Khi ca sĩ nữ thường bị chê bai và nhận cát-xê thấp

Google News

Trong ngành công nghiệp âm nhạc do nam giới thống trị, phụ nữ thường không có tiếng nói, dễ bị đối xử bất công.

Madonna, Beyoncé, Rihanna, Lady Gaga và rất nhiều giọng ca nữ vượt qua định kiến để thành công.

Họ góp phần xóa nhòa ranh giới của sự bất bình đẳng trong cộng đồng âm nhạc. Nhưng dù vậy, theo Variety, sân chơi này vẫn chưa thực sự công bằng với phái đẹp.

Đâu đó trên thế giới, phụ nữ đi hát hoặc làm nghề liên quan đến âm nhạc vẫn bị xem thường.

Ngày 8/3, Học viện ghi âm kết hợp Đại học bang Arizona và Học viện âm nhạc sáng tạo của Đại học Berklee giới thiệu nghiên cứu mang tên Women in the Mix với nội dung tìm hiểu đặc điểm nhân khẩu học, kinh nghiệm việc làm, thách thức nghề nghiệp, sự hài lòng với công việc và động lực hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc Mỹ.

"Nghiên cứu được phát triển để tác động những người ủng hộ và các nhà lãnh đạo âm nhạc nhằm hướng tới ngành công nghiệp bình đẳng và toàn diện hơn", mở đầu nghiên cứu viết.

Phân biệt đối xử, trả lương thấp

Hơn 1.600 phụ nữ ở mọi lứa tuổi, chủng tộc và sắc tộc khắp nước Mỹ tham gia trả lời câu hỏi của nghiên cứu Women in the Mix. Những người được hỏi đảm nhận nhiều công việc khác nhau trong ngành, từ ca nhạc sĩ, giám đốc điều hành đến nhân viên hậu trường, trợ lý.

84% người cho biết đã phải đối mặt với sự phân biệt đối xử dù là sắc tộc nào, 77% cảm thấy bất công vì mang giới tính nữ, hơn 56% tin rằng giới tính ảnh hưởng đến việc làm trong ngành này - trong đó, số người làm sáng tạo âm nhạc và nghệ sĩ biểu diễn chiếm phần trăm đồng tình nhiều nhất, ở mức 65%.

Họ làm việc quá sức nhưng đồng lương bèo bọt. Bởi vậy nhiều người phải làm thêm công việc khác từ 40 đến 51 tiếng mỗi tuần. 36% phụ nữ tham gia nghiên cứu tiết lộ kiếm được 40.000 USD/năm và họ muốn được trả nhiều hơn con số này.

Theo Variety, nhóm nhạc sĩ và nghệ sĩ biểu diễn ít nổi tiếng chưa thực sự hài lòng với cát-xê hiện tại. Đồng ý rằng họ có thu nhập cao hơn 15% so với toàn bộ người được hỏi, nhưng thực tế, họ bỏ túi ít tiền hơn đồng nghiệp ở các lĩnh vực giải trí khác.

Và dù là tên tuổi hạng B, C hay những ngôi sao hạng A, việc bị đối xử bất công vẫn xảy ra.

Khi ca si nu thuong bi che bai va nhan cat-xe thap

Taylor Swift phát biểu trên sân khấu lễ trao giải Billboard Women in Music 2019.

Trong bài phỏng vấn nhận giải Người phụ nữ của thập kỷ tại lễ trao giải Billboard Women in Music năm 2019, Taylor Swift có bài phát biểu đáng chú ý về vấn đề nữ quyền trong ngành công nghiệp âm nhạc.

Cô chia sẻ: "Nếu là phụ nữ hoạt động trong lĩnh vực này, bạn sẽ luôn bị nghi ngờ rằng: Liệu cô ấy xứng đáng với những gì đang có? Người đàn ông nào đứng sau thành công của cô, hay đó là do cô có hãng đĩa danh tiếng chống lưng? Tôi biến những câu hỏi ngớ ngẩn đó thành động lực để trở thành tấm gương cho những kẻ phỉ báng mình. Họ càng chê bai, tôi càng nhất định phải thành công".

Hơn 10 năm làm nghề, Taylor Swift đã chứng kiến những chị em đồng nghiệp bị chỉ trích, so sánh, bị chú ý về cơ thể và chuyện tình cảm nhiều hơn âm nhạc.

Rapper 9X nổi tiếng toàn cầu Cardi B cũng lên tiếng về nỗi khổ mà nghệ sĩ nữ phải hứng chịu. Trong ngành công nghiệp do nam giới thống trị, ca sĩ nữ phải đẹp, hát hay, nhảy tốt, tốn hàng giờ trang điểm, làm tóc vì áp lực phải hoàn hảo trước công chúng. Tuy nhiên, họ lại là những người không được tôn trọng nhất.

