Cú sốc từ sự ra đi đột ngột của bố
Là người từng trải qua trầm cảm, thấu hiểu những tàn phá kinh khủng của nó về sức khoẻ, tinh thần… nên mỗi khi đọc được tin tức về các nghệ sĩ trầm cảm dẫn đến tự tử, cô lại nhớ về khoảng thời gian mình từng ở trong hoàn cảnh bi đát đó.
Một trong những trường hợp ám ảnh Tuyết Nga là bức thư tuyệt mệnh của ca sĩ Jonghyun- thành viên nhóm nhạc nam Shinee nổi tiếng của Hàn Quốc. Đọc những gì mà ca sĩ này để lại, người đẹp Tuyết Nga không khỏi xót xa vì những cuộc vật lộn âm thầm trong đời sống riêng của các ngôi sao K-pop, những khó khăn lặng lẽ mà công chúng không hề biết tới. "Tôi vẫn còn nhớ trong lá thư tuyệt mệnh của mình, Jonghyun viết: "Tôi đổ vỡ từ bên trong nội tâm. Chứng trầm cảm từ từ nuốt mất tôi và rồi cuối cùng nuốt trọn tôi, tôi không thể đánh lại nó. Trầm cảm đáng sợ vô cùng. Không biết bắt đầu từ khi nào nhưng đến khi ta phát hiện, sơ sẩy muộn một chút thì đã không còn kịp tự cứu mình khỏi bờ vực thẳm", Tuyết Nga chia sẻ.
|
Hiện tại, Tuyết Nga luôn cân bằng giữa công việc và nghỉ ngơi. Ảnh: TL |
Hoa hậu Áo dài 2019 nhớ lại giai đoạn bản thân phát hiện bản thân rơi vào căn bệnh trầm cảm: "Đó là tháng 7/ 2017, cơ thể tôi thường xuyên bị kiệt sức, rệu rã. Không chỉ thế, tôi bắt đầu có dấu hiệu hoang tưởng, nhiều nỗi sợ cứ xuất hiện một cách vô hình và không nguyên cớ. Thế nhưng, tôi chưa mảy may nghi ngờ rằng mình bị trầm cảm. Tôi lại tưởng tượng mình bị ai đó chơi bùa ngải như nhiều câu chuyện trong giới vẫn hay đồn đoán. Nó khiến tôi hoảng loạn hơn, càng đẩy cơ thể tôi suy nhược, ăn không ngon ngủ không yên, mất mọi kiểm soát về cảm xúc lẫn hành động".
Suốt thời gian này, Tuyết Nga thường xuyên bị mất ngủ. Ở cái tuổi mà lẽ ra chỉ cần đặt lưng xuống là ngủ một mạch thì cô gần như thức trắng. Chừng 4-5 giờ sáng, khi cơ thể đã quá mệt vì vật vã thì cô mới thiếp đi được một lúc.
Cứ nghĩ do áp lực công việc và ảnh hưởng bởi chuyện tình cảm không như mong muốn nên Tuyết Nga chỉ biết cố gắng gồng lên chống chọi mà không tìm đến bác sĩ để điều trị hay tư vấn. Thời điểm đó, cô lại đang tham gia cuộc thi Sao Mai, phải luyện tập nhiều nên để có sức khoẻ và ổn định tinh thần hơn, cô đã chọn cách làm bạn với thuốc ngủ. "Tôi dùng một lúc 2 viên nhưng vẫn không thể nào ngủ được. Mất ngủ và luôn sống trong nỗi sợ vô hình nhưng tôi buộc bản thân phải tiếp tục công việc như bao người mà không biết càng làm thế, tôi càng tự đẩy mình đứng trước vực thẳm vô hình. Vốn trước kia, tôi là người hay cười nói, thường giấu muộn phiền vào trong vì bản thân tôi không cho phép mình khiến mọi người xung quanh buồn theo mình. Nhưng chứng bệnh này càng không chia sẻ, không có người chia sẻ thì càng nặng lên…", Tuyết Nga nói.
Sau này, khi đã được bác sĩ điều trị, cô mới nhận ra rằng cô bị "ủ bệnh" từ nhiều năm trước, khi bố cô đột ngột qua đời. Theo Tuyết Nga, bố cô là một người chồng, người cha mẫu mực của gia đình. Từ nhỏ, dù gia cảnh không mấy khá giả nhưng nhà cô luôn tràn ngập tình yêu thương. Cô đi theo con đường ca hát cũng là nhờ được thừa hưởng giọng hát từ bố. Khi cuộc sống đang rất yên bình thì bố cô bị bệnh ung thư và ra đi rất nhanh sau đó thì gia đình cô rơi vào khủng hoảng vì mất mát quá lớn. Lúc đó Tuyết Nga mới 14 tuổi và nhiều năm sau đó, cô vẫn không quen được cảm giác thiếu vắng người cha trong nhà. Cùng với đó là sự vất vả, thiếu thốn khiến Tuyết Nga luôn sống trong mặc cảm với bạn bè, dòng họ.
Áp lực trụ cột gia đình, sự nổi tiếng và những tổn thương tình cảm
Khi học xong lớp 12, học lên đại học và đi làm, Tuyết Nga luôn nung nấu một suy nghĩ, học là để tìm cơ hội thay đổi hoàn cảnh, để không ai coi thường, bắt nạt gia đình cô nữa. Áp lực phải nổi tiếng, lại vừa học vừa làm để có tiền ăn học và gửi về quê cho mẹ nuôi em, Tuyết Nga không hay rằng điều đó đã hình thành trong cô sự chịu đựng mà ít bày tỏ hay chia sẻ để cân bằng cho chính mình.
