Diễn viên Anh Thơ, diễn viên chuyên trị những vai cá tính, đánh đá của Nhà hát Tuổi trẻ đang được khán giả chú ý với vai nhân vật giúp việc “bá đạo” trong 'Cả một đời ân oán'. Là giúp việc nhưng chị Út thẳng thừng chê trách hai cậu con trai của chủ nhà, 'nắn gân' cả bà chủ không thương tiếc.
Trong phim là vậy nhưng ngoài đời, diễn viên Anh Thơ hiền khô, vui vẻ và tếu táo, là tâm điểm của những cuộc xôm tụ đồng nghiệp. Ngày từ ngày học lớp 2, cô bé Anh Thơ đã được bố mẹ cho đi học violon nhưng chị lại có hơi hướng diễn xuất. Mê kịch nên mỗi lần đi học nhạc, Anh Thơ lại ghé lớp dạy diễn xuất để ‘hóng’.
Khi lớn hơn, có thể tự mình đi không cần bố mẹ thì Anh Thơ lại “lê la” xem ké các nghệ sĩ diễn tại rạp Tuổi trẻ hay Công nhân gần nhà. Không có tiền mua vé nhưng Anh Thơ vẫn nghiễm nhiên vào rạp xem bình thường nhờ kết thân với bảo vệ của rạp hát. Những vở kinh điển như Tôi và chúng ta, chị xem đi xem lại đến hơn 20 lần, thuộc từng lời thoại, từng điệu bộ, cử chỉ của diễn viên.
Biết con gái mê kịch, bố chị kịch liệt phản đối, gia đình chỉ mong Anh Thơ biết chút nghệ thuật để có thể cân bằng cuộc sống, tâm hồn phong phú chứ để "sống chết" với nghề thì gia đình không muốn. Nếu nghe lời bố mẹ, có lẽ giờ này Anh Thơ đã là một bác sĩ, nối nghiệp mẹ, sẽ chẳng quan tâm tới nhan sắc – vốn là điều kiện khá quan trọng với nghề diễn viên bên cạnh tài năng, để rồi thi thoảng chị lại tiếc: “Ước gì mình trẻ lại chục tuổi để được phẫu thuật thẩm mỹ thật đẹp, cho bằng bạn bằng bè, bằng cả các em út bây giờ nữa”.
Anh Thơ tâm sự cho tới tận bây giờ, chị không thể quên được giây phút thấy tên mình trong danh sách trúng tuyển vào Nhà hát Tuổi trẻ với 4 vòng thi gắt gao. Đó là ngày 4/9/1990, Anh Thơ như con chim nhỏ, tung tăng khắp chợ Hôm mấy chục vòng liền trên chiếc xe đạp Thống Nhất để mừng giấc mơ của mình thành hiện thực.
Giấu nhẹm chuyện mình đã trúng tuyển Đại học Y trước đó, gia đình Anh Thơ cực chẳng đã đành đồng ý cho chị học nghệ thuật vì nghĩ đằng nào con gái cũng đã trượt đại học. Trên khi thực tế ngoài Đại học Y, Anh Thơ còn đỗ cả ĐH Sân khấu Điện ảnh và Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. Mãi 3 năm sau, khi gia đình chuyển nhà, bố chị phát hiện ra tờ giấy báo nhập học ở dưới ngăn tủ, mọi chuyện mới vỡ lở. Anh Thơ bị cả nhà mắng, chị chỉ biết ngậm ngùi chịu trận, mọi việc sau đó đành “hoà cả làng”.
