Đi thi Hoa hậu là vì con trai
Sau 4 tháng đoạt vương miện cuộc thi Mrs Worldwide 2018 (Hoa hậu Phụ nữ Toàn thế giới 2018), công việc của chị có gì tiến triển hơn không?
-Về hình thức thì không có nhiều thay đổi lắm nhưng bên trong suy nghĩ của tôi thì có nhiều. Ở tuổi 35, cái tuổi cần sự ổn định thì tôi đã tạo cho mình dấu mốc mới. Từ đó, tôi nghĩ hướng đi mới chứ không còn giậm chân tại chỗ như trước nữa. Tôi thay đổi bản thân nhiều hơn, cũng là làm thay đổi cuộc sống của chính mình. Cơ hội cũng khác đi từ chính sự thay đổi trong suy nghĩ như thế.
|
Hoa hậu Dương Thùy Linh. Ảnh: TL |
Thông thường, thi Hoa hậu ở các cuộc thi quốc tế cần cho những người chưa hoặc ít có tên tuổi để mong có được thành tích nào đó làm “bàn đạp” vào showbiz. Vậy lúc thi, chị có đặt mục đích nào không?
-Lúc nhận được lời mời, tôi cũng có nhiều băn khoăn lắm. Rằng mình đã từng có danh hiệu Hoa hậu thân thiện ở cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ rồi, nếu giờ đi thi mà có giải thì còn không sao, nếu không thì khác nào bước thụt lùi? Hơn nữa, cũng lăn tăn đến vấn đề kinh tế vì rõ ràng đã đi thi sắc đẹp là tốn kém rồi. Bây giờ được vương miện rồi, thực sự tôi cũng không biết sẽ dùng thành tích đó để làm gì. Lúc đi thi tôi không nghĩ nhiều đến mục đích, ngoài một điều duy nhất là muốn con trai được chứng kiến mẹ trên đấu trường quốc tế. Suy từ mình ra, tôi được như hôm nay là vì được chứng kiến những thành tựu từ bố mẹ. Từ nhỏ, tôi luôn nghĩ, tôi là con của bố mẹ, bố mẹ làm được thì mình cũng sẽ làm được (bố Hoa hậu Dương Thùy Linh là PGS, từng là giảng viên Đại học Kinh tế Quốc dân, rồi làm việc ở Bộ GD&ĐT. Mẹ cô là PGS.TS kinh tế từng đảm nhận vị trí Giám đốc Quốc gia về xóa đói giảm nghèo -PV). Chính vì vậy, tôi rất muốn truyền cho con suy nghĩ rằng, con cũng có cơ hội để làm những điều đặc biệt. Cái tôi muốn con thấy không phải là vương miện, mà là ở việc vượt qua sự nhút nhát của chính mình, để đứng trên đấu trường quốc tế, ở thời điểm mà phần lớn người ta chỉ nghĩ đến sự ổn định, ngại thay đổi bản thân.
Nhưng cuộc thi mà chị tham gia lại được một số ý kiến trong nước cho rằng nó thực chất chỉ như “ao làng”. Nghe nhận xét này, chị có chạnh lòng không?
-Tôi không buồn cũng không cảm thấy vì thế mà tự ái. Lúc đầu nhìn sân khấu tôi cũng hơi chán thật. Tôi nói với BTC, cuộc thi này về Việt Nam có thể hoành tráng hơn nhiều. Nhưng cũng cần phải xét đến nội tại của nó. Singapore là một đảo quốc nhỏ bé, đi từ đầu tới cuối đất nước chỉ mất có 30 phút chạy xe. Đất chật người đông nên cái gì cũng đắt đỏ, xin tài trợ khó khăn. Muốn tổ chức hoành tráng cũng không dễ. Thêm vào đó, đất nước họ không bị “ám ảnh” bởi hoa hậu giống Việt Nam. Bản thân tôi khi đi thi cũng không đặt nặng gì nên những chuyện bề ngoài ấy tôi cũng nghĩ đơn giản lắm. Điều quan trọng là mình đã có cơ hội được áp dụng tất cả những gì mình học được - những điều mà tôi đã không thực hiện khi còn trẻ ở cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ thì giờ đã được “phục thù” (cười).
Thêm danh hiệu, vậy cát-sê của chị có tăng lên?
