>>> Mời quý độc giả xem trailer: "Huyền Thoại Xứ Oz: Dorothy Trở Lại". Nguồn Youtube: |
|
Phù thủy xứ Oz (1939) là bộ phim kinh điển chuyển thể từ tiểu thuyết thiếu nhi của nhà văn L. Frank Baum. Chuyến phiêu lưu nhiệm màu của cô bé Dorothy đã trở thành câu chuyện bất hủ, có nhiều ảnh hưởng đến văn hóa đại chúng của Mỹ và thế giới.
Bộ phim được đánh giá là tác phẩm đi trước thời đại ở cả nội dung và cách sản xuất. Tại thời điểm ra mắt năm 1939, Phù thủy xứ Oz gây choáng ngợp bởi kinh phí khủng 2,8 triệu USD, trong đó có khoản tiền không nhỏ dành cho trang phục, bối cảnh, đạo cụ, diễn viên quần chúng.
Tuy nhiên ngoài sự nổi tiếng vì quy mô hoành tráng và dàn diễn viên đình đám, Phù thủy xứ Oz còn tốn nhiều giấy mực của báo chí bởi hậu trường tai tiếng, quá trình quay khắc nghiệt đến phi đạo đức.
Nhiều thập kỷ sau khi phim ra mắt, các bí mật động trời ở hậu trường mới được tiết lộ khiến dư luận phẫn nộ. Thậm chí, "mặt tối của Phù thủy xứ Oz" còn trở thành một từ khóa quen thuộc trong các bài viết bàn về tác phẩm.
Sao nhí bị hủy hoại cả cuộc đời
Judy Garland là nữ diễn viên trẻ thuộc sự quản lý của hãng phim danh tiếng MGM. Năm 17 tuổi, cô may mắn được chọn vào vai chính của Phù thủy xứ Oz nhờ giọng hát trong trẻo và ngoại hình xinh xắn như búp bê.
Vai diễn Dorothy đã đưa tên tuổi Judy vụt thành ngôi sao sáng trên bầu trời Hollywood và giúp cô giành tượng vàng Oscar Thanh thiếu niên cùng nhiều giải thưởng danh giá khác. Ít ai ngờ, đây cũng chính là vai diễn góp phần kết thúc sự nghiệp của sao nhí.
Để có được vẻ trẻ con của cô bé Dorothy 12 tuổi, Judy phải áp dụng chế độ ăn kiêng khắc nghiệt chỉ có cà phê, súp gà và hút thuốc lá mỗi ngày. Nữ diễn viên ở tuổi phát triển còn phải mặc áo nịt siêu bó tạo ngực phẳng, eo nhỏ.
|
Judy Garland trong vai Dorothy cùng các diễn viên chính khác trong Phù thủy xứ Oz. |
Trong quá trình quay, Judy cùng nhiều bạn diễn tuổi thiếu niên khác phải làm việc với cường độ cao. Tổ sản xuất đã cho các diễn viên dùng thuốc gây hưng phấn để luôn giữ được sự tỉnh táo.
Khi dùng quá nhiều thuốc dẫn đến mất ngủ, họ lại được kê thuốc an thần. Cứ như thế lặp đi lặp lại trong suốt nhiều ngày quay phim, không ít diễn viên trẻ bị kiệt quệ cả thể xác lẫn tinh thần. Riêng Judy Garland bị nghiện chất kích thích từ sau quá trình quay Phù thủy xứ Oz.
Không chỉ vậy, tờ Express của Anh còn thông tin rằng Judy thường xuyên bị lạm dụng tình dục bởi các ông lớn thuộc hãng phim lẫn thành viên đoàn làm phim.
Kết cục buồn cho sao nhí một thời là qua đời vì sốc thuốc ở tuổi 47. Chồng của Judy chia sẻ trong cuốn hồi ký rằng những năm cuối đời, nữ diễn viên phải vật lộn với cơn nghiện và bệnh tâm lý. Không ít lần bà tự gây thương tích lên cơ thể, vì vậy giọng hát và nhan sắc của Judy dần bị hủy hoại.