|
Cô Út vô tư, phán câu nào chuẩn câu đấy khiến nhà chủ tái mặt trong Cả một đời ân oán. |
Lớp đào tạo diễn viên khóa 2 của Nhà hát Tuổi trẻ kéo dài hơn 3 năm. Trong thời gian ấy, cứ 6 tháng Nhà hát lại tổ chức thi để loại những học viên không đạt. Sau 3 năm, từ hơn 30 học sinh trúng tuyển, lớp chỉ còn hơn chục người. Và Anh Thơ đã trụ vững qua nhiều cuộc sàng lọc ấy với kết quả học luôn cao nhất lớp. Dù vóc dáng nhỏ bé, gương mặt không có gì nổi bật nhưng Anh Thơ lại được thầy giáo – NSND Lê Hùng đánh giá cao khả năng diễn xuất, thường giao cho cô những vai quan trọng trong các vở chính kịch. Dẫu không phải là sân khấu lớn, dẫu chỉ là những vai diễn trong các bài tập thực hành trên lớp nhưng 3 năm học là một khoảng thời gian vô cùng đẹp đẽ trong cuộc đời Anh Thơ khi chị được sống hết mình, được thể hiện khả năng, được thăng hoa với vai diễn.
Được cưng là thế trên giảng đường nhưng khi đầu quân về Nhà hát Tuổi trẻ, Anh Thơ như người từ trên đỉnh núi bị lăn xuống vực sâu. Suốt 2 năm liền, đến vai quần chúng Anh Thơ cũng không có cơ hội chạm chân lên sân khấu. Từ một học viên xuất sắc, giờ phải đứng sau cánh gà, trong đầu Anh Thơ quẩn quanh câu hỏi “Vì sao?”.
Cuối cùng, chị cũng tìm ra được cho mình câu trả lời, làm nghề diễn viên tài năng chưa đủ, phải có cả sắc mới vẹn toàn. Nhìn lại mình, chị thấy giữa những cái tên đang rực rỡ nhất của Nhà hát Tuổi trẻ những năm 1990 như Lê Khanh, Lan Hương,…thì một diễn viên trẻ mới vào nghề như chị, để có cơ hội nhận những vai chính kịch lớn là điều không tưởng.
Những lúc bế tắc, Anh Thơ còn nghĩ giá như thầy giáo cho mình trượt ngay từ đầu thì chị đã không phải rơi vào hoàn cảnh dở khóc dở cười như vậy. Quá nản, Anh Thơ đi học tiếng Anh, học vi tính với ý định chuyển nghề khác, nhưng ánh đèn sân khấu vẫn có sức hút ma mị. Chị nhận ra vai chính kịch không dành cho mình nhưng lại tổ nghề lại dành cho Anh Thơ cái duyên sân khấu khi vào những vai cá tính, hài hước.
Nhưng chị vẫn nghĩ giá như cách đây gần 30 năm, phẫu thuật thẩm mỹ nở rộ như bây giờ, nhất định chị sẽ “đập mặt đi xây lại” để được diễn vai công chúa, bà hoàng, để được thăng hoa hơn với nghề. Và giá như, có cơ hội lại, Anh Thơ cũng sẽ tham gia đóng phim truyền hình nhiều hơn.
|
Anh Thơ của hiện tại, chỉ ước mình trẻ lại chục tuổi để phẫu thuật thẩm mỹ cho bằng bạn bằng bè. |
Là người của sân khấu kịch, suốt những năm tháng tuổi trẻ Anh Thơ chỉ chăm chăm làm tốt việc của mình ở Nhà hát mà từ chối rất nhiều vai diễn ở truyền hình. Ngoài vai cô giúp việc tên Văn trong series phim Bà nội không ăn pizza 7 năm trước, chị gần như không xuất hiện ở màn ảnh nhỏ. Cô Út trong Cả một đời ân oán là vai giúp việc tiếp theo sau 7 năm không ngó ngàng gì tới phim ảnh của Anh Thơ.
Anh Thơ bảo màn ảnh có độ phủ khủng khiếp, đó là cơ hội để thể hiện khả năng diễn xuất, chị đã từng từ chối nó nhưng bây giờ thì khác. “Giờ thì tôi rút kinh nghiệm rồi, ai gọi là đi luôn”, nữ diễn viên sinh năm 1973 trải lòng.
Theo T.Lê/VietnamNet