Một chuyên gia đưa ra góc nhìn trên Marie Claire: "Nghệ sĩ nữ thường bị đối xử không hơn gì 'những con bò sữa xinh xắn' - những nhân vật chỉ được khai thác cơ thể và tài năng nhằm hướng đến lợi ích thương mại tối đa. Số khác còn bị xem là nô lệ tình dục".

Cuộc chiến pháp lý năm 2014 giữa Kesha và nhạc sĩ kiêm nhà sản xuất Dr. Luke (Lukasz Gottwald) đã làm sáng tỏ sự thật khắc nghiệt và phũ phàng cho nhận định trên.

Quay trở lại với nghiên cứu Women in the Mix, không chỉ ca sĩ, nhóm phụ nữ làm nghề sáng tác, giảng viên thanh nhạc, sản xuất, quản lý nghệ sĩ, quảng cáo và tổ chức sự kiện âm nhạc, kinh doanh âm nhạc đều chung mục tiêu thăng tiến trong sự nghiệp hơn là lập gia đình, sinh con.

Cứ hai người được hỏi thì có một người chọn không sinh con hoặc sinh ít con để tập trung thời gian làm việc.

Khi người trong cuộc lên tiếng

Valeisha Butterfield Jones, đồng chủ tịch của Học viện ghi âm, phát biểu: "Chúng tôi có trách nhiệm đảm bảo sự khuếch đại tiếng nói của phái nữ đến ngành công nghiệp âm nhạc.

Nghiên cứu Women in the Mix là tài liệu mang tính đột phá về những thực tế và trải nghiệm mà chúng ta - những phụ nữ làm việc trong lĩnh vực âm nhạc - công khai với thế giới".

Một trong những tác giả của nghiên cứu - chuyên gia âm nhạc Erin Barra của Đại học bang Arizona - cho rằng việc lắng nghe, thấu hiểu câu chuyện của 1.600 phụ nữ góp phần quan trọng để những trải nghiệm, công sức của họ được công nhận. Barra tin điều đó không nhiều thì ít, sẽ góp phần thay đổi góc nhìn về phụ nữ.

Học viện ghi âm cam kết hành động nhiều hơn thông qua khoản quyên góp trị giá 50.000 USD cho 5 tổ chức hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái trong lĩnh vực âm nhạc, bao gồm Beats By Girlz, Femme It Forward, Girls Make Beats, She Is The Music và Women's Audio Mission.

Cùng với nỗ lực trên, từ năm 2019, Học viện ghi âm ra mắt nghiên cứu Women in the Mix thu hút hàng trăm chuyên gia và tổ chức âm nhạc dành cho nữ. Tổ chức cam kết tăng gấp đôi số lượng phụ nữ tham gia nghiên cứu vào năm 2025 và hiện đạt hơn 60% mục tiêu đó.

Khi ca si nu thuong bi che bai va nhan cat-xe thap-Hinh-2

Khi ca si nu thuong bi che bai va nhan cat-xe thap-Hinh-3

Rihanna, Billie Eilish khẳng định vị thế của sao nữ cả trong lĩnh vực âm nhạc và thời trang. 

Trong bài đăng trên The Guardian, tác giả viết rằng nhiều ca sĩ nữ của thập kỷ qua đã vượt khỏi những khuôn mẫu và hạn chế được mặc định lên họ. Họ đang chiến đấu để giành quyền kiểm soát và thế chủ động.

Christina Aguilera từ chối thay đổi phong cách âm nhạc cá tính, Rihanna thách thức định nghĩa cái đẹp là phải cao và gầy bằng cách tạo ra dòng thời trang nội y oversized Savage x Fenty thành công hơn cả Victoria's Secret, Cardi B chỉ trích những người cho rằng cô xuất thân là vũ nữ thoát y nên không có tiếng nói chính trị.

Còn với Lizzo, nữ ca sĩ nhấn mạnh: "Chỉ cần tôi tồn tại, cuộc cách mạng đòi công bằng cho phụ nữ vẫn tiếp tục".

Mùa hè năm 2019, Miley Cyrus thừa nhận thời trẻ đã sống theo chủ nghĩa khoái lạc và thiếu chuyên nghiệp.

Tuy nhiên, giọng ca Wrecking Ball chưa bao giờ ngừng lên tiếng bảo vệ đồng nghiệp nữ cũng như thúc đẩy vấn đề bình đẳng giới.

Theo The Guardian, Billie Eilish định hình nên phong cách âm nhạc và xu hướng thời trang mới cho thế hệ trẻ. Mặc dù trên hành trình đó, chủ nhân bản hit Bad Guy vấp phải không ít tranh cãi về chất nhạc âm u, sầu não và cách ăn vận cực kỳ nổi loạn.

Theo Zing