Quá khứ không "drama" như tin đồn
- Ba phần phim "Gia đình cục súc" đưa cái tên Võ Tấn Phát lên vị trí mới, có ý nghĩa thế nào trong anh?
Trước hết, tôi thấy mình quá may mắn. Mỗi năm, có rất nhiều sản phẩm đầu tư chỉn chu nhưng không phải sản phẩm nào cũng thu về trái ngọt. Là nghệ sĩ trẻ, "ma mới" trên nền tảng YouTube, tôi đã bắt đầu từ con số 0 và được khán giả quan tâm.
Vì vậy, tôi tự hào về những gì mình đã làm. Đó là thành quả của quá trình nghiên cứu, học hỏi chứ không có chuyện viết bừa kịch bản mà thành công. Hiện tại, có rất nhiều người sáng tạo nội dung trên các nền tảng mạng xã hội.
Tôi đã chọn lọc đến từng miếng hài chọc người xem cười, đầu tư nội dung và cài cắm yếu tố bất ngờ để tạo điểm riêng cho sản phẩm của mình. Tháng 10 này, tôi sẽ bấm máy Gia đình cục súc bản điện ảnh, xem như chính thức khép lại series này.
- Nhiều web-drama lên màn ảnh rộng nhưng rất ít tác phẩm thành công, thực trạng này tạo áp lực nào đến anh?
Với Gia đình cục súc bản điện ảnh, tôi không làm sản xuất nữa, sẽ có một nhà sản xuất chuyên nghiệp, từng có rất nhiều phim thắng đảm nhiệm. Khi có ê-kíp giỏi, tôi yên tâm hơn. Với tôi, việc đưa đứa con tinh thần của mình ra đến rạp phim là quan trọng nhất, không đặt nặng chuyện ai đầu tư, ai sản xuất.
- Bối cảnh gia đình, xuất thân cho anh chất liệu gì khi làm phim?
Tôi sinh ra và lớn lên ở xã Hựu Thành, huyện Trà Ôn - một vùng quê nghèo, nếu đi từ TP. Vĩnh Long phải mất hơn 1 tiếng. Nơi tôi sống không có nhà văn hóa hay nơi nào liên quan phát triển nghệ thuật. Từ bé, nghệ thuật với tôi là tất cả những gì phát trên TV.
Tuy vậy, từ thời học sinh, tôi đã xác định mình thuộc về nghệ thuật dù không rõ mình sẽ làm nghề gì. Cả trường khi ấy chỉ có mỗi tôi nộp đơn vào ĐH Sân khấu – Điện ảnh TP.HCM. Vì chỉ có 1 hồ sơ, trường đã không gửi đi, tôi phải tự nộp hồ sơ, dự thi và trúng tuyển.
Nói thật, tuổi thơ tôi bình dị lắm, không "drama" đâu. Gia đình tôi là nông dân, không khá giả cũng không nghèo khó. Sống ở quê, tôi có dịp quan sát cuộc sống, lời nói, cử chỉ, công việc,... của người dân nơi đây. Người ở quê cục súc nhưng rất tình cảm, cách biểu hiện của họ khác người ở thành phố.
Từ nhỏ, tôi làm hết việc nhà, tự nấu ăn, đi học... Lúc thi vào trường sân khấu, ba mẹ không ủng hộ tôi. Bởi ở vùng quê xa như vậy, nghệ thuật là cái gì đó rất xa vời. Họ muốn tôi học ở trường nào mà mọi người đều biết như kiến trúc, bác sĩ,... để kiếm một công việc an toàn.
Nhưng, tôi không hợp với lối sống đó, quả quyết thi trường sân khấu. May mắn, ba mẹ không đến mức bỏ mặc con trai, vẫn gửi chi phí sinh hoạt cho tôi mỗi tháng. (cười) Tôi cũng tranh thủ đi làm thêm kiếm tiền, quan sát công việc và cuộc sống.
Đồng cát-sê đầu tiên của tôi là 100 nghìn đồng khi đi diễn kịch cà phê. Tôi cũng cộng tác với sân khấu 5B, Hoàng Thái Thanh,... sau này là Thế giới trẻ. Hiện tại vì lịch trình bận rộn, tôi không còn cộng tác với sân khấu nào nữa.
Tôi vẫn đang ở thuê. Mỗi lần ba mẹ nhắc chuyện mua nhà, tôi lại kêu ca: Con đầu tư phim hết tiền rồi. Tôi chưa bao giờ thấy mình quá khổ hay đời mình sóng gió gì cả. Đơn giản là tôi luôn cố gắng hết mình.
Lần thi Cười xuyên Việt và đoạt quán quân, với tôi, là sự dấn thân. Vì tôi chỉ chuyên diễn chính kịch, cũng không phải người hài hước. Tôi lao vào các gameshow để học hỏi, tìm cơ hội và tích cóp cát-sê. Bởi khi bước ra khỏi trường sân khấu, quanh tôi có vô số sự cạnh tranh, tôi phải tồn tại bằng mọi cách.
Độc thân, ở thuê, thích làm việc và gặp bạn bè
- Bên cạnh đầu tư tiền bạc, tâm huyết vào công việc, anh đầu tư vào các mối quan hệ ra sao?
Không chỉ showbiz hay nghệ sĩ, bạn là ai, sống ở đâu, làm nghề gì cũng cần sống đúng mực. Tôi là dân miền Tây, có thể hơi khó tính nhưng hiền lành. Trong nghề, tôi luôn ý thức kính trên nhường dưới, sống biết điều, có qua có lại. Nếu không biết điều, bạn không thể tồn tại trong nghề này.