"Trong suy nghĩ, lúc nào tôi cũng nghĩ đến trách nhiệm của mình, phải cố gắng thật nhiều để trở thành trụ cột của gia đình vì bố rất kỳ vọng vào tôi. Những suy nghĩ đó khiến tôi luôn bắt mình phải gồng gánh mội khó khăn, vấp ngã trong cuộc sống. Tôi chỉ chia sẻ niềm vui còn nỗi buồn thì chỉ riêng mình chịu đựng chứ ít khi nói ra nên ngay cả mẹ tôi cũng không biết tôi đã từng trải qua những khó khăn đó ra sao. Để thành công như hôm nay, tôi phải một mình bước đi giữa cuộc sống khắc nghiệt để tìm chỗ đứng. Cũng đã có rất nhiều sóng gió và thử thách nhưng thường thì tôi khắc phục rồi vượt qua rất nhanh, vì tôi vốn là người khá can trường. Nhưng tổn thương về tinh thần thì không hề dễ. Tôi nhận ra rằng người ta chỉ có thể mạnh mẽ trước sóng gió của cuộc sống nhưng với tình cảm thì lại trở nên rất yếu đuối", giọng ca xứ Thanh nói.
Và cô rơi vào chứng trầm cảm từ lúc nào không hay. Không chịu được những cơn mất ngủ triền miên, sức khoẻ kiệt quệ, cô tìm đến bác sĩ thì mới biết mình bị trầm cảm, suy nhược cơ thể kéo dài. Cô cho biết, dùng thuốc chỉ là điều kiện cần thôi, quan trọng hơn phải dùng đến ý chí, nghị lực. Nếu không có yếu tố tự thân, người mắc chứng bệnh này rất dễ trượt dài trong bế tắc. Người mạnh mẽ và lỳ như cô mà rồi trong quá trình điều trị cũng không tránh khỏi sự chán nản vì bác sĩ không cho cô được làm việc. "Có những lúc quá mệt mỏi, ngộp thở và tôi cũng đã từng nghĩ đến việc sẽ kết thúc mọi thứ bằng việc sẽ tự tử, nhưng rồi thứ duy nhất kéo tôi lại là trách nhiệm. Rằng sau khi mình chết có thể mình sẽ đc giải thoát nhưng người ở lại sẽ thế nào, sẽ đau khổ ra sao, sẽ bơ vơ thế nào? Bố tôi đã mất, mẹ và em trai luôn kỳ vọng vào tôi. Tôi không nỡ làm họ đau khổ. Nhờ suy nghĩ đó mà tôi vượt qua đưọc sự yếu đuối và tìm mọi cách để thoát ra khỏi tình cảnh hiện tại", Tuyết Nga tâm sự.
Bù lại, cô cũng thấy mình thực sự may mắn khi vào lúc khó khăn nhất, cô luôn có người thân ở bên. Chính tình yêu thương mới là liều thuốc hữu hiệu để chữa lành cho cô. "Lúc trầm cảm là lúc tôi yếu đuối nhất, trống rỗng nhất và luôn khó chịu, xấu xí nhưng người thân đã chịu đựng và ở bên tôi mỗi ngày, lo lắng, quan tâm cho tôi mọi lúc", người đẹp áo dài xúc động nói.
Cùng với đó, Tuyết Nga buông bỏ hết tất cả để tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ. Thay vì những suy nghĩ tiêu cực trước đây, cô chỉ nghĩ đến những ngày tháng tươi đẹp đã có và sẽ đến. Cô nghỉ ngơi hoàn toàn, ăn uống điều độ, tập trung vào thư giãn, đi nghỉ dưỡng cùng gia đình… Khi thấy sức khoẻ có phần ổn hơn, cô làm những công việc em thích như nghe nhạc thiền tĩnh tâm, nghe những bài giảng của đạo Phật, tham gia các hoạt động từ thiện đã làm cho tâm hồn dịu lại.
Cô cũng cho rằng sỡ dĩ những nghệ sĩ khó vượt qua được trầm cảm mà tìm đến cái chết là bởi họ luôn cảm thấy bị cô độc nhưng lại không đủ dũng khí để buông bỏ những danh tiếng hiện tại. Họ cũng không tìm được chỗ dựa vững chãi để được sẻ chia, giải thoát những bế tắc hiện tại nên đi vào ngõ cụt là đương nhiên. Khi bị trầm cảm, con người ta càng có xu hướng cô lập mình. Chỉ có những người thực sự quan trọng trong cuộc đời họ mới đủ sức kéo họ ra khỏi bóng tối của trầm cảm.
Nghệ sĩ vốn rất nhạy cảm, tâm hồn ướt át, yếu đuối và rất dễ bị tác động bởi hoàn cảnh xung quanh. Khi không vui hay đau đớn, họ cũng cảm nhận sâu sắc và nhân lên gấp bội so với người bình thường. Cũng chính vì thế, họ rất dễ bị trượt dài trong cảm xúc của chính mình mà nếu không may mắn được chữa trị kịp thời bằng phác đồ, tình yêu thương, ý chí và nghị lực bản thản.
Theo Minh Nhật/Giadinh.net