-Cũng không có gì thay đổi nhiều lắm. Một phần vì cát-sê của tôi cũng cao từ trước rồi, nếu có thì thường ở sao hạng A thôi mà tôi thì đâu phải thế.
Bố mẹ từng xấu hổ vì tôi đi thi Hoa hậu
Thời gian gần đây, những ồn ào về Hoa hậu “đi khách” với giá hàng nghìn đô-la liên tục bị phanh phui, là Hoa hậu, chị có thấy danh hiệu này ngày càng mất giá?
-Câu chuyện đó thực ra vẫn luôn “đồng hành” với cuộc sống của các hoa hậu, người đẹp, chỉ là thời trước không có mạng xã hội nên không bung bét ra như bây giờ thôi. Tôi nhớ có bộ phim còn nói về chuyện Hoa hậu phải “đứng đường” kiếm sống. Một vài thành phần sa ngã vì tiền khiến chúng ta ác cảm nhưng đừng nhìn vào đó để đánh đồng tất cả. Tôi nhớ ngày trước tôi đi thi Hoa hậu, chính bố mẹ tôi còn cảm thấy xấu hổ, bảo thạc sĩ, tiến sĩ sao không trở thành mà lại đi thi hoa hậu? Nhưng bây giờ bố mẹ tôi cũng đã cởi mở hơn với các cuộc thi sắc đẹp. Bố mẹ tôi khó tính vậy mà còn thay đổi thì với trình độ dân trí bây giờ, tôi không nghĩ công chúng sẽ nhìn tất cả hoa hậu theo hướng tiêu cực như vậy.
NTK Việt Hùng từng thất vọng về nhiều người đẹp sau khi dành vương miện thì chỉ an phận với cuộc sống cá nhân, ít có đóng góp nổi bật cho cộng đồng. Trong mắt anh, chỉ có hoa hậu Mai Phương Thúy là chăm chỉ làm từ thiện hơn cả. Chị thấy nhận định này thế nào?
-Mai Phương Thúy có may mắn được NTK Việt Hùng hỗ trợ vì anh có nhiều mối quan hệ trong showbiz. Một phần nữa là lúc đó rất ít hoa hậu nên Mai Phương Thúy cũng có nhiều cơ hội hơn. Tôi nghĩ, mỗi hoa hậu có lựa chọn riêng của mình và việc an phận với cuộc sống gia đình cũng là một cách “an phận” tích cực. Mai Phương Thúy cống hiến nhiều nên bây giờ cô vẫn chưa thể lập gia đình. Tôi cũng không dám nói con đường nào là đúng hay sai nhưng tôi tin, không có hoa hậu nào từ chối làm từ thiện nếu có cơ hội cả.
Có một thực tế là không ít người đi thi Hoa hậu với mục đích để kiếm tiền từ danh hiệu. Và đây chính là lý do khiến cho danh hiệu hoa hậu trở nên “mất giá”…
-Tất nhiên họ phải kiếm tiền vì đi thi là một sự đầu tư rồi nên phải hồi vốn chứ đúng không? Đâu phải gia đình nào cũng dư thừa để bảo cho con đi thi cho vui... Có khi một cô Hoa hậu “cứu” được cả dòng họ và đó cũng là làm việc thiện của họ. Phải giúp nhà mình đã, chứ bố mẹ đang vất vả mà mình cứ làm đẩu đâu thì cũng là dở. Chúng ta ở vị trí may mắn không phải lo lắng cho ai cả thì rất dễ đánh giá.
Vậy với cá nhân chị thì sao?
-Thực lòng mà nói, tôi hơi ác cảm khi làm thiện nguyện rồi pr cho hoạt động đó. Từ trước đến nay, tôi chỉ làm với tính chất của một bà mẹ bỉm sữa, ai kêu gọi thì mình đóng góp. Nếu có cơ hội thì đưa con đi để con thấy mình may mắn hơn các bạn khác rất nhiều. Con tôi học trường quốc tế, ngôi trường được coi là của “con nhà giàu” nên tôi rất sợ con có cái nhìn méo mó, lệch lạc về cuộc sống là sẽ nghĩ ai cũng như thế. Làm từ thiện với tôi trước hết là để con khiêm tốn và sống thực tế đã. Đôi khi, rèn luyện để mình không làm hại cho ai cũng là việc thiện rồi.
Cảm ơn Hoa hậu Dương Thùy Linh!
Theo Minh Nhật/Giadinh.net