Cuộc đời tài hoa của "phù thủy tiếng động" Minh Tâm

Google News

Người vẫn thầm lặng đứng sau làm nên tiếng động chân thực cho phim ảnh Việt Nam từ thời kỳ đầu tiên - nghệ sĩ Minh Tâm đã tạ thế vào lúc 22h20 ngày 5/11/2019 vì tuổi cao sức yếu, hưởng thọ 90 tuổi.

>>> Mời quý độc giả xem video "Cha con vua tiếng động Minh Tâm - Minh Thu". Nguồn Truyền hình Nhân Dân:
Theo thông tin từ gia đình nghệ sĩ Minh Tâm, lễ viếng ông được tổ chức từ 7h30 đến 8h30 ngày 8/11/2019 tại nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Sau lễ viếng, nghệ sĩ Minh Tâm sẽ được an tang tại quê nhà Trát Cầu, Thường Tín, Hà Nội.
Tiếng động Minh Tâm…” là lời giới thiệu quen thuộc với khán giả màn ảnh nhỏ từ những năm đầu thập niên 90. Người nghệ sĩ sinh ra ở một làng quê Trát Cầu, Thường Tín, Hà Nội vốn là một diễn viên lồng tiếng, từng tham gia mặt trận Tây Tiến trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, sau đó cùng đoàn quân chiến thắng trở về tiếp quản Thủ đô năm 1954. Thời kỳ về công tác tại Xưởng phim truyện Việt Nam (sau này là Hãng phim truyện Việt Nam), khi Xưởng phim thiếu người làm tiếng động, ông được nhắm phụ trách công việc này, bắt đầu mối duyên với việc đưa những tiếng động ngoài cuộc sống lên phim ảnh. Sau này nhắc lại, ông từng nói vui đó là cái nghề mà mình được “tống” làm.
Cuoc doi tai hoa cua
 
Không có ai dạy, ông một mình trong buồng tối với ty tỷ thứ đồ được cho là “đồ đồng nát”, tự hình dung, mày mò và tìm cách tạo ra những âm thanh sao cho khớp với hình trên phim nhất. Thời gian đầu, ông căng thẳng đến mức cảm thấy bị ức chế.
Ông thừa nhận, nhiều lúc muốn bỏ cuộc vì bí bách, không tài nào nghĩ ra được cách làm ra thứ âm thanh như mình muốn, thế nhưng khi nghĩ ra rồi thì lại phấn khởi và say mê đến quên ăn quên ngủ. Đó là lý do suốt bao nhiêu năm “say” nghề, vui có, buồn có, nhưng ông không bao giờ thấy nản. Để rồi “cơn say” ấy đã theo ông suốt hơn nửa thế kỷ, cho tới khi ông trở về cõi vĩnh hằng. Còn mọi người thì quen với việc ở đầu và cuối mỗi phim lại có dòng chú thích: “Tiếng động: Minh Tâm”.
Từ chỗ thích thú, người ta nể phục khi biết cách ông tạo ra những tiếng động như: tiếng gõ mấy cái chén vào khay uống nước tạo ra tiếng cả mâm cơm bị lia đi; vẫy vẫy chiếc khăn mùi soa mà tạo ra tiếng ngọn lửa cháy phù phù; vo nhẹ túi nilong mà tạo ra tiếng mỡ cháy xèo xèo trên chảo rán… Tiếng động trong các phim truyện nhựa của điện ảnh Việt Nam ngay từ thời kỳ đầu như: Chung một dòng sông, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm… đều có dấu ấn đôi bàn tay tài hoa của ông. Người ta gọi ông là “phù thủy tiếng động”, “ông vua tiếng động”.
Cuoc doi tai hoa cua
 