- Sống biết điều nhưng không nhắn riêng các đạo diễn, nhà sản xuất xin vai, theo anh, có đủ?
Bây giờ tôi làm sản xuất rồi mà, người khác phải nhắn xin vai tôi chứ. (cười lớn) Nói vui chút thôi, từ xưa tôi đã không đi xin xỏ kiểu đó rồi. Tôi dùng hành động, vai diễn, cách nắm bắt cơ hội để các đạo diễn, nhà sản xuất trao cơ hội cho mình. Tôi không quen với việc nhắn riêng xin vai.
- Bây giờ, anh muốn nói gì về người đồng nghiệp thân thiết nhất của mình?
Tôi muốn cảm ơn Kim Đào - cô bạn đồng nghiệp đã đi cùng tôi từ những ngày đầu ở Cười xuyên Việt, đến nay vẫn hỗ trợ công việc của tôi ở công ty. Chúng tôi đã trải qua những ngày đầu không dễ dàng, nhiều đêm thức đến 3 - 4 giờ sáng tập bài...
Võ Tấn Phát chăm tập gym.
- Còn Đại Nghĩa - một đàn anh thân thiết thì sao?
Đó là một người anh đồng nghiệp mà tôi biết ơn vì đã hỗ trợ tôi nhiều trong công việc. Hồi mời anh tham gia Gia đình cục súc, anh đã nhận lời ngay, không màng vấn đề tiền nong.
- Anh một mình mưu sinh ở Sài Gòn có dễ dàng?
Sài Gòn không dễ sống đâu! Tôi lên Sài Gòn từ con số 0: không tiền bạc, không người thân và không có chút kinh nghiệm nào. Đến hiện tại, những gì tôi gầy dựng được chưa gọi là nhiều. Dù để có một vị trí nho nhỏ là cả một quá trình nỗ lực khủng khiếp đáng để tôi tự hào.
- Trầm tính, ngại chia sẻ về bạn bè, không cầu cạnh người khác cho cơ hội - hành trình nghề của anh có phần cô độc?
Tôi "hú" một tiếng, ai cũng nhảy vào giúp mình thì không cô độc lắm đâu! Sau mỗi dự án, tôi lại có thêm một ít fan. Tôi có một nhóm kín với fan. Mỗi lần mệt mỏi, tiêu cực, tôi vào lại xem các bạn chia sẻ, ghép ảnh về mình, thế là sạc đầy năng lượng lại!
Bên tôi còn có gia đình rất tự hào về mình nữa. Cả quê tôi đều biết nhà ông Hoàng có con trai làm diễn viên. (cười) Lần nào tôi lên TV, hôm sau y như rằng có người đến mua ủng hộ và "tám" chuyện tôi lên sóng đẹp trai, dễ thương thế nào.
- Anh chấm ngoại hình bản thân bao nhiêu điểm?
Tôi không tự tin ngoại hình. Dĩ nhiên, tôi không nghĩ mình xấu trai, nhưng không đẹp. Trên sân khấu kịch sẽ thấy rõ nhất: tôi bước ra không đủ đẹp trai để người ta "wow", vỗ tay rần rần như Thuận Nguyễn, Song Luân; cũng không đủ duyên để người ta cười như Minh Dự, Duy Khương. Chắc tôi là kép "lờ lợ". (cười)
- Người "khó tính, cầu toàn" như anh đứng trước người yêu có giống tác phong khi làm việc?
Tôi hơi cầu toàn nhưng không bao giờ đòi hỏi người yêu của mình hoàn hảo. Chính tôi cũng không hoàn hảo mà! Với tôi, yêu là tìm kiếm mảnh ghép phù hợp với mình. Hai người phải chấp nhận khuyết điểm của nhau mới kết nối lâu dài được. Có lẽ do hơi khó tính nên tôi đến giờ vẫn độc thân.
- Cuộc sống của chàng trai độc thân Võ Tấn Phát thế nào?
Tôi đang sống với em trai và nuôi một bé mèo. Mỗi tháng, tôi trả tiền thuê nhà khoảng 20 triệu đồng. Một số người khẳng định vị trí bằng nhà, xe còn tôi khẳng định bản thân bằng sản phẩm. Tôi sẵn sàng bỏ hết tiền để đầu tư sản phẩm thay vì mua nhà, đổi xe. Nghệ sĩ phải khẳng định mình bằng sản phẩm. Tôi thích hàng hiệu nhưng không mấy khi đi shopping. Mỗi lần dọn nhà, tôi thấy rất khỏe vì mình sống quá đơn giản.
- Trừ ban ngày bận rộn, ban đêm anh không thấy cô đơn sao?
Buổi đêm của tôi chia làm kiểu: hoặc đi quay hình về muộn, tắm xong là ngủ ngay; hoặc tụ tập anh em, bạn bè những ngày rảnh. Tôi còn trẻ, sao phải thui thủi ở nhà để "gặm nhấm cô đơn"?
- Nhưng có một sự thật, bạn bè không lấp đầy nỗi cô đơn được...
Hội bạn của tôi toàn diễn viên hài, mỗi lần tụ tập vui hơn có 10 người yêu! Anh biết diễn viên rồi đấy, họ mặn mà lắm, cứ tụ tập là quên hết trời trăng, không biết buồn đâu. Tàn cuộc thì say rồi ngủ, không còn đầu óc để nghĩ vẩn vơ. Thỉnh thoảng, tôi cũng hẹn gặp một vài người bạn thân nhất để tâm sự, lắng lòng. Cuộc đời ai cũng cần vài buổi như vậy.