Ở thời điểm hiện tại, cái tên Thương Tín đang nổi như cồn. Không phải vì những thành tựu nghệ thuật hay những tác phẩm điện ảnh mà ông từng cống hiến cả thời son trẻ mà vì những scandal xoay quanh câu chuyện tiền bạc của ông. Từ chỗ đáng thương và được giúp đỡ, ông lại trở thành tâm điểm chỉ trích, mỉa mai và khinh thường của mọi người. Nếu như bình tĩnh một chút, nghĩ rộng một chút, hẳn ai trong chúng ta sẽ phải nói lời cảm ơn nam tài tử bởi ông đã cho mọi người thấy những bài học có tiền cũng không mua được và có tiền cũng không dám mua.
Bài học thứ nhất: Đồng tiền rất bạc
Phải thừa nhận Thương Tín từng đứng trên đồng tiền và chẳng coi nó ra gì. Bởi ở thời hoàng kim, ông từng xài tiền như nước, thậm chí từng tiêu hẳn 3 cây vàng một đêm trên chiếu bạc. Cái thời dọc ngang đó thì tiền phải nể, phải nhìn sắc mặt của Thương Tín. Nó phục vụ cho những thú vui bất tận của ông một cách vô điều kiện.
Đến thời mạt vận, Thương Tín đành ''quỳ'' trước đồng tiền. Ông làm mọi cách để kiếm tiền. Nhưng hết thời, tuổi già sức yếu thì nai lưng ra kiếm tiền cũng không đủ chi tiêu dè xẻn chứ nói gì nuôi vợ nuôi con. Không công việc ổn định, không còn là nam chính không còn là lựa chọn hàng đầu của các đạo diễn, ông đành lụm bạc cắc để lay lắt qua ngày.
Thế mới biết, thứ gì đến dễ thì đi cũng nhanh. Thời ông có tiền, ông không trân trọng cũng không tích lũy. Khi ông không có tiền cũng là lúc ông cần nó nhất thì nó cũng phũ với ông, bạc với ông. Đồng tiền khiến tài tử lừng danh năm nào cũng phải cúi đầu khuất phục.
Bài học thứ hai: Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng
Nếu có ai hỏi Thương Tín có nổi tiếng không? Cái danh tài tử màn bạc của ông có đáng giá không? Chắc chắn không ai chần chừ mà khẳng định ngay là: "Có". Đếm trên đầu ngón tay mới có được những tên tuổi làm nên thành công của điện ảnh Việt những năm hoàng kim. Đặc biệt có hai cái tên Tín làm khán giả phải nhớ mãi không chỉ về sắc vóc mà còn về khả năng biến hóa đa dạng trên màn ảnh. Nhắc đến Nguyễn Chánh Tín với ''Ván bài lật ngửa'', thì Thương Tín là ''Biệt động Sài Gòn''.
Ngoài ra, Thương Tín còn tham gia hàng loạt phim nổi tiếng khác như: ''Săn bắt cướp'', ''Ngũ quái Sài Gòn'', ''Chiến trường chia nửa vầng trăng''... Ông còn vang danh ở lĩnh vực sân khấu. Tại đoàn Kim Cương một thời, Thương Tín được đóng cặp với kỳ nữ Kim Cương và nhanh chóng trở nên nổi đình đám bằng những vở diễn gây ấn tượng mạnh với khán giả như: "Bông hồng cài áo", "Vực thẳm chiều cao", "Huyền thoại mẹ"… Thương Tín đã diễn tổng cộng trên 100 vai kịch và hai phần ba số đó là vai chính, vai kép độc.
Mấy ai xây dựng được sự nghiệp và cái danh thơm vang tận đến hôm nay như Thương Tín. Để khi ông sa cơ lỡ vận, khán giả hâm mộ một thời vẫn giúp đỡ ông nhờ tình yêu với những vai diễn. Vậy mà ông đạp đổ tình cảm ấy chỉ vì tiền. Ông có biết đâu tiếng thơm của ông ngày nào giờ cũng bị những chiêu trò trong các clip đăng tải ở YouTube vấy bẩn. Ông liên tục than, kể chuyện vợ không chịu nổi khổ dẫn con bỏ đi, tố đồng nghiệp ăn chặn tiền của mình... Những sự việc này đúng là hấp dẫn dư luận mang tính tò mò nhưng đồng thời nó cũng giết đi cái tên Thương Tín trong lòng mọi người.
Bài học thứ ba: Tử tế với cuộc đời và với người ơn
Cuộc đời Thương Tín may mắn lắm khi nhận được sự tử tế của rất nhiều bạn bè, đồng nghiệp và cả khán giả. Khi ông đột quỵ, Trịnh Kim Chi lập tức có mặt để làm cầu nối, kêu gọi các mạnh thường quân giúp đỡ cho ông với số tiền không hề nhỏ. Ông cũng có người bạn là nhạc sĩ Tô Hiếu giúp ông nhu yếu phẩm để vượt qua mùa dịch mệt mỏi khó khăn. Ông cũng được các nhà hảo tâm từng là khán giả yêu mến ông giúp chỗ ở, giúp việc làm...