Trong cuộc đời làm tiếng động của mình, ông bảo nhớ nhất là có lần nhận được đơn đặt hàng từ Hãng phim tài liệu, trong đó yêu cầu phải làm tiếng động giả bước chân rầm rập của cả một đoàn lính vài trăm người.
Ban đầu, ông nghĩ ra cách giải bài toán này bằng cách vào kho đạo cụ của Xưởng phim mượn 20 đôi giày đinh, rồi nhờ 20 cán bộ của Xưởng vào căn phòng kín với mình, đi giày vào và cứ thế “mốt hai mốt” duyệt binh đến vã mồ hôi nhưng vẫn chưa ra được âm thanh như mong muốn.
Trong lúc nghỉ giải lao giữa buổi tập, ông nghĩ ra cách gấp vài miếng bìa các-tông lại thành hình chữ V, đế giữ bằng bìa cùng loại hoặc gỗ, sau đó dùng tay vuốt đổ liên tục. Không ngờ cách này lại tạo ra tiếng động y chang như tiếng bước chân của cả một đoàn quân.
Cô con gái của ông – nghệ sĩ Minh Thu sau này cũng theo nghề tiếng động chỉ vì ngưỡng mộ bố. Ban đầu ông không đồng ý để con nối nghiệp mình vì e con gái theo nghề này vất vả. Tuy nhiên, sau một lần ra nước ngoài và chứng kiến bộ phim có tới 4 người phụ nữ tham gia làm tiếng động, ông thay đổi định kiến, đồng ý để cô con gái rượu của mình làm nghề.
Gắn bó với nghề làm tiếng động, đứng sau thành công của hơn 2000 bộ phim, lúc nào cũng ở trong căn phòng vừa tối vừa kín không ai biết đến, nhưng cũng có một vài lần “ông vua tiếng động” xuất hiện ở trên phim. Đó là lần ông vào vai người thu tiền điện ở trong bộ phim truyền hình “Ghen”, lướt qua màn ảnh nhỏ chỉ cỡ vài chục giây nhưng vì diễn xuất quá đạt, lột tả được vẻ lớ ngớ đến tội nghiệp của nhân vật nên ra đường ai cũng nhận ra, chỉ có điều không biết ông chính là nghệ sĩ tiếng động Minh Tâm. Rồi lần ông vào vai ông giáo già – cha của nhân vật Lãm trong phim “Người Hà Nội” cũng vậy, diễn không khác gì diễn viên chuyên nghiệp.
Cuoc doi tai hoa cua
 
Khi còn sống, ông từng thật thà giãi bày, suốt bao nhiêu năm làm nghề, dòng chữ “Tiếng động: Minh Tâm” vẫn chạy cuối hàng nghìn bộ phim và không mấy khi ông được đính kèm với danh xưng “nghệ sĩ”. Đôi lúc ông cũng thấy chạnh lòng vì nhiều người không thừa nhận mình là nghệ sĩ, cũng chưa có cái nhìn đúng về nghề làm tiếng động. Song suy nghĩ chạnh lòng ấy đến rồi đi rất nhanh.
Có lần, sau khi làm xong phần tiếng động cho một phim truyền hình của VFC, ông giật mình lật đật chạy lên hỏi Giám đốc hãng khi đó – NSND Khải Hưng rằng sao lại chú thích mình ở trên phim là “NSƯT Minh Tâm” và nhận được câu trả lời đó là do đạo diễn phim Hoàng Tích Chỉ ghi như vậy trong bản phim gửi lên Hãng. Liên hệ với đạo diễn Hoàng Tích Chỉ để hỏi lại, ông dở khóc dở cười vì vị đạo diễn này tếu táo bảo: “ông còn là… bố của NSƯT ấy chứ”.
Vài năm trở lại đây, nghệ sĩ Minh Tâm vẫn đi đi về về giữa ngôi nhà nhỏ ở số 4 Thụy Khuê với ngôi nhà ở làng quê ven bờ sông Đáy, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Dù rời xa công việc làm tiếng động đã lâu nhưng ông vẫn chưa giây phút nào nguôi vơi nỗi nhớ nghề, cho tới khi tạ thế.
Con gái của ông – nghệ sĩ tiếng động Minh Thu cho biết, tối ngày 5/11/2019 khi ông đang ngồi uống nước ở quán nước gần nhà và vui đùa với con cháu thì đột nhiên ngã gục xuống. Mặc dù được đưa viện để cấp cứu thì ông đã qua đời vì bị nhồi máu não. Trước đó, nhiều năm nay, ông vẫn phải ra vào viện thường xuyên vì tuổi cao sức yếu, mắc nhiều bệnh của tuổi già và phải đặt stent tim.
* Kiến Thức đã đặt lại tiêu đề bài viết.
Theo ANTĐ