Đạo diễn tuổi Dần Đặng Nhật Minh: “Cây đa, cây đề” của màn ảnh Việt

Google News

Nhắc đến nghệ sĩ tài hoa tuổi Dần, khó có thể bỏ qua đạo diễn Đặng Nhật Minh - người “bắc cầu” điện ảnh Việt Nam ra thế giới.

Đặng Nhật Minh (sinh năm 1938) từng có ý định nối nghiệp cha - Giáo sư Đặng Văn Ngữ - bác sĩ đầu ngành về ký sinh trùng tại Việt Nam, tuy nhiên số phận lại đưa đẩy ông đến với lĩnh vực điện ảnh.
Tình cờ đến… nặng duyên
Bắt đầu từ vai trò biên dịch cho các phim nói tiếng Nga, rồi đến phiên dịch cho các lớp đào tạo điện ảnh của Liên Xô dành cho người Việt, Đặng Nhật Minh đặt chân vào lĩnh vực điện ảnh lúc nào không hay.
Bộ phim đầu tay của ông thực hiện năm 1965 là phim tài liệu về các kĩ sư địa chất – “Theo chân những người địa chất”. Tiếp đó, ông thực hiện các phim: “Hà Bắc quê hương” (1967), “Tháng 5 - Những gương mặt” (1975), “Nguyễn Trãi” (1980).
Từ các phim tài liệu, ông thử sức với phim truyện và có những tác phẩm như: “Những ngôi sao biển” (1977), “Ngày mưa cuối năm” (1980). Tuy nhiên, những phim này chưa gây tiếng vang, phải đến loạt phim: “Đừng đốt”, “Cô gái trên sông”, “Thương nhớ đồng quê”, “Mùa ổi”... Đặc biệt là “Bao giờ cho đến tháng Mười” tên tuổi của Đặng Nhật Minh mới thực tỏa sáng.
Chia sẻ về sự nghiệp, đạo diễn Đặng Nhật Minh tự nhận, ông làm hơi ít phim vì vào nghề muộn, chỉ được hơn 10 phim truyện và một số phim tài liệu. Thế nhưng, thành công mà ông gặt hái được, nhiều người trong nghề phải ngả mũ thán phục.
Những tác phẩm của đạo diễn Đặng Nhật Minh đã giúp ông đoạt không ít giải thưởng trong nước lẫn quốc tế. Bộ phim “Bao giờ cho đến tháng Mười” được Đài truyền hình CNN của Mỹ bình chọn là một trong 18 phim châu Á hay nhất mọi thời đại.
Dao dien tuoi Dan Dang Nhat Minh: “Cay da, cay de” cua man anh Viet
Đạo diễn Đặng Nhật Minh. Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam
Đạo diễn sinh năm Mậu Dần cũng được xem là người bắc cầu đưa điện ảnh Việt Nam ra thế giới. Tại lễ bế mạc Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XI, Tổng thư ký Hiệp hội các nhà phê bình phim quốc tế, ông Klaus Eder, người Đức, đánh giá: “Đạo diễn Đặng Nhật Minh là người đã đưa điện ảnh của các bạn đến với thế giới”. Năm 1994, tại Liên hoan phim Nantes (Pháp), sau khi xem xong phim “Trở về”, ông Marcel Martin, nhà phê bình phim nổi tiếng Pháp nói với đạo diễn Đặng Nhật Minh: “Bây giờ thì anh có thể hội nhập với điện ảnh thế giới được rồi”.
Trong cuộc đời làm phim, đạo diễn Đặng Nhật Minh luôn trung thành với nguyên tắc: Chỉ thực hiện những bộ phim mà mình cảm thấy tâm đắc và do chính mình viết kịch bản.
Ông từng tâm sự với báo chí: “Tôi nghĩ một bộ phim phải làm từ cảm xúc của cá nhân, thể hiện dấu ấn cá nhân. Dù trong đoàn làm phim có rất đông người, nhưng đạo diễn bao giờ cũng là người chỉ huy. Các thành phần khác tham gia như những nhạc công thực hiện vai trò nào đó trong dàn nhạc và dàn nhạc hay hay không là nhờ dấu ấn của người chỉ huy. Vậy nên không có cách nào khác là phải tự viết kịch bản… Tôi muốn tất cả những điều tôi viết ra phải được trải nghiệm từ cảm xúc của chính tôi, từ những điều tôi quan sát trong đời sống. Tôi trung thành với cách làm đó đến tận bây giờ, khi làm bộ phim cuối cùng”.