Vậy nhưng đến nay thì sao? Tất cả mọi người đã tránh xa, thậm chí tuyên bố không muốn dính líu đến Thương Tín. Nguyên nhân cũng chỉ vì cái sự bạc bẽo của ông đối với họ. Thay vì biết ơn và trả ơn họ, ông mang đến cho họ tai tiếng và thị phi mệt mỏi. Ông đấu tố, bóc phốt Trịnh Kim Chi ăn chặn tiền các mạnh thường quân giúp đỡ mình. Thương Tín tiếp tục đặt dấu hỏi về lòng tốt của MC Phạm Anh, người giúp đưa ông vào viện khi đột quỵ và hỗ trợ vợ ông làm tài khoản ngân hàng để các nhà hảo tâm chuyển khoản trực tiếp giúp ông có tiền lo thuốc men viện phí. Ai đến với ông hay dang tay giúp ông thì ông đều nghi kị họ có mục đích đen tối cả?
Chứng kiến cách hành xử của Thương Tín, chính nhạc sĩ Tô Hiếu - người bạn thân thiết của ông cũng phải ngao ngán tuyên bố không còn muốn dính líu đến ông: "Thương Tín sai quá sai, ban đầu tôi là người giúp đỡ anh ấy vì nghĩ không còn ai giúp, thấy tội. Sau khi xảy ra ồn ào với Trịnh Kim Chi, tôi là người trung lập với mong muốn Thương Tín rõ ràng trong chuyện này. Tiền đã đưa, nhận đủ nhưng Thương Tín lại có phát ngôn như vậy là không được, Trịnh Kim Chi cũng là người giúp đỡ anh ấy rất nhiều. Không cớ gì mà Trịnh Kim Chi lại chu đáo đến vậy, từ việc mua bảo hiểm, đến chuyện giúp Thương Tín làm răng và nhiều thứ khác. Hiếu nghĩ nếu đưa hết cho Thương Tín, sợ rằng số tiền đã không còn hoặc sẽ hết sớm mà thôi".
Lời ẩn ý của nhạc sĩ Tô Hiếu cũng phần nào làm những người tử tế với Thương Tín thức tỉnh. Chỉ muốn nhận sự tử tế nhưng không biết cách tử tế với người khác thì cả đời đừng mong có được sự tử tế.
Bài học thứ tư: Tự lực cánh sinh
Ở phần đầu câu chuyện về Thương Tín, thật sự khán giả có xúc động bởi ông từng bảo bản thân muốn làm công việc ổn định để có tiền nuôi vợ nuôi con. Tuy nhiên, lời nói và hành động của ông rất bất nhất. Sau khi làm công việc do các mạnh thường quân tạo điều kiện được vài ngày, ông đã ngao ngán. Thay vì tập trung chạy grab kiếm thu nhập, hay làm bảo vệ ở nha khoa để có đồng ra đồng vào, ông lại ngồi lê la cà phê nhằm "bán nước bọt" vẽ ra đủ câu chuyện hoang đường, gieo tiếng ác cho rất nhiều người để cầu mong sự thương hại, hỗ trợ tiền bạc từ những nhà hảo tâm khác. Ông ăn bám hào quang của quá khứ để có được tiền bạc sống cuộc sống mà bản thân và vợ trẻ tự vẽ ra.
Khái niệm tự kiếm tiền lúc này với Thương Tín bằng không. Bởi ngồi một chỗ có người cho đã quen, nói vài câu có người thương và mang tiền đến quá sướng thì nai lưng ra làm việc thật quá phí hoài tài năng của ông. Tiền bạc bây giờ ông có đều được đánh đổi bằng ánh hào quang quá khứ, bằng những câu chuyện đời tư, bằng sự thương hại và cả toan tính. Thế nhưng, chúng chỉ bán được một hoặc hai lần là hết mức. Đến lúc không còn gì để bán thì ông sống bằng gì khi tự trọng, danh tiếng... đều không còn?
Như nghệ sĩ Mạc Can đã nói: "Tôi thấy chuyện từ thiện cũng tốt nhưng phải xem người ta có thật thà, thực sự muốn giúp mình không. Tôi đủ sức xem xét chuyện đó, nếu người ta giúp đỡ mình trong lúc khó khăn thì hoan nghênh, nhưng nếu người đó không ổn thì xin lỗi tôi không dám nhận. Đến nay tôi chưa gặp nhiều trường hợp phải từ chối. Tôi thấy dù nhận từ thiện nhưng tự mình nuôi lấy mình thì tốt hơn". Phải chăng đã đến lúc Thương Tín nên học người đồng nghiệp của mình để hiểu tự lực cánh sinh là tự trọng thế nào?
Theo Lam Khánh / Công lý & xã hội