Hàng loạt tai nạn phim trường
Quy mô phim trường khổng lồ cùng dàn diễn viên đông đảo nhưng Phù thủy xứ Oz lại bị chỉ trích vì quản lý lỏng lẻo, bất cẩn gây ra nhiều tai nạn nghiêm trọng trong quá trình quay.
Nổi tiếng nhất trong số đó là vụ hỏa hoạn do khói đạo cụ khiến nữ diễn viên Margaret Hamilton, vai Phù thủy Xấu, bị bỏng nặng và nhiễm độc da.
Trong phân cảnh Phù thủy Xấu xuất hiện lần đầu tiên, tổ đạo cụ sử dụng khói đỏ để tạo hiệu ứng phép thuật hắc ám. Tuy nhiên vì sơ suất, chất tạo khói bất ngờ bắt cháy, nuốt Margaret trong biển lửa. Nữ diễn viên bị bỏng mặt và 2 cánh tay, lớp màu trang điểm phản ứng với nhiệt trở nên độc hại khiến da cô bị nhiễm trùng.
|
Margaret Hamilton trong vai Phù thủy Xấu. |
Đáng nói hơn, sau đó tai nạn này lặp lại gần như y nguyên với nạn nhân là Betty Danko, diễn viên đóng thế của Margaret. Chính vì vậy các phân cảnh có sự xuất hiện của Phù thủy Xấu bị cắt gọt kha khá trong bản phim chính thức.
Ngoài Margaret, một diễn viên chính khác là Buddy Edsen cũng trở thành nạn nhân của tổ hóa trang, đạo cụ. Edsen vào vai Người Sắt, phải mặc bộ áo giáp và phủ lớp màu bạc kín người. Thành phần nhôm trong màu hóa trang đã khiến Ebsen bị nhiễm độc dị ứng, phải cấp cứu trong tình trạng khó thở, nguy kịch.
Sau đó vai diễn của Ebsen phải giao cho người khác quay, nam diễn viên chỉ xuất hiện trong phim qua giọng lồng tiếng.
Không dừng lại ở đó, diễn viên đóng phim còn bị đe dọa sức khỏe bởi chất asbestos (hay còn gọi là amiăng), loại sợi khoáng silicat để làm tuyết giả. Đây là chất độc hại, có thể dẫn đến ung thư hoặc ngộ độc cấp.
Bất chấp quá trình làm phim tàn nhẫn, Phù thủy xứ Oz (1939) vẫn trở thành một trong những tác phẩm kinh điển của điện ảnh thế giới. Phim kể về cô bé Dorothy bị gió lốc cuốn bay khỏi quê nhà Kansas, lạc vào xứ Oz kỳ dị. Cô bé cùng những người bạn mới chiến đấu lại Phù thủy Xấu, tìm kiếm phép màu để trở về nhà.
Tại thời điểm ra mắt, Phù thủy xứ Oz bị đánh giá là thua lỗ vì thể loại phim xa lạ với khán giả đại chúng và kinh phí đầu tư quá lớn. Dù vậy phim vẫn có 6 đề cử Oscar và chiến thắng ở 2 hạng mục âm nhạc.
Năm 1955, phim được phát hành lại đồng thời bán cho hệ thống truyền hình CBS. Ngay lập tức, cô bé Dorothy tạo nên tiếng vang lớn, phủ sóng rộng rãi khắp các gia đình nuớc Mỹ trong dịp lễ.
Đến nay, Phù thủy xứ Oz vẫn thường xuyên góp mặt trong danh sách những bộ phim hay nhất mọi thời đại. Các đạo cụ phim như chiếc váy xanh của Dorothy, đôi giày đỏ ruby được đưa ra đấu giá và trở thành phục trang điện ảnh đắt đỏ nhất trong lịch sử.
Theo Duy Nguyên/Zing News