Phim của Đặng Nhật Minh thể hiện cá tính sáng tạo, chất riêng khó nhầm lẫn. Với đạo diễn Đặng Nhật Minh, ông làm phim là để khẳng định cái đẹp, tính nhân ái, cao thượng. Đa phần các phim của ông ít có nhân vật ác, số đông là nhân vật lương thiện, nhuần nhị, thuần khiết. Vị đạo diễn tài hoa quan niệm, tác phẩm điện ảnh phải mang tới cảm xúc, sự rung động. Bởi lẽ, những gì đi từ trái tim sẽ dễ dàng đến được với trái tim của người khác. Đó cũng là lý do nhiều tác phẩm của ông khi công chiếu trong và ngoài nước khán giả đã khóc ròng vì xúc động!
Dao dien tuoi Dan Dang Nhat Minh: “Cay da, cay de” cua man anh Viet-Hinh-2
Phim “Bao giờ cho đến tháng Mười” của đạo diễn Đặng Nhật Minh được Đài CNN của Mỹ đánh giá là một trong những phim hay nhất châu Á mọi thời đại.  
Niềm đau đáu tuổi xế chiều
Một đời nặng duyên với điện ảnh, ở tuổi ngoài 80, đạo diễn Đặng Nhật Minh vẫn đau đáu chuyện nghề. Ông chia sẻ, mong mỏi lớn nhất của ông tuổi xế chiều là bộ phim tâm huyết lúc cuối đời - “Hoa nhài” sẽ được công ty sản xuất phim ở Huế làm hậu kỳ, đưa bộ phim đến với khán giả.
Nội dung của “Hoa nhài” phác họa bức tranh về mối quan hệ giữa con người với con người trong vòng xoáy của nhịp sống đô thị hiện đại. Trong đó có cả những con người từ nông thôn ra Hà Nội kiếm sống và sự rộng lòng cưu mang, giúp đỡ của những người Hà Nội. Bộ phim được chuyển thể từ tập truyện cùng tên do chính ông viết và xuất bản cách đây không lâu.
Ngoài “Hoa nhài”, ít ai biết, ông còn một dự án phim ấp ủ từ lâu mà chưa thể thực hiện. Đó là bộ phim về cha mình – Giáo sư Đặng Văn Ngữ.
Ông từng chia sẻ: “Tôi đã viết xong kịch bản phim truyện có tên là “Huyền nhiệm”. Kịch bản đó nếu thực hiện phải có nhiều kinh phí mới làm được. Nếu mà nói cả cuộc đời cha tôi thì phải có thời gian trước cách mạng ở Huế. Sau đó, ông sang Nhật du học rồi tham gia kháng chiến trên Việt Bắc, về tiếp quản thủ đô, sau là công cuộc tiêu diệt sốt rét, rồi đi B và hy sinh. Rất nhiều hiện thực có liên quan đến bộ phim. Nếu không có nhà nước nhúng tay vào thì khó có thể làm được. Tư nhân thì không ai làm rồi.
Tôi đã gửi kịch bản lên Cục Điện ảnh nhưng không được đón nhận. Tôi cứ để đấy thôi. Coi như món nợ tinh thần mình chưa trả được, nhưng ít nhất cũng trút được lên trên giấy - một bộ phim trên giấy”.
Dù còn những trăn trở, dự án dở dang chưa thực hiện được, nhưng với sự nghiệp lẫy lừng mà ông đã gây dựng, sự tận hiến cho nghệ thuật, người cha kính yêu nơi cõi vĩnh hằng vẫn có thể tự hào về ông.

Đạo diễn Đặng Nhật Minh từng giữ chức vụ Tổng thư ký Hội Điện ảnh Việt Nam và được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân năm 1993. Năm 2007, ông được Nhà nước Việt Nam phong tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh chuyên ngành điện ảnh.

Diệu Nga (TH)