẫn tưởng với một người con gái như Thanh Nga, ánh sáng rực rỡ của ngôi sao sẽ nâng bước bà trên con đường thênh thang. Nhưng không... dù thanh tao, toàn vẹn đến vậy, tình duyên của Thanh Nga cũng không tránh khỏi long đong giống như bao người phụ nữ tài sắc khác.
Cuộc đời bà xuất hiện 4 người đàn ông: Đó là mối tình đầu kết thúc trong hẫng hụt với người đàn ông tên Tài, là mối tình tan vỡ vì chữ Hiếu với Thành Được, là mối tình oan trái với ông Mẫn và cuối cùng là tình yêu trọn vẹn với luật sư Phạm Duy Lân.
|
Nghệ sĩ Thanh Nga hạnh phúc bên chồng Phạm Duy Lân và con trai Hà Linh. Ảnh. Tuổi trẻ. |
Khi nói đến Thanh Nga, người ta nhắc nhiều đến chuyện tình với ông Phạm Duy Lân, người đã từ bỏ sự nghiệp để kết hôn với bà và sẵn sàng hy sinh thân mình để bảo vệ bà. Trước khi đến với Thanh Nga, Phạm Duy Lân đã có 2 đời vợ và có con riêng. Trong những ngày đầu, vì hoàn cảnh riêng ấy mà chuyện tình của Thanh Nga – Duy Lân chịu sự phản đối gay gắt của mẹ Thanh Nga. Thế nhưng, bằng tấm chân tình của mình, Duy Lân đã chinh phục được người thân của bà.
Những ngày sống với ông, Thanh Nga ngập tràn hạnh phúc với cuộc sống gia đình viên mãn và thăng hoa trên sân khấu. Người ta kể rằng, ông yêu thương chiều chuộng vợ nhất mực, kể cả khi bà tắm ông cũng tha thẩn bên ngoài để có thể mang đến ngay những gì bà cần. Giờ đây, khi nhắc lại nhiều người vẫn dành sự ngưỡng mộ về tình yêu mà ông Duy Lân dành cho Thanh Nga.
Những tưởng cuộc đời của Thanh Nga sẽ bình yên, thênh thang thì tai họa bất ngờ ập đến. Đêm 26/11/1978, diễn xong vở cải lương Thái hậu Dương Vân Nga ở rạp hát Cao Đồng Hưng, nữ nghệ sĩ Thanh Nga bước lên chiếc xe hiệu Volkswagen sơn màu xám nhạt. Chiếc xe này đưa vợ chồng bà ra đi vĩnh viễn vào lúc 23h khuya hôm ấy, sau phát súng tàn ác của một kẻ lạ.
Ngày Thanh Nga mất, rất nhiều người Sài Gòn khóc, xót thương cho người nghệ sĩ tài sắc. Dù đã 40 năm kể từ ngày bị sát hại, Thanh Nga vẫn được nhắc tới như một nữ nghệ sĩ tài sắc vẹn toàn bậc nhất của nền sân khấu nghệ thuật miền Nam.
Theo Lê Anh/Người Đưa Tin